Nguyễn Ngọc Thảo

Nguyễn Ngọc Thảo

Các nhà đầu tư ngoại đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam gia tăng

JLL cho biết, Việt Nam là quốc gia sở hữu những yếu tố vô cùng thuận lợi cho kinh tế tăng trưởng như tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu rộng lớn, với tiềm năng tiêu thụ hàng tiêu dùng rất lớn. Do đó, đây là khu vực đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trong nửa đầu năm 2019, vốn giải ngân cho đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Có 1.723 dự án mới đăng ký trị giá 7,41 tỷ USD, tăng 63% so cùng kỳ năm trước.

Các hiệp định thương mại tự do như là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng là những động lực tích cực cho sự tăng trưởng. Trong khi đó, nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng do tầng lớp trung lưu gia tăng và lực lượng lao động dồi dào.

Cùng với đó, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến nhu cầu về bất động sản công nghiệp không ngừng tăng lên. Mặc dù chưa có kết cục rõ ràng nào cho cuộc chiến thương mại, nhưng sức hấp dẫn của thị trường này dường như không ngừng gia tăng.

Tập đoàn Sharp vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi công ty sản xuất giày Brooks Running của Mỹ cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước lân cận.

Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho tập đoàn Apple đã mở rộng dấu chân tại Việt Nam bằng việc mua lại một nhà máy sản xuất linh kiện nội địa vào tháng 7 vừa qua. Thậm chí các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang để mắt đến Việt Nam - theo nghiên cứu từ Nikkei Asian Review, gần 70% trong số 33 công ty Trung Quốc được khảo sát đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài và cân nhắc chọn Việt Nam làm điểm đến.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới 3 hình thức đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ảnh: baodauthau.vn

Bất động sản công nghiệp hút nhà đầu tư ngoại

JLL cho biết, cho sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản chuyển hướng tới các quốc gia Đông Nam Á, trong đó, thị trường công nghiệp Việt Nam nổi lên như điểm sáng trong khu vực. Theo báo cáo của JLL, các tài sản công nghiệp và đặc biệt là tài sản hậu cần đang được chú ý nhiều nhất khi các công ty tìm cách mở rộng và dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam là 95USD/m2/thời hạn thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, “Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động. Nhu cầu đối với các tài sản công nghiệp là chưa bao giờ giảm nhiệt.Từ lâu, các nhà đầu tư đã để mắt đến phân khúc này bởi năng suất làm việc cao và chi phí lao động thấp ở Việt Nam. Và những căng thẳng thương mại gần đây góp phần đẩy nhanh quá trình quyết định di dời của các tập đoàn.”

Tuy nhiên, các công ty đã có mặt tại Việt Nam cũng đưa ra những mối lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao, và hàng loạt những yêu cầu trong chuỗi cung ứng có chất lượng tương ứng với nguồn hàng mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc. Bà Khanh cũng cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng các doanh nghiệp sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam.

“Nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và dòng vốn. Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và quá trình thực hiện các giao dịch xuyên biên giới,” bà Khanh nhấn mạnh.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Báo cáo thị trường quý 3 của DKRA Vietnam hé lộ một số điểm nhấn mới.

Theo ghi nhận của công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam), trong quý 3/2019, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM chứng kiến nguồn cung phân khúc căn hộ gia tăng đột biến nhờ vào dự án Vinhomes Grand Park tại khu Đông. Dù vậy, nếu loại trừ dự án này, thị trường nhìn chung suy giảm cả về nguồn cung và sức cầu.

Cụ thể, có 8 dự án được chào bán ra thị trường với tổng số lượng 13.853 căn, tăng gấp 5,4 lần so với quý 2 và 71% so với cùng kì năm trước. Lượng tiêu thụ nguồn cung mới lên tới 96%, tăng 6,5 lần so với quý 2 và 2,1 lần so với cùng kì năm trước. Tỉ lệ hấp thụ rất cao cho thấy người mua nhà vẫn dành một sự quan tâm rất lớn đến phân khúc nhà ở một khi có cơ hội rót tiền.

Nhưng trên phân khúc nhà phố và biệt thự, thống kê của DKRA Vietnam cho thấy cả nguồn cung và sức cầu của thị trường đều giảm mạnh. Toàn thị trường chỉ có 1 dự án được mở bán với chỉ 30 căn. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 67%.

Ở phân khúc đất nền, sự kiện liên quan đến tập đoàn Alibaba phần nào tác động đến tâm lí người mua. Kết quả là quý 3 chỉ chứng kiến 3 dự án mới ra mắt thị trường với số lượng 473 nền, chỉ bằng 73% so với cùng kì năm trước. Tỉ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 75%- tăng không đáng kể so với hai quý đầu năm.

Không khí trầm lắng cũng thể hiện trên phân khúc bất đông sản nghỉ dưỡng. Trong quý 3, lượng biệt thự biển mở bán chỉ là 68 căn, bằng 5% so với quý 2 do không có dự án lớn triển khai. Tỉ lệ hấp thụ biệt thự biển đạt 67%.

Trên phân khúc condotel, DKRA Vietnam ghi nhận 6 dự án mở bán với nguồn cung đạt 2.605 căn, bằng 68% so với quý 2. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khá cao: 86%. Nguồn cung sơ cấp và lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Khánh Hòa và Đà Nẵng.

Triển vọng thị trường quý cuối năm có thể không nhiều đột biến. DKRA Vietnam cho rằng nguồn cung căn hộ có thể sẽ giảm mạnh, sức cầu có thể cải thiện nhưng không đáng kể.  Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung hạng C tiếp tục khan hiếm.

Thị trường nhà phố/biệt thự có thể sẽ khởi sắc hơn với lượng mở bán dao động trong 400-600 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường, nhưng sức cầu khó có sự gia tăng đột biến.

Trên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel có thể giảm nhẹ trong khi biệt thự biển có thể sẽ tăng. Các dự án gây chú ý vào thời điểm cuối năm có thể đến từ dự án The Sóng tại Vũng Tàu của An Gia hay dự án Thanh Long Bay tại Hàm Thuận Nam- Bình Thuận.

