Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế tổng số các dự án vốn ĐTNN vào Việt Nam lên khoảng 8.900 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 186 tỷ USD.
Đối với các dự án đầu tư trong nước (ĐTTN), trong 6 tháng đầu năm 2019, các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 334 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 82,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng số các dự án vốn ĐTTN lên khoảng 9.086 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2.060,5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6 năm 2019, có hơn 3,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.
Hiện có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 95,5 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,6 nghìn ha, chiếm khoảng 68,7%.
Trong 326 KCN được thành lập, có 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 66,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 74% và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng với tổng diện tích khoảng 29,3 nghìn ha.
Hiện có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha. Ngoài ra, KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) nằm trong quy hoạch phát triển các KKT nhưng chưa được thành lập.
Lũy kế đến tháng 6 năm 2019, có 38 KCN nằm trong KKT với tổng diện tích khoảng 15,2 nghìn ha. Trong đó, 17 KCN đang hoạt động có tổng diện tích khoảng 6,9 nghìn ha và 21 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích khoảng 8,3 nghìn ha.
Dự kiến đến hết tháng 6 năm 2019, có 221/251 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 88%.
Nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm nhiều đến các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Việt Nam
Dữ liệu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nửa đầu năm nay cũng vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, cho thấy dòng vốn ngoại tiếp tục đổ về Việt Nam, trong bối cảnh xung đột thương mại và địa chính trị tiếp tục xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và dự báo kinh tế toàn cầu tăng chậm lại.
Tính đến 20/6/2019, cả nước thu hút được tổng cộng 18,47% vốn FDI đăng ký, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, con số giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.
Nửa năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Khoảng 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Singapore, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 2,2 tỷ USD và 1,95 tỷ USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,87 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,09 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 1,37 tỷ USD chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong con số 18,47 tỷ USD nêu ở trên, có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.
Dòng vốn này thường là thống kê lượng vốn FDI đổ vào mua từ 50% giá trị doanh nghiệp, dự án trở lên, nên nó cho thấy hoạt động thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn và đang lấn át các chủ trương đầu tư mới, mở rộng dự án cũ của nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước chỉ có 1.723 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,41 tỷ USD, giảm tới 37,2% so với cùng kỳ năm 2018; có 628 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,94 tỷ USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Reatimes.vn