Bất động sản huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại

Written by  - 週三, 21 八月 2019

Không chỉ có thị trường nhà ở hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, thị trường văn phòng cũng là nơi mà khối ngoại tăng cường rót vốn....

Không khí có phần ảm đạm của thị trường nhà đất hay căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không làm cho các nhà đầu tư ngoại e ngại. Biểu hiện là càng về cuối năm, tần suất xuất hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) hay đầu tư tài chính của khối ngoại bất chợt cao hơn hẳn.

Mới đây, Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) đã huy động được số vốn khủng: 121 triệu USD từ nhóm Nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore (Credit Suisse).

Đây là lần góp vốn thứ hai từ ACA Investments và thứ ba từ Lemongrass Master Fund vào Sonkim Land. Ngoài ra, SonKim Land cũng đang là đối tác với những nhà đầu tư mới khác trong đợt huy động vốn lần này như Skymont Capital - Nhóm quản lý đầu tư tại châu Á và Credit Suisse - một trong những định chế tài chính toàn cầu hoạt động tích cực tại Việt Nam. “Giao dịch này cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam”, ông Rehan Anwer, Đồng Giám đốc Ngân hàng đầu tư, Thị trường vốn khu vực Đông Nam Á và thị trường cận biên, Credit Suisse cho biết.

Related image

Một thương vụ đáng chú ý khác là sự kiện nhà đầu tư đến từ Singapore Keppel Land thâu tóm cùng một lúc 3 lô đất tại Nhà Bè của địa ốc Phú Long. Các dự án này có tổng quy mô 6,2 ha tại ba địa điểm nằm cách nhau 400 m, dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thơ, cách khu trung tâm thương mại 25 phút lái xe.

Theo kế hoạch, Keppel Land sẽ phát triển tổng cộng khoảng 2.400 căn hộ cao cấp đi cùng với shophouse và 14.650 m2 trung tâm thương mại trên các lô đất này. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ rơi vào khoảng 307 triệu USD.

Theo Chủ tịch Keppel Land Việt Nam Linson Lim, việc mua lại sẽ bổ sung vào danh mục  khoảng 20.000 căn nhà và bất động sản thương mại chất lượng của Keppel Land tại Việt Nam, đưa thị trường này trở thành một trong những thị trường chủ lực của nhà đầu tư Singapore trong các năm tới bên cạnh Trung Quốc.

Không chỉ có thị trường nhà ở hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, thị trường văn phòng cũng là nơi mà khối ngoại tăng cường rót vốn. Mới đây, Tập đoàn Nhật Bản Nomura Real Estate đã bất ngờ mua lại tòa nhà văn phòng Zen Plaza ngay tại khu vực trung tâm của TP.HCM. Đây là thương vụ đầu tư vào phân khúc văn phòng thứ hai của nhà đầu tư này sau sự kiện mua lại 24% cổ phần trong cao ốc Sun Wah trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM  cách đây vài năm.

Theo ghi nhận của hãng tư vấn Real Estate Analytics, Việt Nam cùng với Nga là hai thị trường hiếm hoi chứng kiến các thương vụ thâu tóm M&A bất động sản thương mại sôi động nhất trên toàn cầu trong nửa đầu năm nay với tốc độ gia tăng về quy mô giao dịch hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Kênh huy động vốn bằng nợ cũng có xu thế gia tăng trong thời gian tới, do nguồn vốn tín dụng trong nước ngày càng hạn chế theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh xu thế gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất coupon khá cao (thậm chí lên đến 14-15%/năm), thì vay vốn từ nước ngoài cũng là lựa chọn khả thi cho các doanh nghiệp trong nước.

Đơn cử như gần đây, Tập đoàn BIM Group đã huy động thành công tổng cộng 87,5 triệu USD từ Công ty tài chính IFC - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB). Số tiền này sẽ được sử dụng để phát triển một loạt dự án bao gồm: khu resort Intercontinental tại vịnh Hạ Long, Việt Nam, dự án căn hộ Citadines và công viên nước tại đảo Phú Quốc, Việt Nam và dự án phức hợp Holiday Inn ở Viêng Chăn, Lào.

Theo Tạp Chí Tài Chính

战略伙伴关系