Nhiều KCN đã “kín đất”
Báo điện tử TBCK Việt Nam dẫn nguồn báo baodongnai.com.vn thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh này có 17 KCN đã được lấp đầy với tỷ lệ từ 92 - 100% và hiện tại đều muốn được mở rộng diện tích. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong 17 KCN này khi tăng công suất đều có nhu cầu thuê thêm đất để xây dựng nhà xưởng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn sau một thời gian hoạt động hiệu quả cũng muốn “kéo” những doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng về gần để thuận tiện cho cả hai bên.
Trong quy hoạch các KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì tỉnh có 8 KCN được chấp thuận điều chỉnh mở rộng, tăng thêm diện tích gồm: Amata (TP.Biên Hòa), An Phước, công nghệ cao Long Thành, Long Đức (huyện Long Thành), Tân Phú (huyện Tân Phú), Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom).
Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa) đã được lấp đầy và đang mở rộng
Ông Masahico Makata, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (huyện Long Thành) cho hay: “KCN Long Đức có diện tích cho thuê hơn 200 ha, hiện đã cho thuê gần hết. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào nên chúng tôi đang đề xuất tỉnh cho mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thứ cấp”.
Các KCN Hố Nai, Sông Mây, Amata cũng đang tiến hành bồi thường, giải tỏa mặt bằng để mở rộng diện tích. Tương tự, tại 3 huyện miền núi, vùng xa như: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, đến nay diện tích trong các KCN cho thuê cũng lên đến 90 - 100% và đang làm hồ sơ xin mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Định Quán (huyện Định Quán) cho biết: “KCN Định Quán đã lấp đầy nên công ty đang làm hồ sơ xin mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 100 hécta. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đến hỏi thuê đất làm nhà máy sản xuất nên công ty sẽ hoàn thiện nhanh thủ tục để xây dựng hạ tầng, thu hút những dự án phù hợp với yêu cầu của tỉnh”.
Cần thêm các KCN mới
Ngoài những KCN đề xuất mở rộng, thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thêm 4 KCN mới đi vào hoạt động là KCN công nghệ cao Long Thành, KCN Phước Bình (huyện Long Thành), KCN Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).
Trong đó, KCN công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, dự tính đầu năm 2020 sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp; KCN Phước Bình đã tìm được chủ đầu tư và 2 KCN là Gia Kiệm, Cẩm Mỹ đang lựa chọn nhà đầu tư. Các KCN trên có tổng diện tích 1.320 ha gồm: KCN công nghệ cao Long Thành gần 500 ha, Cẩm Mỹ 300 ha, Gia Kiệm 330 ha và Phước Bình 190 ha. Khi 4 KCN này đi vào hoạt động, dự tính sẽ có thêm gần 900 hécta đất cho thuê.
Ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Do có đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây nên các doanh nghiệp về Thống Nhất đầu tư vào công nghiệp tương đối nhiều. Nếu KCN Gia Kiệm sớm có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp thì sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.
Đồ họa thể hiện cơ cấu các khu công nghiệp, sự phân bố các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai hiện nay
Một số tổng lãnh sự, tập đoàn, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp FDI có chung nhận xét, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bởi với tốc độ phát triển hạ tầng như hiện nay, tỉnh sẽ là trung tâm giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai sẽ thuận lợi và có chi phí thấp khi đưa đi xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác trong nước.
Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM nhận xét: “Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều đường cao tốc được xây dựng sẽ giúp Đồng Nai thu hút đầu tư FDI tốt hơn. Có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, hàng không… nên đã nhờ lãnh sự quán hỗ trợ thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai nên tới đây rất có thể sẽ có làn sóng doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh”.
Lãnh đạo Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) - tập đoàn đang dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai với trên 1,5 tỷ USD - cho hay, nếu KCN Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) mở rộng diện tích, công ty sẽ tiếp tục thuê thêm đất xây dựng nhà máy, tăng vốn đầu tư vào tỉnh.
Đề xuất thêm KCN vào quy hoạch
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, ngoài 35 KCN đã được quy hoạch, tỉnh đang xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho quy hoạch thêm một số KCN để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại đất đai trên địa bàn và đề xuất địa điểm quy hoạch các KCN.
Thực tế trước đây, các KCN vùng xa của tỉnh thu hút đầu tư rất chậm vì các doanh nghiệp “ngại” đường xa, chi phí cao, khó tuyển lao động. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, khi đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành đi vào hoạt động, doanh nghiệp đến đầu tư tại các KCN rất đông và nay các KCN vùng xa gần như đã lấp đầy.
Trong tương lai gần, khi đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành hoàn thành, giao thông thuận lợi hơn, các doanh nghiệp sẽ về những huyện vùng xa của tỉnh đầu tư nhiều hơn. “Quy hoạch thêm các KCN cho giai đoạn 2021 - 2030 là rất cần thiết. Vì hiện nay và trong những năm tới, Đồng Nai vẫn là nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Nhưng tỉnh sẽ cân nhắc để quy hoạch phát triển công nghiệp bền vững” - ông Hà nhấn mạnh.
Dự tính, quy hoạch thêm các KCN sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh trong giai đoạn tới. Có nghiên cứu, đánh giá chung về tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh và dự báo cho giai đoạn sau là rất cần thiết để trên cơ sở này, xây dựng quy hoạch KCN phù hợp với quá trình phát triển.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết: “Huyện đang cho rà soát lại đất đai, phát triển công nghiệp trên địa bàn để đề xuất mở rộng KCN Tân Phú lên 250 ha, thêm Cụm công nghiệp Phú Sơn và nếu nhà đầu tư có nhu cầu sẽ quy hoạch thêm KCN. Vì tới đây có đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa về cảng Vũng Tàu hoặc cảng TP. HCM rất nhanh”.
Quy hoạch KCN cần có tầm nhìn xa và đánh giá được khả năng phát triển trong tương lai. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh triển khai dự án nhanh, hiệu quả kinh tế đem lại sớm sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến việc quy hoạch các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị đưa Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN nhằm bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai cho hàng triệu hộ dân sinh sống ở TP. Biên Hòa và các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng sẽ xin chủ trương Chính phủ cho đấu giá khu đất 324 ha của KCN Biên Hòa 1. Dự kiến, sau khi di dời, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này sẽ tiến hành đấu giá đất và triển khai dự án xây dựng khu đô thị, thương mại dịch vụ và trung tâm hành chính tỉnh. Khu đô thị này sẽ được thực hiện theo mô hình đô thị thông minh.
Được biết, việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch đã được Đồng Nai lên kế hoạch và trình Thủ tướng từ hơn 10 năm trước. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời KCN ra khỏi TP. Biên Hòa từ năm 2009. Sau đó, Chính phủ tiếp tục đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I do Tổng Công ty Sonadezi triển khai.
Sau nhiều lần họp bàn, đến thời điểm hiện tại, đề án này vẫn chưa được tỉnh Đồng Nai thực hiện vì một số khó khăn liên quan tới chính sách.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Đồng Nai, do sự thay đổi về quy định của Chính phủ nên việc tuyên bố ngưng hoạt động của KCN Biên Hòa 1 là không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Thay vào đó, để di dời và chuyển đổi công năng của KCN này, Đồng Nai sẽ phải đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch. Vì vậy, Sở cần làm văn bản trình Thủ tướng đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch, nêu rõ lý do di dời, chuyển đổi công năng vì môi trường.
Theo Thời Báo Chứng Khoán Việt Nam