Theo ông Nguyễn Hoàng, giám đốc phòng R&D của DKRA Vietnam, trong thời gian tới, các dự án theo mô hình khu nghỉ dưỡng tích hợp (integrated resorts) nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, trong đó loại hình nhà phố/shophouse được thị trường đón nhận khá tốt.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Theo Thủ tướng, kết quả tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 tốt hơn dự báo càng khẳng định sự phù hợp của nhận định năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Năm 2019 sẽ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 vào sáng nay (2/10), Thủ tường cho biết: “Chúng ta đã đi 3/4 chặng đường của năm 2019. Tôi xin thông báo thông tin đáng mừng, đó là tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 tốt hơn so với dự báo. Nhìn chung, chúng ta có những chỉ tiêu tốt hơn cùng kỳ năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực”.
Cụ thể, GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, đặc biệt khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), bội chi còn 3,4% GDP, nợ công còn dưới 57% GDP.
Xuất khẩu trên đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng 16,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục, gần 6 tỷ USD.
Ngành chế biến, chế tạo tăng 11,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý III.
Nông nghiệp mặc dù gặp khó khăn vẫn đạt mức tăng trên 2%. Trong đó, ngành lâm sản xuất khẩu gỗ đạt con số trên 9 tỷ USD và cả năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt trên 11 tỷ USD.
Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với 102.000 doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký).
Thủ tướng cho rằng, kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và sắp tới trình Trung ương, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.
"Điều đáng nói là không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống nhân dân chuyển biến rõ nét", Thủ tường nói thêm.
Cũng theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thương mại bất ổn, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, các tổ chức quốc tế có uy tín vẫn đánh giá cao Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu. ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019. Standard Chartered đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021. Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó...
Thủ tướng cho rằng, điều đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đặc biệt, kết quả đó minh chứng rõ nét cho nỗ lực vượt khó với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên của cả dân tộc.
 
Chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam không như kỳ vọng
Theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả tích cực, còn nhiều điểm yếu, khó khăn, thách thức. Cụ thể như việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt trên 50%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%.
Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm 5 triệu con bị tiêu huỷ, đàn lợn giảm gần 20%.
Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của xung đột thương mại không như kỳ vọng.
“Chúng tôi đã tập trung nêu vấn đề này với các đồng chí ở Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều bộ khác nhưng chúng ta đón bắt cái này còn hạn chế. Các cấp, các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm nên nhiều tập đoàn lớn chưa vào lúc này như chúng ta dự đoán”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng chỉ ra một tồn tại nữa là một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành.
Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao thì nhiều mặt hàng chủ lực giảm nhất là nông sản do giá giảm mạnh. Do đó, vấn đề tìm thị trường mới, cơ cấu lại thị trường… cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Theo Bizlive

Trong khi thương mại điện tử ở 2 thành phố lớn chiếm tới 70% số lượng giao dịch nhưng chỉ là cuộc cạnh tranh về giá thì thị trường nông thôn trở thành khu vực ổn định, còn nhiều tiềm năng cần phát triển.

Mobile Money có thể trở thành công cụ thúc đẩy thương mại điện tử ở nông thôn

Hiện nay Việt Nam đang có gần 100 triệu dân với 72 triệu người sử dụng diện thoại di động. 31% dân số là người trưởng đang có tài khoản tại các ngân hàng, tổ chức tài chính. Tuy nhiên về cơ cấu dân số, lại có tới 64,2% người dân đang ở nông thông với 40% làm nông nghiệp.
 
Trong khi đó với ngành thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch ngành trong năm 2018 tại Việt Nam đã đạt 8 tỷ USD. Nhưng 70% các giao dịch lại nằm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây hoạt động thương mại điện tử đang là cuộc chiến về giá.
 
Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương khác, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất nhỏ. Đây cũng là khu vực thị trường có rất nhiều tiềm năng cho cả người bán và người mua cần được khai phá.
 
Người bán trên các hệ thống thương mại điện tử ở các vùng nông thôn có nhu cầu bán các loại hàng đặc sản vùng miền của họ, các đồ thủ công mỹ nghệ ở địa phương, các sản phẩm chăn nuôi, chế biến.
 
3 rào cản chính khi phát triển thương mại điện tử với khu vực này được nhận định đó là thiếu niềm tin, hệ thống giao vận chưa bao phủ rộng và các vấn đề về thanh toán.
 
Người mua không đủ tin tưởng về chất lượng sản phẩm, về dịch vụ khách hàng, vẫn lo sợ các gian lận khi thanh toán. Trong khi Việt Nam và ở khu vực nông thôn, thanh toán vẫn dựa trên tiền mặt. Thẻ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng trực tuyến không được sử dụng rộng rãi. 
 
Phần lớn giao dịch thương mại điện tử thường áp dụng hình thức thanh toán khi giao hàng (COD) trong khi đó hình thức thanh toán này có tỷ lệ huỷ đơn hàng cao hơn. Và nếu một đơn bị huỷ, bên bán sẽ phải chịu thêm cả chi phí chuyển hàng về, khiến lợi nhuận gần như không còn. Nhiều khu vực ở Việt Nam các dịch giao nhận vẫn chưa thể tiếp cận.
 
Một giải pháp có thể thúc đẩy được phát triển thương mại điện tử ở các vùng nông thôn là Mobile Money. 
 
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 2 và 3/10 do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech – VNPT Media đã dẫn lại ý kiến của Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: “Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho việc phổ cập mảng thanh toán khu vực nông thôn qua Mobile Money với sự tham gia của các nhà mạng sẽ giúp người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao”.
 
Thực tế thì Mobile Money là dịch vụ chuyển tiền, thực hiện thanh toán dựa trên điện thoại di động. Khác với ví điện tử và Mobile Banking, Mobile Money không yêu cầu khách hàng phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng.
 
Điều này phù hợp với đối tượng người dùng ở nông thôn, nơi những dịch vụ ngân hàng vẫn khó tiếp cận vì không có chi nhánh tới tận từng thôn, xã.
 
Các mạng viễn thông không chỉ cung cấp dịch vụ Mobile Money mà còn có thể tham gia vào dịch vụ giao nhận, dựa vào những điểm dịch vụ đã có ở từng khu vực. Như vậy có thể hoàn thiện tất cả những điểm hạn chế khi phát triển thương mại điện tử ở nông thôn.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech – VNPT Media.
 
