Theo thống kê nghiên cứu gần đây nhất của iPrice, trang tổng hợp và so sánh giá tại Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức cao nhất nhì trong khu vực.
Cụ thể trong năm 2017 chỉ số tăng trưởng (CAGR) của Thương mại điện tử Việt Nam đang tăng nhanh, ở mức 30%. Tỷ lệ này hơn cả Thái Lan và Malaysia, hai quốc gia Đông Nam Á có đặc thù dân số trẻ, số lượt người dùng và những khởi đầu tương tự nhau.
Chưa định rõ ngôi vai B2C và C2C
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang mắc phải tình trạng chưa định hình rõ ngôi thứ mô hình kinh doanh B2C và C2C.
Cụ thể, Lazada, Tiki, Sendo… đang phải kiêm cả hai vai: vừa đảm nhận việc thanh toán và vận chuyển hàng hoá thường thấy ở những website thương mại điện tử B2C; vừa tranh thủ mở rộng mô hình marketplace, tức là người bán hàng nhỏ lẻ tự đăng sản phẩm và bán trên nền tảng. Cho thấy "cơn khát" lượng truy cập của những website thương mại điện tử tại đất nước 94 triệu dân với khoảng 32 triệu dân thành thị và 42.3 triệu người dùng intenet, thích mua hàng qua… Facebook của người quen.
Trong khi, cùng con số này, cả Thái Lan và Malaysia chia vai khá tốt mặc dù dân số thấp hơn Việt Nam nhưng do có tỷ lệ dân số thành thị cao hơn, 51,1% và 76,2% đã đưa giá trị thị trường Thương mại điện tử Thái Lan đạt 0.9 tỷ đô la Mỹ và 1 tỷ đô la Mỹ tại Malaysia, trong năm 2015.
Mất cân xứng giữa B2C và C2C
Nhắc đến mô hình thương mại điện tử C2C, cái tên Shopee đang tạo ấn tượng tốt với người dùng . Tại Malaysia, Shopee hiện đang là nền tảng trực tuyến C2C có lượng truy cập cao nhất, chiếm 4.5% tổng lượng truy cập, trong khi tại Thái Lan, Shopee chiếm 4.4%. Tại Việt Nam, sau một năm đặt văn phòng chính thức Shopee lọt vào top 10 website thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất. Nhưng nó cũng chưa là một đóm nhỏ C2C vừa xuất hiện, sau Vật Giá đang chững lại.
Hiện tại, Lazada, Thế Giới Di Động và Sendo chiếm phân nửa tổng lượt truy cập mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, tổng số 53% đều là những website thương mại điện tử B2C.
Tâm lý chuộng hàng ngoại
Dạo quanh các trang bán hàng trực tuyến, bạn có thể dễ dàng nhận ra câu hỏi: có hàng sẵn không? Câu hỏi này phổ biến nhất tại Việt Nam, tiếp theo là Malaysia và cuối cùng là Thái Lan . Để đáp ứng cho tâm lý mua hàng này, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần phải làm rất nhiều bước.
Điều đáng nói là các trang thương mại điện tử có bán các sản phẩm nước ngoài chỉ chiếm 14% tại Việt Nam, còn lại 86% các mặt hàng trực tuyến đều có nguồn gốc từ trong nước. Con số này cân bằng hơn tại Malaysia, 24.2% trang web bán hàng ngoại và 75.8% kinh doanh các mặt hàng nội địa.
Thông thường, các website mua bán trực tuyến tại nước ngoài thường làm việc rất chặt chẽ với nhà cung cấp để lượng hàng có sẵn luôn chiếm tỷ lệ cao. Việc hàng hoá trực tuyến có sẵn được xem là việc hiển nhiên tại Thái Lan, chỉ 34% và 40% tại Malaysia người dùng quan tâm việc hàng hoá có sẵn hay không. Tại Việt Nam , có đến 52% người mua trực tuyến luôn phải đặt câu hỏi này với nhà cung cấp.
