Bất động sản công nghiệp 2019: Chính sách "chắp cánh" cho nhà đầu tư

Written by  - Friday, 23 August 2019

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường với hàng loạt yếu tố thuận lợi từ bối cảnh cho đến chính sách. 

Tiềm năng từ thị trường và chính sách

Với việc đón nhận hàng loạt những cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho đến sự phát triển nền kinh tế, bất động sản (BĐS) công nghiệp đang có những bước đột phá chóng mặt, trở thành điểm sáng thu hút trên thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.

"Trong năm 2019, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá đây sẽ là một trong những phân khúc thị trường còn nhiều dư địa phát triển", đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng, có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Mặc cho Mỹ không còn tham gia TPP (nay gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), giới phân tích nhận định hiện Việt Nam vẫn là điểm đến chiến lược, và được xem là "công xưởng" mới cho các nhà sản xuất quốc tế.

Ngoài CPTPP, các nhà đầu tư còn đặt kỳ vọng vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết như Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc có hiệu lực, hứa hẹn về triển vọng tăng cường hơn nữa trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "BĐS Công nghiệp Việt Nam hiện đang có những tiềm năng lớn để phát triển và bứt phá. Từ những lợi thế sẵn có, nếu không phát triển, BĐS công nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội và chuyển hóa được những tiềm năng".

Cơ hội mới cho các nhà đầu tư

Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực 10/07/2018) cho phép quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã mở ra một cơ hội mới cho các nhà đầu tư bất động sản. Nhất là khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong chính các khu công nghiệp (KCN) chính là "điểm mở" từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất.

Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: KCN là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ của khu), được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp. Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ không vượt quá 1/3 quy mô diện tích khu công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp 2019: Chính sách chắp cánh cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong chính các khu công nghiệp chính là "điểm mở"

từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất. (Ảnh: Internet).

Đô thị và dịch vụ sẽ phát triển là yếu tố khách quan khi thu hút được nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Mối quan hệ hữu cơ và mang tính bền vững này đang được chứng minh hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới, như: Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Trung Quốc,... Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi…

Việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Đặc biệt xu hướng xây dựng khu đô thị trong khu công nghiệp mới chỉ phát triển, đây chính là mảnh đất "màu mỡ" để các nhà đầu tư bất động sản khai thác, nắm bắt cơ hội đầu tư sinh lời vượt trội.

Theo CafeF

전략적 파트너십