Cũng theo ông Thắng, Mobile Money còn phù hợp cho cả những khách hàng đang sử dụng ngân hàng truyền thống nhưng họ chỉ dùng thẻ ATM để rút tiền. Quan trọng nhất là khách hàng sử dụng điện thoại di động trong mọi mặt của đời sống.
 
Hiện nay dịch vụ này có đủ khả năng sử dụng làm công cụ thanh toán cho các hoạt động của kinh tế số, từ dịch vụ di chuyển, thanh toán hoá đơn để dùng trong các hoạt động chính phủ như thanh toán thuế.
 
Ở các nước đã phát triển dịch vụ Mobile Money, đây còn là công cụ để thực hiện giải ngân các khoản vay hỗ trợ xoá đói giảm nghèo.
 
Nhưng để làm được tất cả điều này, bản thân các nhà cung cấp Mobile Money còn cần tự chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, tăng số điểm giao dịch và mở rộng hợp tác với các dịch vụ thương mại điện tử, đối tác logistic, đối tác tài chính.
Theo Bizlive

Trả lời báo Trí thức trẻ bên lề Hội nghị "Industry 4.0 Summit", ông Jeong Sam Yong - Tổng giám đốc Samsung SDS Việt Nam nhấn mạnh cam kết của người khổng lồ công nghệ thế giới với chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.

Tổng giám đốc Samsung SDS Việt Nam: Tiềm năng trở thành công xưởng thế giới của Việt Nam là một lợi thế trong tiến trình chuyển đổi số

Góc nhìn về chuyển đổi số Việt Nam của một người Hàn Quốc

- Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in coi chuyển đổi số, xây dựng các thành phố thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hàn Quốc. Ông Moon cũng nhắc đến tên Samsung hay các tập đoàn công nghệ lớn khác của đất nước như một lợi thế cho tiến trình này. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại?

Chuyển đổi số đang là một xu thế mới. Chính vì vậy, rất nhiều công ty đang đầu tư mạnh mẽ cho công cuộc này. Trong khi đó, công nghệ cũng phát triển rất nhanh những năm trở lại đây, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin vào sản xuất và kinh doanh.

Chính điều này giúp Samsung nói chung và Samsung SDS nói riêng có lượng khách hành lớn, bao gồm từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ đến các doanh nghiệp lớn quy mô toàn cầu. Thay đổi công nghệ, đưa công nghệ mới vào hoạt động sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Không chỉ các công ty sản xuất, ngân hàng hay các dịch vụ tài chính cũng tiến hành những thay đổi để đáp ứng điều này.

Những năm qua, bản thân Samsung cũng liên tục cập nhật những tiến bộ mới về công nghệ để có thể thích ứng với các đòi hỏi mới như trong lĩnh vực thương mại điện, tử, trí tuệ nhân tạo hay big data. Tôi tin rằng trong 10 năm tới, nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới sẽ có nhiều cái tên trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Samsung và Hàn Quốc muốn trở thành những "tay chơi" hàng đầu trong cuộc đua chuyển đổi số ở châu Á và thế giới với blockchain, AI, IoT hay Big Data.

Tổng giám đốc Samsung SDS Việt Nam: Tiềm năng trở thành công xưởng thế giới của Việt Nam là một lợi thế trong tiến trình chuyển đổi số - Ảnh 1.

- Theo đánh giá của ông, một nước đang phát triển như Việt Nam gặp những thách thức gì trong công cuộc chuyển đổi số?

Hiện nay, Việt Nam đã đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, trong đó có robot, trí tuệ nhân tạo hay Internet vạn vật. Đó là một sự tiến hóa trong sản xuất. Nhìn lại vài trăm năm trước, ở Mỹ hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới, người ta vẫn lao động chân tay để tạo ra sản phẩm. Bây giờ, chúng ta đã có công nghệ tự động hóa với những nhà máy gần như không có bóng dáng con người.

Để đạt đến trình độ tự động hóa như vậy, đầu tiên, người ta phải thu thập dữ liệu từ máy móc hoặc các khâu khác trong quá trình sản xuất. Sau đó, những dữ liệu này được đưa vào phân tích trước khi lập trình tự động và đưa vào tổ chức sản xuất.

Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của lao động Việt Nam khá trẻ so với các nước như Hàn Quốc hay Đức nên nó sẽ tạo ra một số vấn đề về pháp lý, khi tự động hóa được áp dụng vào sản xuất. Việc máy móc thay thế con người dẫn tới việc nhiều lao động bị dư thừa và đó là vấn đề cần xử lý.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải giải quyết yêu cầu của thị trường, trong đó có giảm chi phí sản xuất nhưng lại nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là một xu thế của toàn cầu bởi khách hàng luôn yêu cầu các sản phẩm với giá thành thấp nhưng chất lượng tốt.

Cam kết với chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam

- Mục tiêu của Samsung với thị trường chuyển đổi số Việt Nam là gì?

Samsung là một doanh nghiệp toàn cầu lớn và thể hiện rất rõ mong muốn tham gia vào thị trường chuyển đổi số Việt Nam. Hợp đồng hợp tác với công ty công nghệ Việt Nam - CMC, trong đó đưa Samsung SDS trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này, phần nào thể hiện điều đó. Samsung cam kết hỗ trợ Việt Nam lâu dài trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Tập đoàn Samsung đã áp dụng thành công nhiều giải pháp chuyển đổi số trên quy mô toàn cầu, với nhiều khách hàng lớn. Sự hiện diện hùng hậu của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam chính là bảo đảm cho cam kết và thành công khi áp dụng các giải pháp này cho công cuộc chuyển đổi số của các khách hàng Việt Nam.

- Ở Việt Nam, người ta thường biết đến Samsung với tư cách là nhà sản xuất smartphone lớn nhất, còn chuyển đổi số thì Samsung đang cung cấp những giải pháp gì?

Trên thực tế, Samsung tập trung vào thị trường B2B và chúng tôi tin rằng điều này có thể giúp ích cho chuyển đổi số của Việt Nam. Khách hàng của Samsung có thể sử dụng những giải pháp mà chúng tôi cung cấp để đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau.