Nền tảng thanh toán trực tuyến cũng là một ảnh hưởng gián tiếp đến việc mua hàng trực tuyến từ các trang web bán hàng nước ngoài. Người Việt chuộng hình thức thanh toán khi nhận hàng tới mức, tỷ lệ này chiếm 65% đơn hàng trực tuyến được giao bằng hình thức COD, cao hơn 8 lần so với con số 8% của thế giới.
Doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn
Theo thống kê của Google, mặc dù người dùng Việt có một niềm tin hàng ngoại luôn tốt hơn, nhưng các trang thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam gặp khó khăn. Cụ thể, rào cản ngôn ngữ chiếm 33% trong các trở ngại người dùng Việt thường gặp khi mua sắm tại các trang web trực tuyến nước ngoài.
Thêm vào đó, Lazada dẫn đầu lượng truy cập cả Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng thay vì chiếm 52.6% tổng lượng truy cập như Malaysia và 48.5% tại Thái Lan, thì Lazada Việt Nam chỉ chiếm 19% lượng truy cập, sát sau là Thế giới di động với 15% và Sendo là 11%.
Sophia là khách mời đặc biệt tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tháng 7 sắp tới.
Diễn đàn cấp cao: Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được tổ chức trong hai ngày 12 – 13/7. Đây là sự kiện được Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Sự kiện lần này nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Nếu như năm ngoái, câu chuyện 4.0 chỉ là sự gợi mở, khai phá thì Diễn đàn năm nay với mục tiêu phải cụ thể hoá được chính sách cho từng ngành, nhóm ngành.
Phía Ban Tổ chức cho biết Diễn đàn có một phiên Diễn đàn cấp cao có sự tham dự Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ở vai trò chủ trì. Phiên đối thoại này tập trung chủ yếu vào chính sách với sự tham gia của các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), World Bank cùng các Bộ trưởng phía Việt Nam.
Thủ tướng tại phiên này cũng sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới. Ông cũng trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các Bộ trưởng trả lời các vướng mắc được doanh nghiệp nêu ra.
Cũng trong phiên Diễn đàn cấp cao, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt sẽ được giao lưu với một vị khách đặc biệt là cô nàng robot Sophia – quán quân sáng tạo của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Sophia cũng là robot đầu tiên trên thế giới được trao quyền công dân.
Theo đó, Sophia sẽ có khoảng 15 phút giao lưu với một bài phát biểu ngắn và trả lời từ 4 – 5 câu hỏi có thể xoay quanh các vấn đề mới như tự động hoá hay làm thế nào để người yếu thế không bị mất việc trong kỷ nguyên 4.0.
Ngoài phiên Diễn đàn cấp cao, chương trình còn có 5 hội thảo chuyên đề liên quan đến: Nông nghiệp thông minh; Những xu hướng lớn của các mạng công nghiệp với những tác động, khuyến nghị với Việt Nam; Đô thị thông minh; Phát triển sản xuất thông minh; Bước tiến mới trong ngành tài chính – ngân hàng.
Trí thức trẻ
Theo báo cáo mới nhất của Savills, trong quý đầu tiên của năm 2018, thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư sôi động.
Nguyên nhân của sự sôi động này được chỉ ra, sự tăng trưởng du lịch đã thúc đẩy các NĐT tập trung nhiều hơn vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong mười năm qua, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước (YoY) trong quý đầu tiên của năm 2018 và mở rộng đà phát triển trong nửa cuối năm 2017.
Nhiều thương vụ mua bán lớn tiếp tục diễn ra trên thị trường BĐS.
Trong đó, Tp.HCM nổi bật trong danh sách quan tâm của các NĐT. Thị trường văn phòng của thành phố ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ và tỉ lệ lấp đầy cao trong quý đầu của năm 2018. Tuy nhiên, ghi nhận trong thời gian qua có rất ít giao dịch đầu tư trong lĩnh vực này do sự thiếu hụt lượng tài sản sẵn có để bán. Một giao dịch đáng chú ý đó là việc Nomura Real Estate đã thâu tóm 24% quyền sở hữu tại Sunwah Tower, một tòa nhà văn phòng hạng A tại Tp.HCM vào tháng 1/2018.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các NĐT cũng đang tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn. Vào tháng 1, Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Cũng trong quý đầu tiên, Bamboo Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam, đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.
