Xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xây dựng, duy trì tuyến đường hoa, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn
Các địa phương chủ động nguồn lực
Đánh giá về kết quả này, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, hầu hết các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng đều có điều kiện kinh tế với các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển hơn (trong đó có 5/11 tỉnh, thành phố tự túc ngân sách là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng), nên có nguồn thu lớn để đầu tư ngược trở lại cho xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, giai đoạn II, các tỉnh, thành phố đã ưu tiên nguồn từ ngân sách địa phương để đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM cao gấp 2,37 lần so với giai đoạn I (cao hơn so với cả nước); trong đó ngân sách cấp tỉnh chiếm 44,8%, ngân sách cấp huyện 37,1%, ngân sách xã chiếm 18,1% (chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn).
Ngoài ra, vốn tín dụng tăng mạnh (gấp 2,52 lần so với giai đoạn I), chủ yếu của người dân để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển vùng sản xuất tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù, nguồn vốn đóng góp của nhân dân và cộng đồng giai đoạn II có cao hơn (2.045 tỷ đồng), nhưng về tỷ lệ trong cơ cấu vốn chung thì giảm nhiều so với giai đoạn I.
Việc các địa phương bố trí nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM cũng cho thấy việc các địa phương để lại kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất để hỗ trợ xây dựng NTM đã bổ sung thêm nguồn lực rất lớn cho xây dựng NTM ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Cụ thể, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trong 9 năm qua đã đầu tư 3.978 tỷ cho xây dựng NTM, trong đó trên 70% từ nguồn kinh phí thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã có 2.402/3.474 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Sự khác biệt về cơ cấu nguồn vốn
Đáng chú ý, có sự khác biệt giữa hai vùng trong cơ cấu nguồn vốn: Trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ có 1,6% nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và 25,3% đối ứng từ ngân sách địa phương, thì con số này ở vùng Bắc Trung Bộ tương ứng là 4,19% và 10,39% (trung bình cả nước là 10,71%); tỷ lệ vốn lồng ghép của vùng Bắc Trung Bộ là 16,47%, cao hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng là 9,61%.
Hầu hết các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng có điều kiện kinh tế với các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển hơn, có nguồn thu lớn để đầu tư ngược trở lại cho xây dựng NTM, nên phần ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình tương đối lớn.
Ngoài ra, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương được các địa phương tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống đường giao thôn nông thôn chiếm 27,9%, trường học chiếm 21%, cơ sở vật chất văn hóa chiếm 17,4%, công trình nước sạch tập trung chiếm 13,1%…
Vốn sự nghiệp được ưu tiên bố trí thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chiếm 22,2%, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chiếm 11,8%, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư chiếm 10,1%...
Theo Tạp Chí Tài Chính