Hiện tại, Samsung đang hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý trong điều hành sản xuất. Ngoài các dự án về phần mềm, Samsung còn hỗ trợ các giải pháp về viễn thông và tích hợp hệ thống. Trong tương lai, Samsung sẽ thúc đẩy xây dựng các giải pháp về thành phố thông minh, tòa nhà thông minh nhờ các ứng dụng IoT, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng mạng lưới an ninh với công nghệ blockchain để bảo vệ dữ liệu.

Tổng giám đốc Samsung SDS Việt Nam: Tiềm năng trở thành công xưởng thế giới của Việt Nam là một lợi thế trong tiến trình chuyển đổi số - Ảnh 2.

- Với kinh nghiệm về chuyển đổi số từng thành công ở Hàn Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới, những giải pháp nào theo ông có thể giúp ích cho Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia?

Samsung đã có nhiều thành tựu trong việc đưa ra các giải pháp IT cho hàng loạt các lĩnh vực, từ vận hành của doanh nghiệp tới lĩnh vực tài chính hay hoạt động của chính phủ…. Mảng mạnh nhất của Samsung hiện nay là big data và các giải pháp số hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, smartcity.

Tôi tin rằng, những điều đó có thể phù hợp với Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác trong việc chuyển đổi số hay xây dựng các thành phố thông minh. Với bề dày kinh nghiệm của mình, Samsung tự tin có thể đáp ứng được các nhu cầu của thị trường Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường chuyển đổi số Việt Nam?

Việt Nam là quốc gia gần 100 triệu dân với độ tuổi trung bình trẻ. Trong tương lai gần, Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất của thế giới khi các nhà máy đang rời khỏi Trung Quốc hay Hàn Quốc để đến những quốc gia tiềm năng hơn như Việt Nam. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giúp đẩy nhanh tiến trình này.

Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều nguồn lực khác.  Con người Việt Nam thông minh, sáng tạo và ham học hỏi. Đó là những lợi thế, mang đến tiềm năng to lớn cho thị trường chuyển đổi số Việt Nam.

Thách thức của người khổng lồ

- Samsung mong muốn gì khi tham gia xây dựng các thành phố thông minh ở Việt Nam?

Khi xây dựng thành phố thông minh, Samsung sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể sau đó sẽ kết hợp với các đối tác khác cùng thực hiện xây dựng thành phố thông minh. Chúng tôi phải tập hợp rất nhiều nguồn lực. Với một công ty như Samsung, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm và khả năng trong việc xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ.

- Việt Nam khác biệt như thế nào với các thị trường chuyển đổi số khác của Samsung ở châu Á và trên thế giới?

Chúng tôi đã thành công ở rất nhiều nước khác, chẳng hạn như Singapore. Với tư cách là một công ty toàn cầu, Samsung tự tin rằng mình có khả năng để hiểu được khách hàng muốn gì và cần làm gì để đáp ứng mong muốn của họ.

Tuy nhiên, dù đã thành công ở nhiều nơi nhưng khi tham gia vào thị trường Việt Nam, Samsung cũng phải đánh giá tổng thể và lường trước được tất cả những khó khăn mà chúng tôi có thể gặp phải trong quá trình hoạt động.

Tổng giám đốc Samsung SDS Việt Nam: Tiềm năng trở thành công xưởng thế giới của Việt Nam là một lợi thế trong tiến trình chuyển đổi số - Ảnh 3.

- Theo quan điểm của ông, một chính phủ cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng các thành phố thông minh nói chung?

Tôi nghĩ những chính sách của chính phủ Việt Nam là rất quan trọng. Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số hay xây dựng các thành phố thông minh. Ngoài ra, bài học từ các nước khác cũng khá quan trọng. Một quốc gia muốn xây dựng thành phố thông minh hay chuyển đổi số nên nhìn vào các dự án đó và chọn cho mình những phương án tốt nhất và phù hợp nhất.

Việc chuẩn bị nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu mới cũng là yếu tố mấu chốt. Bên cạnh đó, chính phủ cần đóng vai trò khuyến khích hay thúc đẩy, chẳng hạn như thành lập các hiệp hội để kịp thời thích nghi với những đòi hỏi của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo CafeF

 

Theo JLL Việt Nam, dự kiến khoảng 6.000 căn hộ sẽ mở bán chính thức trong quý 4/2019, giúp tổng lượng mở bán của năm 2019 đạt hơn 31.000 căn.

Theo dự báo nguồn cung tương lai trong năm 2020 sẽ biến động khá mạnh, dao động khoảng 40.000 – 50.000 căn. Trong đó, theo đơn vị nghiên cứu này, nguồn cầu vẫn tăng mạnh ở phân khúc trung cấp. Các dự án với giá giao dịch từ 1.200-1.700 USD/m2 thu hút nhiều người mua nhất.

Dự báo thị trường BĐS TP.HCM sẽ tràn ngập nguồn cung căn hộ vào năm 2020

Nhu cầu cho căn hộ phân khúc cao cấp đang chậm lại, trong khi người mua đầu tư bắt đầu chuyển dịch xu hướng đầu tư từ căn hộ Cao cấp sang Nhà phố/Biệt thự để đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn với cùng một lượng vốn đầu tư tương đương.

Do chính sách ngày càng của Chính phủ liên quan đến quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng ngày càng thắt chặt, JLL cho rằng, nguồn cung tương lai trong năm 2020 sẽ biến động khá mạnh, dao động khoảng 40.000 – 50.000 căn.

Theo JLL, giá bán căn hộ tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. Mức giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.067 USD/m2, tăng 23,8% theo năm. Phân khúc giá cao đạt ngưỡng giá mới, ở mức 5.320 USD/m2, tăng 64,9% theo năm. 

Hiện tượng tăng giá này được giải thích chủ yếu bởi sự khan hiếm nguồn cung mới. Giá bán sơ cấp tính trên mỗi dự án tăng trung bình ở mức 20,6% theo năm, chủ yếu dẫn dắt bởi phân khúc giá cao. Sự thay đổi mắt xích ở các dự án cao cấp là 34,7% theo năm và 16% theo năm ở dự án bình dân và trung cấp.

