Doanh nghiệp FDI làm gì để liên kết với doanh nghiệp Việt?

Written by  - 週三, 04 七月 2018

Đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD...

ong dung vbf 15306693516871902600513 84 0 623 960 crop 15306693593301924487282

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, sáng 4/7 tại Hà Nội.

Nhấn mạnh 2018 là năm kỷ niệm 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao. GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ USD.

"Có được những thành tựu nói trên không thể không nhắc đến sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI. Đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD", Bộ trưởng cho biết.

Tiếp theo, Bộ trưởng nêu một số con số cụ thể minh chứng cho nhận định khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Như, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Theo Bộ trưởng, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế…

"Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với chủ đề của diễn đàn là "Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – Hướng tới lợi ích chung", Bộ trưởng Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp sẽ không chỉ phản ánh những vấn đề đang được quan tâm, mà còn tập trung đi sâu phân tích, đánh giá về những khó khăn, nguyên nhân, bài học và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Để tăng cường sự liên kết đó, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng phát biểu.

Khẳng định sự đồng hành với doanh nghiệp của Chính phủ, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp thiết thực từ Chính phủ nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.

Theo Nguyên Vũ (VnEconomy)

战略伙伴关系