Nhiều thương vụ mua bán lớn tiếp tục diễn ra trên thị trường BĐS. Cụ thể, vào tháng 3, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9 ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này bao gồm một khu dân cư 380 căn hộ, khoảng 21.400 m2 diện tích văn phòng, và hơn 19.300 m2 diện tích bán lẻ. Thương vụ mới nhất này sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 khu phát triển dân cư, một khu phát triển tích hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ, trải dài trên khắp sáu thành phố của Việt Nam.
Tp.HCM nổi bật trong danh sách quan tâm của các NĐT
Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng đã thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng – Saigon Sports City – với khoảng 11,4 triệu USD.
Theo tiến sĩ Ngọc Khương – Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, hiện tại, hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đang được triển khai bởi phần lớn các nhà đầu tư châu Á.
Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu về hoạt động ở khắp các phân khúc tại thị trường BĐS Việt Nam. Thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư các đơn vị đến từ những quốc gia này đang ngày càng mở rộng. Đối với họ, một thị trường BĐS hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Và tùy theo từng góc nhìn chiến lược, mỗi NĐT lại chọn một phương thức tiếp cận hoặc lĩnh vực đầu tư khác nhau, dù trong cùng một ngành địa ốc.
Trong đó, Singapore tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở, các NĐT Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt các dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Đối với các NĐT Nhật Bản lại quan tâm đến thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và văn phòng tại Việt Nam và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực BĐS nhà ở.
Theo Trí Thức Trẻ
Sau những cuộc khủng hoảng xảy ra tại Việt Nam những năm 1979, 1989, 1999 và 2009, Chính phủ và giới quan sát đang lo ngại chu kỳ khủng hoảng cứ 10 năm một lần sẽ xuất hiện trở lại ở Việt Nam năm sau.
Những căn cứ cho lo ngại có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng mới ở Việt Nam được chỉ ra gồm: độ mở rất lớn của nền kinh tế (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 193% GDP năm 2017); nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước có vấn đề.
Những mâu thuẫn của nền kinh tế nằm ở sự chia tách giữa các khu vực như FDI và trong nước, kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, hay dù hội nhập sâu rộng nhưng việc tận dụng, khai thác còn kém; sự chuyển dịch của dòng tiền từ thị trường sản xuất vào thị trường tài sản (đất đai, chứng khoán) dẫn đến bong bóng tài sản, và khi thị trường quá nóng, bong bóng đổ vỡ có thể kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì các căn cứ trên đều khá chung chung và, quan trọng hơn, không chỉ ra được tại sao khủng hoảng có khả năng sẽ nổ ra vào năm 2019 chứ không phải là một năm trước hoặc sau đó.
Cụ thể hơn, nếu nói về độ mở lớn của nền kinh tế để lo ngại khả năng đổ vỡ thì cần lưu ý rằng trên thế giới có không ít quốc gia hoặc nền kinh tế mà tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP còn lớn hơn cả Việt Nam như Hong Kong (373 % GDP năm 2016), Luxembourg (407%), Malta (268%), Singapore (318%), Slovak (186%), Các Tiểu vương quốc Ả rập (205%), so với mức 185% năm 2016 của Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào độ mở của nền kinh tế tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP thì chưa thể nói lên được tính mong manh, dễ vỡ của nền kinh tế. Bởi chỉ tiêu này còn phản ánh một thực tế là nền kinh tế sở tại có thể là một điểm trung chuyển hàng hóa, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ khi đã có hiện tượng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam xuất đi các nước khác.
Hơn nữa, cũng không có chuẩn mực nào hay một trường hợp thực tế nào để tin rằng nếu độ mở này tiếp tục tăng và đạt, ví dụ, 200% GDP năm sau thì nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nguy khốn.
Về lý do nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước có vấn đề và sự chia tách nền kinh tế thành 2 khu vực (FDI và trong nước), đây có thể là một thực tế. Nhưng, tương tự như lập luận ở trên, đâu là điểm ngưỡng để dẫn đến tình trạng "quá mù ra mưa" nếu những bất cập này tiếp tục tồn tại và phát triển làm bùng phát thành một cuộc khủng hoảng năm sau mà không phải là những năm sau đó?