Trong đó, nhu cầu và mức tăng giá phần lớn sẽ theo chiều hướng tích cực ở các dự án bình dân và trung cấp. Dự án giá cao cấp và bình dân sẽ chứng kiến sự tiếp tục sụt giảm trong nguồn cầu, đặc biệt ở nhu cầu mua đầu tư. Lý do chính là hiệu suất cho thuê và triển vọng thu lợi nhuận chênh lệch bán lại có vẻ kém hấp dẫn hơn trong tình hình giá bán đạt mức cao mới được ghi nhận.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chưa đầy 1 năm, từ cuối năm 2018 đến thời điểm hiện tại, Bình Thuận chứng kiến sự hiện diện liên tiếp và dồn dập của khoảng chục dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Hàng loạt dự án triệu USD dồn dập đầu tư, Bình Thuận quyết giữ danh hiệu "thủ đô resort" trên bản đồ thế giới

Không chỉ biển mới mang lại cho Bình Thuận những tiềm năng lớn, các danh lam thắng cảnh, di tích kiến trúc lịch sử và hệ thống văn hóa lễ hội cả dân gian lẫn hiện đại nơi đây đã đưa Bình Thuận trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với các loại hình phong phú: từ nghỉ dưỡng, tham quan du lịch đến thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, hội nghị.

Ngoài Boracay (Philippines), bãi biển Phan Thiết là một trong 2 bãi biển tại Đông Nam Á thực hiện được môn lướt sóng với diều (kite surfing). Với lợi thế vịnh nông, lại hút gió, Phan Thiết có thể cung cấp những dịch vụ thể thao biển mà người phương Tây đặc biệt ưa thích, đồng thời cũng có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch nội địa.

Thời gian gần đây, trước sự bứt phá mạnh mẽ của hạ tầng không chỉ riêng của Bình Thuận mà còn liên kết với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cộng với lợi thế nói trên, mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ồ ạt rót vốn đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô khá lớn.

Đến nay, Bình Thuận có 384 dự án du lịch được chấp thuận với tổng vốn đầu tư hơn 60 nghìn tỷ đồng, gần 200 dự án đã hoạt động kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 560 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 16.508 phòng. Trong đó có 3 dự án đạt tiêu chuẩn 5 sao, 27 dự án đạt tiêu chuẩn 4 sao và khoảng 557 căn hộ, 315 biệt thự nghỉ dưỡng biển.

Trong tháng 9 vừa qua, trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục có 6 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đất 36ha, có tổng vốn đăng ký 302 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 92 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 515ha và tổng vốn đầu tư 10.764 tỷ đồng… 

Trong đó, một số dự án đã đi vào hoạt động như Sea Links Mũi Né - Việt Nam, Ocean Vista, Sentosa Villa, khu biệt thự cao cấp Minh Thành. Các dự án đang được tiến hành đầu tư như khu biệt thự cao cấp Thái Sơn, khu biệt thự nghỉ dưỡng Suối Nhum - Thuận Quý, khu du lịch Hòn Lan, khu biệt thự Casalavada, Aloha Beach Villge, Goldsand Hill Villa,…

Một số dự án quy mô khá lớn đang triển khai như Dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam đăng ký đầu tư tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình có quy mô gồm 3 phân khu chức năng. Tính riêng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho phân khu này là hơn 13.153 tỷ đồng, theo đó suất đầu tư bình quân tại Khu đô thị du lịch ven biển Hòa Thắng lên đến 18,13 tỷ đồng/ha.

Hàng loạt dự án triệu USD dồn dập đầu tư, Bình Thuận quyết giữ danh hiệu thủ đô resort trên bản đồ thế giới - Ảnh 1.

Theo McKinsey & Company - Tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu, cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Thuận phải là đơn vị maketing hàng đầu, phải phản hồi nhanh chóng khi sáng kiến được nhà đầu tư đề nghị. Cơ quan này phải đóng vai trò "một cửa" để giải quyết nhanh, hỗ trợ nhanh nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đó, các điểm đến thành công thường có hệ sinh thái du lịch tự duy trì. Tức là, chính quyền và các doanh nghiệp du lịch sở tại đã tạo ra được các kênh để thu hút khách du lịch, được hỗ trợ bởi hệ thống lưu trú như các khách sạn, nhà hàng và đặc biệt là các cơ sở phục vụ hoạt động giải trí. Các điểm đến này phải có sự kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông thật thuận lợi cùng với hệ thống cơ sở như nguồn cấp điện, cấp nước và vệ sinh đáng tin cậy.

Tập đoàn McKinsey & Company cũng khuyến nghị tỉnh Bình Thuận có thể xem xét phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao, cũng như đầu tư vào các loại hình du lịch đặc thù khác như du lịch chăm sóc và tăng cường sức khỏe, du lịch cho đối tượng kinh doanh và du lịch giải trí.

Trong khi đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né chạy dọc bờ biển từ Mũi Né, Phan Thiết, về hướng Nam đến Kê Gà - Hòn Lan, sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn với những sản phẩm độc đáo, đa dạng, trong đó ưu tiên phát triển du lịch biển và du lịch thể thao biển để tạo lập thương hiệu trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia.

Khu vực này sẽ là mũi nhọn, trọng tâm thu hút khách du lịch và các nguồn lực đầu tư du lịch của tỉnh Bình Thuận, cũng như đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và du lịch Việt Nam. Đồng thời là điểm đến không thể thiếu trên tuyến du lịch quốc gia, có mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Nha Trang, TPHCM, Đà Lạt và Vũng Tàu.

Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né vươn lên thành một trong những điểm đến tầm cỡ quốc tế, đẳng cấp trong khu vực Đông Nam Á và hướng đến nằm trong top điểm đến của Khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Về các tuyến du lịch, có các tuyến quốc tế theo đường không thì hiện tại, các khách quốc tế đến Mũi Né chủ yếu thông qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TPHCM), sau khi Sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động (dự kiến sau năm 2020), phát triển các tuyến kết nối trực tiếp từ Phan Thiết đến các thị trường chính như Nga; Trung Quốc; Hàn Quốc; các nước Tây Âu; các nước Bắc Âu.

