Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu

Written by  - Friday, 23 August 2019

Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng năm 2019, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại trong CPTTP của 7 tháng năm 2018 và 7 tháng năm 2019 như sau:

 Xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại của CPTTP (triệu USD). Nguồn: TCHQ.

Xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại của CPTTP (triệu USD). Nguồn: TCHQ.

Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước tham gia CPTTP đạt quy mô khá, chiếm trên 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một số thị trường đạt quy mô khá lớn. Trong 27 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thì khu vực này chiếm 6, có tỷ lệ so với tổng số thị trường khu vực này cao hơn tỷ lệ tương ứng của tổng số.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tuy thấp hơn tốc độ tăng chung (7,5% so với 7,8%), nhưng tăng là sự khác biệt so với khi mở cửa với Trung Quốc (năm 1991), với Thái Lan (năm 1995), với Hàn Quốc (năm 2018) - khi đó xuất khẩu giảm hoặc tăng thấp, trong khi nhập khẩu tăng cao, làm cho nhập siêu tăng.

Tổng mức tăng của các thị trường này đạt 156,5 triệu USD, trong đó có một số thị trường có mức tăng khá, như Nhật Bản 1.010 triệu USD, Canada 546 triệu USD, Mexico 290 triệu USD.

Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng vào Trung Quốc gặp khó khăn do nước này thay đổi chính sách nhập khẩu tiểu ngạch, nhưng thị trường 10 nước còn lại của CPTTP lại đạt mức khá, trong đó đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Malaysia, Canada, Australia, Singapore, Mexico, New Zealand, Chile, Peru, Brunei, góp phần giảm bớt sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.

Nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường này so với cùng kỳ năm trước giảm 2,3%, hay giảm 503 triệu USD. Có một số thị trường giảm (như Mexico 659 triệu USD, Singapore 490 triệu USD, Malaysia 219 triệu USD)...

Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu

Do xuất khẩu của Việt Nam vào 10 nước tham gia CPTTP tăng, trong khi nhập khẩu từ đây giảm, nên nếu cùng kỳ năm trước Việt Nam ở vị thế nhập siêu, thì 7 tháng năm nay đã xuất siêu ở mức khá.

Trong 10 thị trường trên, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 5 thị trường và cả 5 thị trường này đều ở mức trên 100 triệu USD, lớn nhất là Canada, tiếp đến là Mexico, Nhật Bản, Chile, Peru. Đáng lưu ý, mức xuất siêu đều cao hơn cùng kỳ năm trước, đặc biệt là Nhật Bản đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu khá lớn.

Các diễn biến trên là kết quả tích cực của việc CPTTP được thực hiện. Kết quả càng có ý nghĩa khi được thể hiện ngay trong những tháng đầu tiên thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam một mặt đã tranh thủ tốt hơn về thị trường với cơ hội thuế suất thuế nhập khẩu vào các nước này được giảm thiểu, mặt khác đây cũng là các thị trường có thể góp phần để Việt Nam có điều kiện để xử lý được khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng đó chỉ là bước đầu, chưa thể chủ quan. Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường còn bị giảm (với Australia giảm 373 triệu USD, Malaysia giảm 122 triệu USD); nhập khẩu từ một số thị trường tăng (Australia, Canada, Peru, Brunei); còn nhập siêu từ một số thị trường (như Malaysia, Australia, Singapore, Brunei, New Zealand). Đáng lưu ý, với Australia năm trước xuất siêu, nay nhập siêu, còn với Brunei là nhập siêu tăng.

Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam còn thấp so với tổng nhập khẩu của các thị trường này. Tốc độ tăng xuất khẩu vào các thị trường này còn thấp hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tác động đến việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu chung...

Theo Tạp Chí Tài Chính

전략적 파트너십