Về nguyên nhân bong bóng tài sản dẫn đến khủng hoảng kinh tế, đây cũng là một thực tế đã được chứng thực ở nhiều nơi trên thế giới. Có điều, nếu nói rằng Việt Nam đang chứng kiến bong bóng bất động sản và chứng khoán thì e rằng là hơi sớm, cần phải có nhiều dữ liệu và phân tích thấu đáo hơn để làm hậu thuẫn cho kết luận này. Nhìn chung, giá bất động sản có gia tăng mạnh nhưng không phải trên diện rộng, mà chỉ ở một số phân khúc, một số địa phương, vùng.
Còn với thị trường chứng khoán, sau những thăng hoa mấy tháng trước (nhưng không phải tăng trưởng kiểu tên lửa, ngày nào cũng tăng và tăng kịch biên độ), chỉ số chứng khoán đã quay trở lại giai đoạn lình xình, điều chỉnh mạnh trong mấy tuần gần đây.Trong khi đó, nguồn "dinh dưỡng" quan trọng nhất cho cả 2 thị trường này bùng nổ là tín dụng ngân hàng thì đã bị siết lại từ 2, 3 năm nay, với tăng trưởng tín dụng chung cũng chậm lại đáng kể so với mấy năm trước.
Ngoài các căn cứ được nêu ra bên trên, xin bổ sung thêm một số căn cứ khác thường được dùng để phán định liệu một nền kinh tế có phải là đang trong trạng thái tăng trưởng nóng để rồi chắc chắn sau đó sẽ rơi vào trạng thái đóng băng và khủng hoảng hay không, mà có thể áp dụng cho Việt Nam.
Căn cứ bổ sung đầu tiên là lạm phát. Một thực tế không thể phủ nhận là lạm phát ở Việt Nam thường cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới, như được minh họa trong bảng dưới đây.
Nguồn: Tính toán dựa trên số liệu của IMF (số liêu từ 2018 là ước tính)
Tuy nhiên, điều cần ghi nhận là Việt Nam đã khá thành công trong kiềm chế lạm phát trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt là lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 thậm chí còn bằng hoặc thấp hơn cả của các nhóm so sánh. Nói cách khác, dễ thấy là lạm phát tuy có xu hướng tăng lên ở Việt Nam trong năm nay và năm sau nhưng về tổng thể, lạm phát của Việt Nam không phải là ngoại lệ, cũng không phải là ngòi nổ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng, ít nhất là trong năm sau.
Căn cứ bổ sung thứ hai là tốc độ tăng trưởng đầu tư. Ngược lại so với khu vực và thế giới, đầu tư đã tăng trưởng chậm lại ở Việt Nam trong thập kỷ hiện nay so với 10 năm trước, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2019.
Điều này được thể hiện qua số liệu về tổng mức đầu tư trong nền kinh tế tính theo % GDP của Việt Nam và khu vực và thế giới có trong bảng dưới đây. Như vậy, một trong những yếu tố dẫn đến tăng trưởng kinh tế nóng và có thể làm sụp đổ một nền kinh tế là tăng trưởng đầu tư cao đã không hiện diện ở Việt Nam, nhất là trong nửa sau của thập niên này.
Tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt Nam so với khu vực và thế giới
Nguồn: Tính toán dựa trên số liệu của IMF (số liệu từ 2018 là ước tính)
Cuối cùng, để biết một nền kinh tế có rơi vào tình trang nóng sốt hay không thì người ta cũng dựa vào chỉ số xuất/nhập siêu hoặc cán cân vãng lai. Nếu nhập siêu và/hoặc thâm hụt cán cân vãng lai là hiện tượng kinh niên thì nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi nợ nước ngoài tăng cao dùng để bù đắp thâm hụt vãng lai.
Tuy nhiên, số liệu của IMF cũng cho thấy cán cân vãng lai của Việt Nam được dự đoán sẽ chỉ bị thâm hụt trong 2 năm của thập kỷ này là năm 2010 và 2015. Do đó, có căn cứ để loại thâm hụt vãng lai như một yếu tố tiềm tàng gây ra khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam trong những năm tới, ít nhất là năm 2019.
