(Biznews) Để hưởng lợi từ nguồn vốn FDI, doanh nghiệp Việt cần làm gì?

Written by  - 週四, 05 九月 2019

Dòng vốn FDI đang đổ dồn về Việt Nam, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử mới chỉ khoảng 30% còn ngành công nghiệp ô tô chỉ 9,5%.

Để hưởng lợi từ nguồn vốn FDI, doanh nghiệp Việt cần làm gì?

 

Trao đổi tại hội thảo "Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ với khu vực FDI: Cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp", PGS. TS Phan Đăng Tuất – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn rất thấp.
"Với ngành điện tử là khoảng hơn 30%, còn riêng ngành công nghiệp ô tô, số doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ khoảng 9,5%", ông Tuất nói.
Theo ông Tuất, có ba hình thức hấp thụ vốn FDI. Thứ nhất là hình thức M&A, thông thường các doanh nghiệp FDI muốn vào thị trường Việt Nam bằng hình thức này. Do đó, cách “hưởng lợi” trực tiếp nhất từ dòng vốn FDI là bán cổ phần cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam là công ty gia đình do đó vẫn muốn nắm quyền kiểm soát nên chỉ bán dưới 49% cổ phần. Điều này lại không phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài khi họ cũng muốn kiểm soát doanh nghiệp bằng việc mua trên 51%.
Cách thứ hai là doanh nghiệp FDI hợp tác cùng doanh nghiệp nội địa để thành lập công ty mới và cách thứ ba là khi nhà đầu tư nước ngoài vào, họ mang cả doanh nghiệp hỗ trợ vào, họ dựng nhà máy và các doanh nghiệp nội địa thành vệ tinh của họ.
 
 Hội thảo "Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ với khu vực FDI: Cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp"
 
Tuy nhiên, điểm hạn chế rất lớn của doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam là năng lực hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo hình thức doanh nghiệp gia đình, công nghệ lạc hậu,… Vì vậy, chính các doanh nghiệp này cần liên kết với nhau, tham gia vào các nhóm, hiệp hội, tổ chức. “Trước khi kết nối với các doanh nghiệp FDI, kết nối với nước ngoài, phải kết nối với nhau đã”, ông Tuất nói.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ đã kiến nghị rất lâu việc xây dựng database về các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ để khi các doanh nghiệp FDI cần cung cấp chi tiết, linh kiện gì họ sẽ nhìn vào đó để kết nối với các doanh nghiệp Việt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tiến - Đại diện Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, muốn “kiếm” từ dòng vốn FDI thì trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực để tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu.
"Nếu chúng ta không tự nâng cao năng lực thì chúng ta sẽ bị các doanh nghiệp FDI bỏ rơi. Thu hút vốn FDI nhưng không mang lại giá trị gia tăng lớn và lợi ích cho các doanh nghiệp", ông Tiến nhìn nhận.
Bên cạnh việc tự nâng cao năng lực để đón sóng đầu tư FDI GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam, các doanh nghiệp cũng có thể hưởng lợi khi đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Điển hình như việc Samsung xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh, hơn 45.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy này. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng,dịch vụ,… phục vụ cho đời sống người lao động cũng được hưởng lợi. "Nhìn vào đời sống của người dân ở khu vực nhà máy Samsung Bắc Ninh ngày nay so với trước đây sẽ thấy khác hẳn", GS. Nguyễn Mại chỉ ra.
Theo Trang Bizlive

战略伙伴关系