Giá điện tăng và lạm phát

Written by  - 週一, 01 四月 2019

(TBKTSG) - Với tỷ trọng của nhóm hàng điện tiêu dùng trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%.

9

Giá điện trung bình đã chính thức được điều chỉnh tăng thêm 8,36%. Ảnh: Thành Hoa

CPI tháng 3 nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ

Bắt đầu từ ngày 20-3-2019, giá điện trung bình đã chính thức được điều chỉnh tăng thêm 8,36%. Câu hỏi đặt ra là với mức tăng khá cao của giá điện như trên, liệu triển vọng lạm phát cho cả năm 2019 có bị ảnh hưởng theo chiều hướng rủi ro thêm?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy diễn biến lạm phát trong hai tháng đầu năm vẫn chưa nằm ngoài dự liệu. Chỉ số CPI trong tháng 1 và tháng 2 có mức tăng lần lượt là 0,1% và 0,8%. Mặc dù CPI có mức tăng khá mạnh trong tháng 2 nhưng điều này không đáng lo ngại do ảnh hưởng chủ yếu bởi yếu tố mùa vụ (dịp Tết Nguyên đán). Các nhóm hàng tiêu dùng trong dịp Tết đều tăng giá mạnh trong tháng 2 như hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,73%); đồ uống, thuốc lá (tăng 0,35%); nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 0,69%). Riêng nhóm hàng giao thông giảm 0,16%.

Tính đến thời điểm cuối tháng 2-2019, chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước tăng 2,64%. Nếu nhìn trong một khung thời gian dài hơn là một năm thì chỉ số này vẫn đang duy trì xu hướng giảm và thấp hơn khá nhiều mức đỉnh là 4,67% thiết lập vào tháng 5-2018. Việc CPI hạ nhiệt trong thời gian vừa qua có đóng góp rất lớn của hai nhóm hàng: giá nhóm giao thông (giảm 3% so với cùng kỳ) và giá nhóm thuốc, dịch vụ y tế (chỉ tăng 1,8%, không còn tăng đột biến gần 30% như năm 2017).

Về tác động của việc tăng giá điện lên lạm phát, theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với tỷ trọng của nhóm hàng điện tiêu dùng trong rổ tính CPI hiện nay chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%.

Đây được coi là tác động “vòng 1”, mang tính trực tiếp nhất. Bên cạnh đó, do thời điểm tăng giá vào ngày 20-3-2019 nên mức tăng 0,3% trên sẽ chỉ phân bổ một phần vào số liệu CPI của tháng 3, còn lại sẽ tiếp tục phản ánh trong tháng 4.

Ngoài ra, sau khi đã tăng mạnh trong tháng 2, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm) nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong tháng 3 (điều thường thấy trong các năm gần đây) nên tác động của việc giá điện tăng sẽ được bù trừ một phần nhất định. Đây cũng rất có thể là lý do khiến Chính phủ chọn thời điểm tháng 3 cho quyết định tăng giá điện. Với những lập luận nêu trên, nhiều khả năng chỉ số CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng nhẹ (dưới 0,3%).

Kể từ năm 2010 đến nay, giá điện bình quân đã được tăng chín lần với mức tăng cao nhất thuộc về năm 2011 - tăng 15,3%. Từ năm 2013, giá điện đã được điều chỉnh thưa hơn và biên độ mỗi lần tăng cũng thấp hơn (5-9%). Trong quá khứ, tác động vòng 2 của giá điện lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong thời gian từ 3-6 tháng sau đó không thật sự rõ ràng (thậm chí có những năm CPI vẫn giảm dù giá điện tăng như năm 2015).

Tuy nhiên, điểm quan sát được là trong những năm CPI tăng mạnh mà có sự điều chỉnh giá điện (giai đoạn 2010-2011) thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh. Trong khi đó, ở giai đoạn hiện tại, các yếu tố liên quan đến cung-cầu trong nền kinh tế, đặc biệt là về mặt cung tiền đang không tạo ra quá nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011.

Do vậy, có cơ sở để kỳ vọng tác động mang tính lan truyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có nhưng sẽ ở mức hạn chế.

Rủi ro từ giá dầu không lớn

Một rủi ro khác đối với lạm phát mà nhiều nhà đầu tư đang lo ngại là xu hướng bật tăng của giá dầu thế giới. Sau một năm 2018 đầy biến động (tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm nhưng chuyển sang trạng thái lao dốc mạnh trong hai tháng cuối năm), giá dầu WTI và Brent đã hồi phục gần 30% so với cuối năm 2018. Tuy vậy, diễn biến này chưa gây quá nhiều áp lực lên giá xăng dầu trong nước do liên bộ Tài chính - Công Thương đang tăng cường mức chi từ quỹ bình ổn xăng dầu thay vì tăng mạnh giá bán lẻ.

Theo dự báo của BVSC, trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu Brent tiếp tục tăng đều và đóng cửa ở mức 70 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm nay (hiện giá dầu Brent đang ở mức 67 đô la Mỹ/thùng) thì lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,53%. Trong kịch bản dầu Brent ở mức 65 đô la Mỹ/thùng và 80 đô la Mỹ/thùng thì lạm phát trung bình của Việt Nam sẽ lần lượt ở mức 3,33% và 3,76%. Nếu những dự báo trên đúng với thực tế thì có thể thấy chỉ tiêu lạm phát cho năm 2019 của Chính phủ (trung bình tăng khoảng 4%) sẽ hoàn thành.

Trên bình diện thế giới, xu hướng lạm phát giảm hoặc ổn định ở mức thấp đang diễn ra ở hầu hết các nước, kể cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi. Nhu cầu yếu do tăng trưởng chậm lại, đặc biệt tại Trung Quốc, sẽ là yếu tố tác động, kìm hãm đà tăng của mặt bằng giá cả các mặt hàng nói chung. Giá dầu cũng không phải là ngoại lệ.

Việc giá dầu hồi phục mạnh trong hai tháng gần đây chủ yếu nhờ hoạt động cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó chủ chốt là Ảrập Saudi, trong khi về phía cầu, kinh tế các nước mặc dù tăng chậm lại nhưng mức độ suy giảm chưa quá sâu. Tuy nhiên, diễn biến này có thể sẽ đảo ngược lại trong thời gian tới khi OPEC không còn nhiều “quota” để cắt giảm trong khi nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng lên và cầu thế giới suy yếu mạnh hơn nữa. 

Linh Trang

战略伙伴关系