Tóm lại, phân tích ở trên cho thấy tuy nền kinh tế Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều bất ổn nhưng chưa có bằng chứng xác đáng nào để lo ngại xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm 2019 ở quy mô và cấp độ như đã từng được chứng kiến trong 3 thập kỷ trước.
Trí thức trẻ
Từ nay đến cuối năm 2018, Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa ký Thông báo số 403/TB-BCĐĐHG thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 29/5/2018.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá, 5 tháng đầu năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự nỗ lực cao trong công tác điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát.
Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng qua tăng 3,01% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng giá biến động tương đối sát với kịch bản dự báo. Các nhân tố gây tăng giá trong 2 tháng gần đây chủ yếu xuất phát từ biến động tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường trong nước và thế giới, không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm 2018, mặc dù công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục chịu nhiều áp lực do giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục có khả năng tăng cao, tác động đến mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu nhưng Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trên cơ sở các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, Ban chỉ đạo yêu yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm tại Thông báo số 259 ngày 30/3/2018 của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; Rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành.
Đồng thời, thực hiện giữ ổn định mức giá các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6/2018; Tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...).
Đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường; Chú trọng công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, triệt để tiết giảm chi phí để không phải điều chỉnh giá điện trong năm nay.
Bộ Y tế đẩy mạnh tổ chức đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với tần suất nhiều hơn và tăng cường quản lý đấu thầu vật tư, thiết bị y tế theo chỉ đạo tại Thông báo số 145/TB-VPCP ngày 18/4/2018 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản; chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao, chủ động nghiên cứu có giải pháp sử dụng các vật tư thay thế việc sử dụng cát trong san lấp mặt bằng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất tại các đô thị lớn, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường khi xảy ra biến động bất thường...
Tiền phong
Trước giao dịch ông Đặng Thành Tâm đang sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu ITA.
Ông Đặng Thành Tâm vừa thông báo đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư công nghiệp Tân Tạo. Trước giao dịch này ông Đặng Thành Tâm sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu ITA (tỷ lệ 2,3%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 28/6 đến 27/7/2018.
Ông Đặng Thành Tâm là em trai bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT của Tân Tạo ITA.
Ngoài sở hữu cổ phiếu ITA, ông Đặng Thành Tâm còn là cổ đông lớn của Kinh Bắc (KBC) của Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (SQC), của Saigontel (SGT). Trong đó ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc (KBC) và của Saigontel (SQC).
Trên thị trường cổ phiếu ITA đã phục hồi nhẹ, hiện giao dịch quanh mức 2.500 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này ông Đặng Thành Tâm sẽ chi khoảng 25 tỷ đồng mua số cổ phiếu mong muốn.
Diễn biến giá cổ phiếu ITA trong 1 năm gần đây.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone vừa nghiên cứu và thử nghiệm thành công ứng dụng hệ thống quản lý, giám sát nhà trạm viễn thông tập trung ứng dụng M2M, IoT. nâng cao mức độ ổn định của mạng lưới, giảm thiểu rủi ro trong vận hành khai thác và ứng cứu thông tin.
Triển lãm Commnunic Asia 2018 đã được tổ chức 4 năm liên tiếp. Đây là một trong những hoạt động giới thiệu quảng bá quan trọng trong tiến trình thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ra nước.
Những doanh nghiệp Việt tham gia triển lãm, trong đó có MobiFone sẽ phải cho thấy năng lực đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của khách hàng, mở ra tiềm năng hợp tác quốc tế cũng như hoạt động đầu tư tại nước ngoài. Hệ thống quản lý, giám sátnhà trạm viễn thông tập trung ứng dụng M2M, IoT của MobiFone hứa hẹn là ứng dụng được đánh giá cao.
Nâng cao năng lực nội tại nhờ CNTT
MobiFone đầu tư nghiên cứu, áp dụng CNTT để nâng cao năng lực nội tại của mình. Minh chứng bằng việc cho ra đời Hệ thống quản lý, giám sát nhà trạm viễn thông tập trung ứng dụng M2M, IoT. Nếu theo dõi kĩ lưỡng về những thay đổi của MobiFone trong khoảng 5 năm trở lại đây nhiều người sẽ biết cơ sở hạ tầng, mạng lưới không phải điểm mạnh của nhà mạng này.
