Phát biểu tại một hội thảo về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng do TheLEADER tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, dù dư địa thị trường lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon” nhưng không phải ai cũng ăn được.
"Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng. Tuy nhiên, phương pháp đấu giá bất động sản hiện nay không ổn. Đối với bất động sản du lịch, các doanh nghiệp cần tham gia đầu thầu dự án gồm doanh thu, phương pháp xây dựng,…", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, trình độ, kỹ năng của các nhân viên khá yếu tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học bên ngoài .
Để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực, theo ông Nam, các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp Việt, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường BĐS là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này.
Còn theo ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM), một trong những điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam là việc đầu tư công chưa đầy đủ, sản phẩm nghỉ dưỡng thiếu tính khác biệt, độc đáo.
“Tôi có cơ hội tham gia khá nhiều hội thảo đầu tư tại Việt Nam. Tại đây, người ta kêu gọi rất nhiều các dự án casino, trường đua, thể thao… Nghe thì thú vị, nhưng khi nhìn vào quy hoạch tổng thể thì lại rời rạc. Tôi tin rằng, việc kêu gọi đầu tư này là một động thái tốt. Nhưng để đi vào thực tế, Việt Nam cần cân nhắc tính khả thi. Tỉ lệ 90% các dự án đầu tư được kêu gọi thiếu tính khả thi là điều rất đáng suy ngẫm”, ông Kai Marcus Schroter đánh giá.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu. Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.
Thực tế từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển bất động sản du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh. Các dự án bất động sản du lịch được mở bán tại các thành phố lớn, các khu vực ven biển, miền núi, hải đảo như Hà Nội, TPHCM, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt...
"Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch", ông Siêu nói.
Ông Siêu cho rằng, với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực Châu Á-Thái bình dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.
Theo đó, đến năm 2020 dự báo cả nước ó 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2-8,5% đến 2020; 7,8-8,0% giai đoạn 2020-2025 và 7-7,5% giai đoạn 2025-2030.
Cùng với đó, dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21,0 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm.
"Tiếp đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0", ông nói thêm.
Ông Hà Văn Siêu nhận định, giai đoạn tới, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật...
Phương Dung