Việt Nam có thể là cửa ngõ cho các doanh nghiệp và hàng hóa Ấn Độ

Written by  - 週六, 16 十一月 2019

Việt Nam có thể là cửa ngõ cho các doanh nghiệp và hàng hóa Ấn Độ đi vào các khu vực thị trường lớn trên thế giới. Đây là khẳng định của ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Á Phi (Bộ Công thương) tại Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam-Ấn Độ.

Việt Nam có thể là cửa ngõ cho các doanh nghiệp và hàng hóa Ấn Độ

Cắt băng khai trương gian hàng Việt Nam tại Hội chợ thương mại quốc tế Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, nhiều chuyên gia, học giả về kinh tế-thương mại và đông đảo các hãng thông tấn báo chí nước sở tại. Đây là một sự kiện nổi bật trong "Tháng Việt Nam" tại Ấn Độ tổ chức ở khách sạn Taj Mahal, thủ đô New Delhi.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Quốc Hưng khẳng định đi vào các khu vực thị trường lớn trên thế giới như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế trên tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ấn Độ là một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (nằm trong tốp 10). Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2018 đạt 10,68 tỷ USD (theo thống kê của Hải quan Việt Nam) và 12,8 tỷ USD (theo thống kê của Hải quan Ấn Độ). Về đầu tư, đến nay, Ấn Độ có 223 dự án, với tổng số vốn đạt 913,33 triệu USD. Ấn Độ đứng thứ 26/131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp tiêu biểu của Ấn Độ đầu tư và thành công tại Việt Nam là TATA, ONGC, Essar… Tuy thành tựu còn khiêm tốn nhưng là nền tảng quan trọng cho việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương trong tương lai.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, thế giới và khu vực đang trải qua những bất ổn và khó khăn hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang gia tăng làm cho tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực chững lại, tác động tiêu cực tới tất cả các nước trong khu vực, kể cả Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, với những tiềm năng, thuận lợi và nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, các Bộ, ngành, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay, hai nước Việt Nam và Ấn Độ càng cần phải hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua thử thách, tiếp tục phát triển vì thịnh vượng chung. Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm và đầu tư vào Việt Nam cũng như kết nối, kinh doanh thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ "Tháng Việt Nam" tại Ấn Độ Hội chợ thương mại quốc tế Ấn Độ (IITF) lần thứ 39 đã bắt đầu diễn ra từ ngày 14-27/11 tại Trung tâm Triển lãm Pragati Maidan (thủ đô New Delhi, Ấn Độ). Đây là hội chợ đa ngành nghề và có uy tín bậc nhất tại Ấn Độ do Cơ quan xúc tiến thương mại (ITPO) thuộc Chính phủ Ấn Độ tổ chức thường niên.

Hội chợ diễn ra trong 14 ngày, trong đó 5 ngày đầu dành riêng cho thương nhân, doanh nghiệp, 9 ngày tiếp theo mở cửa rộng rãi cho doanh nghiệp và công chúng.

Gần 20 doanh nghiệp của Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp, trái cây, thủ công mỹ nghệ, máy móc thiết bị, đồ gia dụng đã tham gia Hội chợ năm nay.

Theo CafeF

战略伙伴关系