Về luật pháp, phải rà soát lại Luật ĐTNN cũng như những chính sách có liên quan đến thu hút FDI. Nguồn: internet
Nghị quyết nhằm vừa giúp Việt Nam trở thành điểm đến có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được các yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, vừa khắc phục được căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại.
Mục tiêu là khả thi, song phải rất nỗ lực
Một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Nghị quyết 50 đặt ra về định lượng là trong giai đoạn 2021 – 2025, vốn đăng ký phấn đấu đạt khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm và vốn thực hiện đạt khoảng 20 - 30 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026 – 2030, vốn đăng ký đạt khoảng 40 - 50 tỷ USD/năm và vốn thực hiện đạt khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE), Nghị quyết đặt ra yêu cầu về số lượng là rất quan trọng vì đã nói đến đầu tư thì trước hết là cần phải có vốn. Theo đó, nếu 2019 làm tốt thì vốn FDI thực hiện có thể đạt xấp xỉ 20 tỷ USD. Trong khi giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là giải ngân từ 20-30 tỷ USD, có nghĩa là bình quân mỗi năm trong giai đoạn 5 năm sắp tới sẽ cần giải ngân cao hơn 5 tỷ USD so với vốn thực hiện 2019.
“Đấy là một vấn đề rất lớn và nếu các bộ không lưu ý con số này mà chỉ nói chung chung thì không thể nào thực hiện được Nghị quyết”, ông Nguyễn Mại cảnh báo.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các con số mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra (về tỷ lệ tương đương đóng góp 22-23% trong tổng vốn đầu tư xã hội) là hợp lý và cần phải đạt được, không nên thấp hơn, cũng không nên cao hơn. Không nên thấp hơn vì chúng ta dù đã có trên 700 nghìn DN và 5 triệu hộ kinh doanh trong nước nhưng vốn vẫn đang hạn hẹp, cho nên cần làm thế nào để duy trì được mức tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP hàng năm vào khoảng 30%, lúc đó mới có khả năng duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức 7-8%/năm.
Tuy nhiên, cũng không nên cao hơn. Bởi vì cao hơn có nghĩa là làm giảm mất thị phần của khu vực DN trong nước. Giai đoạn những năm 1990 khi đầu tư trong nước chưa đáng kể thì ĐTNN ở mức hơn 30% là phù hợp, còn trong giai đoạn hiện nay chỉ nên giữ ở mức 22-23% là hợp lý.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, mục tiêu đặt ra như vậy là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh phải tính tới yếu tố CMCN 4.0 với rất nhiều dự án đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. “Các yếu tố lịch sử (mức giải ngân FDI của Việt Nam trong quá khứ cũng tương đương với thế giới, đạt trung bình từ 40-60% vốn đăng ký), định hướng phấn đấu và đặc điểm thời đại hiện nay cho thấy mục tiêu như vậy là phù hợp, tất nhiên phải đi kèm với các nỗ lực và quyết tâm thì tính khả thi sẽ cao”, TS. Phong nói.
Theo Tạp Chí Tài Chính