4 thách thức xen lẫn cơ hội đối với thị trường bất động sản

Written by  - 週三, 21 八月 2019

Vốn FDI giảm, cuộc rà soát và thắt chặt cấp phép dự án mới, chính sách siết tín dụng và bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại được đánh giá là những yếu tố vừa tạo ra thách thức lẫn cơ hội cho thị trường bất động sản.

Cuộc rà soát và thắt chặt cấp phép dự án mới

Đây được coi là một trong nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm nguồn cung đáng kể trên thị trường bất động sản  ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội phê duyệt 6 dự án còn ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được công nhận với quy mô chỉ 924 căn hộ, giảm 16 dự án (tương đương giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều lo ngại đặt ra nguyên nhân này sẽ tạo ra sự ách tắc của thị trường.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, cuộc rà soát và thắt chặt cấp phép dự án sẽ góp phần thanh lọc thị trường, giữ lại những chủ đầu tư tốt và dự án chất lượng.

Vị lãnh đạo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam còn nhấn mạnh, cuộc rà soát này còn góp phần đưa các dự án phải tuân thủ theo pháp luật, tránh nguy cơ rủi ro nhất cho người tiêu dùng. Điển hình như trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra, dự án bị thanh tra trong khi khách hàng đã vào ở.

Chính sách siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản

Siết chặt vốn từng được coi là một trở ngại thách thức với thị trường bất động sản. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư: quy định nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200%; giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 45% xuống 40% kể từ đầu năm 2019; dự thảo thông tư mới có định hướng tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 35% vào năm 2020 và tiến tới còn 30% trong thời gian sau đó; hệ số rủi ro cho vay bất động sản cũng sẽ được nâng từ 200% lên 250%, thậm chí 300% nếu cần...

Chính sách này đã khiến giới đầu tư quan ngại về tính thanh khoản trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest lại cho rằng, đây không phải là khó khăn với thị trường.

Đồng quan điểm đó, TS. Bùi Quang Tín nhấn mạnh: “Về các chính sách hỗ trợ từ NHNN, chính sách tiền tệ có 5 công cụ, trong đó có 3 công cụ NHNN hỗ trợ mạnh, chứ không siết chặt như côhúng ta nghĩ. Trong khi nhiều nước thời gian qua phá giá đồng tiền, thậm chí có quốc gia phá giá 35% trong khi VNĐ vẫn giữ ổn định, mất giá chỉ khoảng 2,5%. 6 tháng qua tỷ giá gần bằng mức cuối năm 2018, NHNN điều hành ổn định tỷ giá giúp bình ổn lãi suất, giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%. Mức lạm phát mới công bố gần 2,7%”.

Vốn FDI giảm mạnh

Thực tế trước đó, khi vốn FDI đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản, giới chuyên gia nhận định lạc quan đây sẽ là bệ đỡ lớn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây, dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với con số 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018.

Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng giảm.

Lý giải về sự sụt giảm này, JLL cho rằng thời gian gần đây, những dự án bất động sản chưa được phát triển hiệu quả hoặc những dự án được giao dịch với giá thấp hơn mức giá thị trường hoặc không thông qua đấu thầu chính thức đang phải qua những bước kiểm soát chặt chẽ từ các nhà chức trách tại Việt Nam.

Trái với e ngại về tác động của vốn FDI giảm, nhiều lạc quan cho rằng, đây cũng là động thái góp phần đẩy thị trường bất động sản minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Bức tranh kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành VNREA lần thứ III nhiệm kỳ IV diễn ra mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia đã có nhận định về bức tranh kinh tế vĩ mô. Theo ông Nghĩa, thời gian tới và thậm chí là hiện nay, các doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn như tín dụng thắt chặt, luật lệ khắt khe hơn, chậm giải ngân đầu tư công... Đây là những tín hiệu bất lợi cho các doanh nghiệp thiếu vốn, vướng mắc pháp lý...

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đặt ra những lo ngại cho doanh nghiệp Việt, nhất là khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới “nhảy” vào thị trường Việt Nam. Họ chờ doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, khó “sống” nổi, sẽ tiến hành thâu tóm. Hoặc họ chờ bong bóng bất động sản “nổ tung” để chớp lấy cơ hội.

Song ở góc độ lạc quan, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt thể hiện GDP năm 2018 tăng trưởng 7,08%, cao nhất 10 năm. 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 6,4%, thấp hơn 2018 nhưng vẫn gần bằng mức cao nhất 10 năm.

Thị trường bất động sản là một trong những kênh kết nối với các ngành trong nền kinh tế, 6 tháng cuối năm 2018 thị trường có chậm lại, tình hình tương tự trong 6 tháng đầu năm 2019. Mặc dù thị trường tuy chậm nhưng chưa tác động lan toả tới nền kinh tế.

Ông Bùi Quang Tín cho biết, về dự báo thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm chúng ta đang có nền tảng vĩ mô tốt nên dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào bất động sản.

"Mặc dù tổng lượng giao dịch bất động sản 6 tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm, nên đợt khó khăn lần này của thị trường bất động sản không giống như các đợt đi xuống trước đây. Chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt là cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán, bất động sản và tăng trưởng cộng hưởng của các nhóm ngành", ông Tín nói. 

Theo Tạp Chí Tài Chính

战略伙伴关系