Khi còn là thành viên của Tập đoàn VNPT, MobiFone dùng chung cơ sở hạ tầng với Vinaphone. Gần 2 năm sau khi thành lập Tổng công ty, 7/2016 MobiFone mới có đường trục truyền dẫn Bắc – Nam và xây dựng thêm được hàng ngàn trạm BTS mới. Việc quản lý cơ sở hạ tầng lúc này cũng là thách thức không nhỏ với đội ngũ quản lý
Đội ngũ cán bộ CNTT của MobiFone bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời Hệ thống quản lý, giám sá tnhà trạm viễn thông tập trung ứng dụng M2M, IoT góp phần nâng cao mức độ ổn định của mạng lưới, giảm thiểu rủi ro trong vận hành khai thác và ứng cứu thông tin. Đây là bước đệm để đảm bảo an toàn mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ doanh nghiệp này cung cấp cho khách hàng.
Sơ đồ kết nối các nhà trạm.
Ứng dụng M2M, IoT để đón đầu xu hướng công nghệ 4.0
Hệ thống tự động mới của MobiFone được xây dựng nhằm mục đích giám sát tập trung từ xa các thông số của nhà trạm viễn thông như: môi trường hoạt động, nguồn điện và cho phép can thiệp, điều khiển các thiết bị tại nhà trạm nhằm tiết kiệm nhân lực, rút ngắn thời gian quản lý, xử lý sự cố. Giải pháp mới này dùng được ở các trạm BTS 2G/3G/4G, BSC, RNC và node truyền dẫn. Từ đó, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác và ứng cứu khi có rủi ro của nhà trạm.
Cấu tạo của hệ thống là một vòng tròn khép kín hoàn hảo gồm hệ thống giám sát với trung tâm quản lý cùng các thiết bị quản lý, trung tâm điều khiển, truyền dẫn và thiết bị tại nhà trạm.
Thông qua trung tâm quản lý, người dùng có thể truy xuất, sử dụng hệ thống, giám sát thiết bị, quan sát hình ảnh từ camera đồng thời nhận email, SMS về các sự cố phát sinh đối với thiết bị trên hệ thống thay vì trực tiếp kiểm tra từng trạm như trước đây.
Với trung tâm điều khiển được thiết kế thông minh bao gồm các module phần mềm cài đặt trên Server, người dùng có thể thực hiện các chức năng hệ thống. Hệ thống hoạt động bằng 2 phương thức truyền dẫn gồm truyền dẫn có dây và không dây.
Tại các nhà trạm sẽ có thiết bị thực hiện chức năng thu thập, giám sát điều kiện hoạt động của nhà trạm và điều khiển các thiết bị trong trạm để báo cáo về trung tâm.
Hệ thống được đánh giá có tính năng linh hoạt, đáp ứng thực tiễn với nhà trạm MobiFone đang sở hữu và phù hợp với điều kiện thời tiết tại Việt Nam. Việc áp dụng hệ thống này giúp đảm bảo nhà trạm MobiFone luôn được kiểm soát ở trạng thái tốt nhất. Việc ứng dụng M2M, IoT để tạo ra giải pháp tự động hóa giúp nhân viên MobiFone tiết kiệm công sức theo dõi, bảo dưỡng nhà trạm BTS và doanh nghiệp này tiết kiệm được một nguồn nhân lực đáng kể.
Lãnh đạo MobiFone nhận định: “Chế tạo thành công Hệ thống quản lý, giám sát nhà trạm viễn thông tập trung ứng dụng M2M, IoT chứng minh năng lực của MobiFone ở lĩnh vực CNTT. Bên cạnh việc nâng cao năng lực nội tại, khắc phục khó khăn cho chính doanh nghiệp đây là một sản phẩm chào hàng MobiFone muốn giới thiệu tới đối tác, khách hàng tại Triển lãm quốc tế Communic Asia được tổ chức Singapore trong thời gian tới. Thành công bước đầu này khẳng định hướng đi đúng khắn khi MobiFone quyết định chính thức bước chân vào thị trường CNTT”.
