Dòng vốn ngoại đang tăng dần trên thị trường bất động sản.
Dòng tiền từ ngân hàng đang giảm dần
Dòng vốn vào bất động sản trong 2019 từ tín dụng bổ sung thêm cho bất động sản dự tính tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ.
Trong khi, đó 4 dòng vốn còn lại gồm tư nhân, FDI, trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu tương đương 240.000 tỷ. Nếu trước đây dòng vốn tín dụng ngân hàng chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư vào bất động sản thì nay tỷ lệ này đã thay đổi. Trong năm qua, 60% vốn cho bất động sản đến từ ngân hàng, 40% đến từ các khu vực khác.
Theo ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chúng ta băn khoăn về Thông tư 22 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước. Chính tôi là người đề xuất phải có một thông tư như thế. Việc này là cần thiết để định hướng tín dụng vào những chỗ bất động sản gắn với thực tiễn, bớt đầu cơ.
“Thị trường lành mạnh về lâu dài, thông tư này sẽ cực kỳ khuyến khích cho vay xây nhà, mua nhà, chữa nhà vì sắp tới cho vay chỗ này trọng số chỉ dưới 50%, bằng một nửa so với cho vay thương mại thông thường – phân khúc này chiếm tới 67% tổng lượng vốn đổ vào bất động sản” - ông Cấn Văn Lực nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Landora Group cho biết, chính sách vẫn có những hạn chế, hạn chế lớn nhất là sự điều tiết của Nhà nước, trong đó có tổng "room" tín dụng cho bất động sản.
“Trong năm 2020, Thông tư mới nhất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế tín dụng bất động sản, tôi cho rằng tình hình với doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn ổn định. Nhưng vấn đề nằm ở các chính sách, thủ tục cấp phép. Cần phải làm sao để đơn giản nhất, đặc biệt là trong cách tính thuế và có cơ chế làm sao để doanh nghiệp làm việc với cơ quan chức năng được thuận lợi hơn. Đây là điều chúng tôi mong muốn nhất chứ không phải vấn đề vốn” - ông Nguyễn Mạnh Hà nói.
Dòng vốn ngoại “rộng cửa” trong năm 2020
Bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc thị trường Hà Nội - JLL Việt Nam đánh giá, khi dòng vốn ngoại đi vào thị trường thì sẽ có nhiều tác động tích cực cho thị trường chứ không phải là tiêu cực. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ muốn đầu tư hoặc mua, tìm kiếm đối tác Việt Nam để liên doanh liên kết.
“Đây là dòng tiền tiềm năng, họ đem theo kinh nghiệm, dòng vốn. Các doanh nghiệp trong nước có thể tìm được các nhà đầu tư nước ngoài thì không chỉ có thêm tiền mà còn có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm để phát triển dự án của mình lên một tầm cao hơn” - bà Nguyễn Hồng Vân nói.
Các nhà đầu tư ngoại cũng không bị giới hạn tầm nhìn ở một lĩnh vực nào mà họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nhà thương mại, chung cư…
Hiện nay, vốn đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc là những dòng vốn tốt. Còn Trung Quốc cũng đầu tư nhiều nhưng chủ yếu là khu công nghiệp, còn trung tâm thương mại, nhà phố thì nguồn vốn nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bất động sản là nhóm ngành thứ 2 thu hút vốn FDI trong năm 2019 với sự thay đổi mạnh mẽ về quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Nếu trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam lớn nhất thì năm nay nguồn vốn FDI lớn nhất lại đến từ Hồng Kông.
Xét riêng tại Hà Nội, căn hộ là thị trường chính đang được mọi người quan tâm. Trong năm 2019, đây là thị trường rất nhộn nhịp. Các dự án chung cư tại Hà Nội từ năm 2010 mọc lên với mật độ dày đặc cả từ trung tâm đến rìa trung tâm (cách 40 -50 phút đi vào trung tâm).
Tính đến tháng 9 đã có 270.000 căn hộ được chào bán trên thị trường. Giá bán tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường đón nhận 11.000 căn hộ, riêng quý 4/2019 cho thấy thị trường đang rất nhộn nhịp không chỉ thu hút nhà đầu tư lẫn người mua.
Dòng vốn ngoại và kiều hối đổ vào thị trường bất động sản sẽ tăng lên, xu hướng mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tiếp tục diễn ra. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ liên kết với các đơn vị trong nước để tạo lập các sản phẩm bất động sản chất lượng nhằm cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường.
Theo Tạp Chí Tài Chính