Theo đường biển thì kết nối từ Phan Thiết (sau khi nâng cấp thành cảng du lịch quốc tế) với Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… Các tuyến du lịch liên vùng, theo đường bộ: Kết nối Mũi Né với các trung tâm du lịch trong vùng và Việt Nam qua tuyến quốc lộ 1A hiện tại và các tuyến đường cao tốc như TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết 2 dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam (với tổng mức đầu tư là 39.660 tỷ đồng) đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý 4/2020 sẽ khởi công dự án.

Ngoài thông tin 2 tuyến cao tốc này sẽ được khởi công vào cuối năm 2020, một loạt dự án hạ tầng đã và sắp triển khai cũng khiến cho thị trường bất động sản Bình Thuận phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn. Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ.

Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng… vào tới "thủ đô resort" cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.

Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT719 Kê Gà - Tân Thiện, thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được gấp rút chuẩn bị để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác từ năm 2025. Với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD trên diện tích đất 5.000ha, công suất 25 triệu hành khách/năm (công suất 100 triệu hành khách/năm sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn hoặc 25 triệu hành khách/năm giai đoạn 1).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cũng cho rằng: "Ở mảnh đất còn hoang sơ trong đầu tư, còn nhiều trở ngại trong đi lại như chưa hình thành sân bay, đường cao tốc nên khao khát muốn lớn lên, bứt phá khai thác đúng tầm tiềm năng có được khiến Bình Thuận nuôi giấc mơ tìm và kêu gọi "sếu đầu đàn" trong phát triển 3 "trụ cột" kinh tế. Và một số nhà đầu tư lớn đã tìm đến".

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ quy hoạch huyện Đức Hoà trở thành trung tâm dịch vụ khu vực Đông Bắc và là một phần trong quy hoạch phát triển đô thị - công nghiệp tổng hợp tỉnh nhà. Đây là một trong số nhiều “động lực” thúc đẩy thị trường BĐS khu vực này trong tương lai.

Bất động sản vùng đô thị TP.HCM mở rộng: Long An đang trỗi dậy

 hích BĐS nằm ở câu chuyện hạ tầng?

Có thể nói, hiện nay bên cạnh khu Đông, sự phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng các tỉnh phía Nam đang được “mạnh tay” đầu tư. Trong đó Long An là cửa ngõ của ĐBSCL, kết nối trực tiếp với Tp.HCM và miền Đông. Đây cũng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang được tỉnh nhà chú trọng đầu tư về cả hạ tầng giao thông lẫn phát triển kinh tế xã hội.

Theo các chuyên gia, Long An giáp ranh với chiều dài gần 100 km quanh phía Tây của Tp.HCM, có quỹ đất còn tương đối lớn, phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của Tp.HCM. Vì vậy, phát triển đô thị vệ tinh đang trở thành mục tiêu chiến lược để giãn dân, đáp ứng nhu cầu nhà ở đang được đẩy mạnh tại khu vực này.

Bất động sản vùng đô thị TP.HCM mở rộng: Long An đang trỗi dậy - Ảnh 1.

Hạ tầng kết nối giữa Long An- Tp.HCM đã và đang được chính quyền địa phương chú trọng thúc đẩy nhanh ở giai đoạn này, tạo tiền đề cho sự phát triển của TT BĐS

Tại sự kiện mới đây, ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết hiện tỉnh Long An có 3 công trình trọng điểm đang triển khai gồm: Trục động lực Tp.HCM - Tiền Giang - Long An; Đường 830 trục Đức Hòa - Bến Lức. Đoạn Đức Hòa – Bến Lức đầu tư theo hình thức BOT đã thu phí (Đoạn Bến Lức đến quốc lộ 50 đang sang giai đoạn 2. Đoạn quốc lộ 50 sang cảng Tân Tập dự kiến tháng 4-2020 sẽ thông xe); Đường vành đai thành phố Long An gồm 4 đoạn, Long An đầu tư hai đoạn. Hai đoạn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư. Dự kiến quý 3/2020 sẽ hoàn thành.

Ông Ngoãn cũng thông tin, hiện tỉnh đã triển khai 1 số tuyến trọng điểm để tránh tắc nghẽn, trong đó đã và đang lên kế hoạch triển khai một số công trình cải tạo nút giao, xây cầu vượt, lắp đặt phân luồng giao thông…, tăng cường hoạt động đầu tư hạ tầng cho khu vực trong thời gian tới.

Một “cú hích” hạ tầng khác ở khu vực này là mở rộng đường Trần Đại Nghĩa (thuộc huyện Bình Chánh), đấu nối vào KCN Hải Sơn với tổng mức đầu tư 6.640 tỷ đồng đã được Tp.HCM đề xuất thực hiện. Dự án này mở rộng sẽ giúp chia sẻ áp lực giao thông với đường tỉnh lộ 10, trục giao thông kết nối khu công nghiệp Đức Hòa - khu đô thị Sing Việt - khu công nghiệp Lê Minh Xuân cũng như kết nối với cao tốc Tp.HCM - Trung Lương thông qua đường dẫn cao tốc Tân Tạo – Chợ Đệm.

So với các huyện khác, huyện Đức Hòa có lợi thế giáp ranh Tp.HCM, cho nên nơi đây cũng được thừa hưởng nhiều yếu tố hạ tầng, kinh tế thuận lợi của TP. Từ khu vực trung tâm huyện Đức Hòa đến ranh giới huyện Bình Chánh (Tp.HCM) chỉ mất tầm 8 phút đi theo Tỉnh lộ 10. Nhiều dự án hạ tầng giao thông cũng được chú trọng đầu tư như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Quốc lộ 1A, Quốc lộ N2, cao tốc Bến Lức - Long Thành....

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương là dự án giao thông hiện hữu từ năm 2010 đến nay giúp rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển từ miền Tây đến miền Đông. Sắp tới, cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động, việc di chuyển từ ĐBSCL đi Đồng Nai, Vũng Tàu không cần phải đi xuyên qua quá nhiều con đường tại TP.HCM, vừa giảm tải cho TP vừa giúp giao thông thuận lợi hơn. Đặc biệt, tuyến đường nối liền Long An và Đồng Nai – hai tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp lớn giúp việc thông thương tiết kiệm nhiều thời gian và kinh phí hơn. Dự kiến cao tốc sẽ thông xe vào cuối năm 2019.

Bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho rằng, những năm gần đây, Long An đã ghi nhận chỉ số CPI cao, tăng thu ngân sách. Đây là thành quả của việc tiếp nhận nhiều dự án, trong đó đặc biệt là thị trường bất động sản bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Tỉnh nhà cũng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường Long An như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Becamex, TDH Ecoland… câu chuyện ở tỉnh nhà bây giờ là đẩy mạnh hạ tầng giao thông kết nối để thu hút mạnh dòng tiền của NĐT trong dài hạn.

“Để giải quyết câu chuyện này hiện tỉnh sẽ chú trọng đầu tư các dự án lớn, quan tâm xây dựng hạ tầng để giải quyết những tồn đọng của tỉnh Long An”, bà Hà nhấn mạnh.

Rõ ràng, câu chuyện hạ tầng kết nối giữa Long An- Tp.HCM đã và đang được chính quyền địa phương chú trọng thúc đẩy nhanh ở giai đoạn này, đây chính là tiền đề có thêm động lực tăng trưởng, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư BĐS.

Bất động sản Long An còn nhiều dư địa phát triển

Theo các chuyên gia, không chỉ hạ tầng tác động đến sự tăng trưởng BĐS mà những tiền đề về giá mềm, xu hướng chuyển dịch cư dân đã và đang tạo cú hích to lớn đến thị trường nhà đất khu vệ tinh này.

Từ năm 2017, bất động sản Đức Hòa (Long An) thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT. Các doanh nghiệp địa ốc lớn và cả nhà đầu tư cá nhân liên tiếp tìm mua đất nền tại đây vừa để xây dựng dự án nhà ở vừa để đầu tư dài hạn, mua đi bán lại khi giá đất tăng cao. Vùng đất này trước đây chỉ có các dự án khu công nghiệp quy mô lớn, nay đã có sự góp mặt của nhiều dự án BĐS lớn, nhỏ với đủ loại hình đất nền, căn hộ chung cư, căn hộ văn phòng, nhà liên kế, nhà phố, nhà thương mại và biệt thự.

Bất động sản vùng đô thị TP.HCM mở rộng: Long An đang trỗi dậy - Ảnh 2.

Với những tiềm năng về hạ tầng, giá còn mềm, nhu cầu mua bán BĐS khu vực này dự báo

còn tăng trưởng; biên độ tăng giá tốt ở các dự án đã có sổ, hạ tầng hoàn thiện

Hiện nay, mặc dù giao dịch cũng như nguồn cung có phần “chững lại” cộng với tâm lý e dè đã và đang chi phối nhiều đến quyết định mua BĐS của khách hàng. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra trên thị trường BĐS. Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhìn ở góc độ tiềm năng về hạ tầng và bản thân mỗi dự án để thấy, nhu cầu và biên độ tăng giá vẫn khá tốt ở những dự án có hạ tầng, pháp lý hoàn thiện. Thanh khoản của dự án phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố này. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm mà những NĐT dày dặn kinh nghiệm tìm kiếm các dự án để chốt lời, thu lợi nhuận.

Rõ ràng, tiềm năng của thị trường Long An là rõ thấy. Vấn đề là khách hàng nhìn nhận ở các khía cạnh của dự án để đánh giá và quyết định “xuống tiền”. Với một thị trường vệ tinh còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng như Long An thì theo các chuyên gia, khả năng sinh lợi từ dự án còn rất nhiều, đặc biệt các dự án đã có sổ, vị trí đẹp, giáp ranh Tp.HCM thanh khoản cũng như mức chênh lợi nhuận sẽ khá tốt. Với một thị trường đang dồn nguồn lực để phát triển hạ tầng kết nối cũng như kinh tế - xã hội thì đây chính là cơ hội để NĐT chớp lấy, đón đầu.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho rằng, nếu Bình Dương, Đồng Nai quỹ đất lớn đã dần khan hiếm thì lợi thế của Long An là quỹ đất còn nhiều. Thời gian qua, một số doanh nghiệp BĐS đã quan tâm đến thị trường nơi đây. Nhu cầu của thị trường này dự báo còn rất nhiều. Do đó, phát triển nhà ở, KĐT trong dài hạn sẽ thuận lợi.

Nhận định về thị trường BĐS Long An trong thời gian tới, ông Lâm cho rằng, quy luật “nước chảy về chỗ trũng”. Những khu vực có tiềm năng phát triển thì NĐT sẽ dồn về. BĐS Long An vẫn còn hấp dẫn trong vòng 3 năm tới. Đặc biệt, với lợi thế sông nước, tỉnh nên tận dụng địa thế mảng xanh để phát triển các dự án khu đô thị. Nếu làm được điều này, BĐS Long An sẽ rất hấp dẫn NĐT.

Theo Nhịp Sống Việt

Câu hỏi mà các nhà đầu tư thường đặt ra trong đầu mình là: "Quốc gia này sẽ thay đổi ra sao trong vài năm tới?".

Báo Anh: Tại sao các nhà đầu tư coi Việt Nam là "ngôi sao" tiếp theo của thế giới đang phát triển?

Khi tôi đi du lịch Thái Lan, tôi đã có suy nghĩ rằng, một vài năm nữa thôi, Việt Nam cũng sẽ như vậy. Nếu bạn muốn biết TP.HCM sẽ trông như thế nào trong tương lai, tôi nghĩ, Bangkok là câu trả lời gần đúng cho thắc mắc đó của bạn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, nếu có ai đó nói Việt Nam phải mất đến 10 năm hay 20 năm nữa mới được như Thái Lan thì tôi sẽ rất ngạc nhiên đấy. 

Việt Nam có quy mô dân số hơn 95 triệu dân, một nửa trong số đó ở độ tuổi lao động và hai phần ba dưới 35 tuổi, họ được giáo dục tốt và rất nỗ lực. Một cô bé 11 tuổi tôi gặp ở Hà Nội đã nói: "Nếu cháu học giỏi và biết tiếng Anh, lớn lên cháu có thể kiếm được nhiều tiền hơn".

GDP đang tăng trưởng ở mức xấp xỉ 7% một năm, và dự kiến ​​sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong tương lai gần. Phần lớn sự tăng trưởng đó đang được thúc đẩy bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Samsung đã sản xuất phần lớn sản phẩm điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Hoạt động sản xuất lớn thứ hai của Intel bên ngoài Hoa Kỳ cũng ở đây. Những đôi giày và nhiều bộ quần áo bạn đang mặc, rất có thể được sản xuất tại Việt Nam.

Báo Anh: Tại sao các nhà đầu tư coi Việt Nam là ngôi sao tiếp theo của thế giới đang phát triển? - Ảnh 1.

Sự hấp dẫn chính là ở chi phí. Tiền lương ở Việt Nam hiện chỉ tương đương khoảng một phần ba ở Trung Quốc và lực lượng lao động vẫn đang tiếp tục phát triển, với một triệu lao động mới tham gia vào thị trường mỗi năm. Bên cạnh đó, mức nợ tương đối thấp, lạm phát được kiểm soát và tỷ giá ổn định.

Vị trí địa lý cũng là một lợi thế của Việt Nam. Nằm ở sườn phía nam của Trung Quốc, Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân này. Cùng với đường bờ biển dài hàng ngàn km, Việt Nam cũng có tiềm năng để phát triển hệ thống cảng lớn hơn nữa. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện, nhưng nó đang được cải thiện nhanh chóng. 

Ẩn số lớn là mức độ hưởng lợi của Việt Nam từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Một mặt, Việt Nam là một sự thay thế rõ ràng cho các công ty tìm cách để giảm tiếp xúc với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi châu Á sang Mỹ đã tăng 10%. Việt Nam nổi bật lên, với mức tăng 33%, đáng chú ý là các mặt hàng điện tử.

Tuy nhiên, chi phí chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là không hề rẻ. Với việc Mỹ chiếm chưa tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, nhiều công ty sẽ "chờ bão tan" và chờ đợi thời điểm tốt hơn.

Báo Anh: Tại sao các nhà đầu tư coi Việt Nam là ngôi sao tiếp theo của thế giới đang phát triển? - Ảnh 2.

Bản thân Việt Nam không chỉ là một cơ sở sản xuất lớn, mà còn là một thị trường tiềm năng cho các tập đoàn dịch vụ và hàng tiêu dùng lớn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao 11,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.634,8 nghìn tỷ VND (khoảng 156,6 triệu USD). cho thấy cầu tiêu dùng trong dân đang mở rộng đáng kể.

Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trung bình đạt khoảng 90% và truy cập internet đã tăng gấp đôi trong vòng 6 năm. 

Đô thị hóa là một động lực chính khác của tăng trưởng tiêu dùng. Với chưa tới 40% dân số sống ở các thành phố, Việt Nam vẫn còn đứng sau các nước láng giềng khu vực như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc - tất cả đều có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa dự kiến sẽ được đẩy nhanh tốc độ trong thời gian tới.

Theo Trí Thức Trẻ

Các CTCK vốn Hàn Quốc đang tạo áp lực cạnh tranh lên các CTCK nội từ chất lượng dịch vụ, số lượng chi nhánh đến khả năng cấp margin.

Thống kê trên thị trường chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đang là 6 công ty bao gồm Chứng khoán Mirae Asset , Chứng khoán KIS, Chứng khoán HFT, Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).

Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ đồng lên 5.455,5 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam sau khi được công ty mẹ rót thêm 1.155,5 tỷ đồng. Hiện SSI đang là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, nhưng “ngôi vị” này sẽ được thay thế khi Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tăng vốn điều lệ cho Mirae Asset trong tháng 10 này.

Ngoài Mirae Asset, trong top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự góp mặt của KIS, KBSV với vốn điều lệ lần lượt là 1.897 tỷ đồng và 1.675 tỷ đồng.

Vì sao dòng vốn Hàn Quốc đang đổ mạnh vào thị trường Việt Nam?

Số vốn điều lệ của KBSV là kết quả của đợt tăng vốn liên tục trong giai đoạn cuối 2018, đầu 2019 sau khi mua lại Chứng khoán Maritime.

Sự hiện diện của các CTCK vốn Hàn Quốc đã tạo ra áp lực cạnh cạnh tranh lớn đối với các CTCK nội từ chất lượng dịch vụ, số lượng chi nhánh, đặc biệt là khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).

Số liệu cuối quý II/2019 cho thấy, dư nợ cho vay margin của Mirae Asset đã lên đến 5.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay của SSI khoảng 6.300 tỷ đồng. Các CTCK Hàn Quốc khác như KIS, KBSV cũng đều có dư nợ cho vay lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, bám sát các tên tuổi trong nước như HSC, VND, MBS…

Vì sao dòng vốn Hàn Quốc đang đổ mạnh vào thị trường Việt Nam? - Ảnh 1.

Vậy điều gì khiến dòng vốn từ xứ sở Kim Chi tìm đến Việt Nam và liên tục gia tăng trong thời gian vừa qua?

Thứ nhất có thể kể đến việc Việt Nam đang là một trong những điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới với tăng trưởng GDP khởi sắc trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% -  cao nhất trong 11 năm. GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đi ngược với xu hướng chung đã và đang ám ảnh trên toàn cầu.

TTCK Việt Nam mặc dù còn trẻ, nhưng đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 78,5% GDP tính đến cuối tháng 6 năm 2019. Tính đến hết quý II/2019, mức vốn hóa thị trường đạt trên 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP.

Thứ hai, về phía Hàn Quốc, Hàn Quốc xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách hướng nam mới, Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ. Do đó, trong đầu tư, vốn của Hàn Quốc cũng đổ vào Việt Nam khá mạnh từ vốn đầu tư trực tiếp đến vốn đầu tư gián tiếp thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp hay gia tăng vốn góp vào các CTCK Việt Nam.

Thứ ba, việc đồng KRW của Hàn Quốc mất giá 8,2% so với USD có thể cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền từ Hàn Quốc tìm đến các thị trường khác trú ẩn trong đó có Việt Nam, thị trường có tính ổn định cao.

Bên cạnh đó, lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, khoảng 1,5% trong khi đó, lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều. Lãi suất gửi ngân hàng hiện xoay quanh 8%/năm, lãi suất cho vay margin tại các CTCK dao động từ 12 – 14%/năm. Đây là yếu tố góp phần khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán...

Theo Diễn Đàn Đầu Tư

페이지 10 / 전체 35

전략적 파트너십