Thời gian tới, MobiFone sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CNTT mới. Hy vọng những giải pháp CNTT của MobiFone không những thiết thực, theo kịp xu hướng công nghệ và được khách hàng đón nhận.
Theo báo cáo tổng kết thị trường 5 tháng đầu năm của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ĐBS có xu thế tăng dần những năm gần đây.
Cụ thể, tại Tp.HCM, năm 2015, đạt 1,497 tỷ USD (chiếm 53,3%); năm 2016, có sự sụt giảm, chỉ đạt 1 tỷ USD; năm 2017, tăng mạnh, đạt 1,01 tỷ USD; trong 5 tháng đầu năm 2018, đạt 216,3 triệu USD.
Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS là từ Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Hoa Kỳ, Trung quốc.
Điển hình tại Tp.HCM là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng; Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group, và Nishi Nippon Railroad (Japan); Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore); Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Japan); Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Japan); Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Japan), và quỹ Genesis Global Capital (Singapore); CII hợp tác với Hongkong Land; Sơn Kim Land hợp tác với Hankyu Hanshin; Capitaland, VinaCapital, Lotte, Dragon Capital...
Trong đó, nguồn kiều hối gửi về nước hàng năm giữ ở mức trên dưới 10 tỷ USD, trong đó, Tp.HCM chiếm khoảng 50%, và có khoảng 21% đầu tư vào BĐS. Trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp BĐS lên sàn chứng khoán. Trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, đã có 4 doanh nghiệp lên sàn là Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Văn Phú Invest, Đạt Phương. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp BĐS lên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát... Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo đánh giá của HoREA,nguồn vốn FDI, một trong những thước đo kết quả hội nhập của nền kinh tế, của thị trường BĐS nước ta. Trong đó, thị trường BĐS thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI, đồng thời, bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng BĐS.
Theo báo cáo của HoREA có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS.
Thứ nhất, nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở; đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh BĐS tương tự nhà đầu tư trong nước;
Thứ hai, nuớc ta giữ vững ổn định chính trị, kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới. Các yếu tố này giúp thị trường BĐS hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn.
Trí Thức Trẻ
Hoạt động thương mại Việt Nam trước mắt chưa chịu tác động đáng kể từ những căng thẳng thương mại leo thang mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc, do hàng hoá bị đánh thuế đa phần là hàng công nghệ cao, có tính chất tương đối đặc thù.
Cuối tuần trước, Mỹ đã công bố danh mục hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc để áp thêm thuế nhập khẩu. Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố sẽ trả đũa. Rạng sáng 19/6 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ xác định thêm danh mục hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ USD để áp mức thuế bổ sung 10%, nếu Trung Quốc có động thái trả đũa.
Cuộc chiến thương mại hai nước liên tục leo thang đặt ra không ít quan ngại trong chính sách và hoạt động thương mại của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.
Nhiều quan sát cho thấy trong thời gian dài, Mỹ luôn có ý kìm hãm Trung Quốc về thương mại, nhưng thường chỉ dừng ở mức độ "mềm mỏng", tại sao thời điểm này mối quan hệ lại trở nên căng thẳng như vậy?
Sự so kè về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nhưng cọ xát thương mại chỉ thực sự gia tăng trong khoảng từ 4-5 năm trở lại đây. Trong số những mặt hàng chịu ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến nay có thép, máy giặt, pin nhiên liệu mặt trời,... Bên cạnh đó, sau một thời gian tranh cãi giữa hai bên, Mỹ vẫn ra quyết định chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vào tháng 10/2017.
Từ tháng 4 năm nay, sau một thời gian điều tra, Mỹ đã đưa ra dự thảo danh mục khoảng 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để lấy ý kiến về việc áp thêm thuế 25 điểm phần trăm. Ví dụ, mặt hàng nếu có thuế nhập khẩu 0% sẽ bị áp thuế 25%, hàng có thuế 5% thì sẽ tăng lên thành 30%. Ngày 15/6, Mỹ đã công bố danh mục các hàng hóa chính thức bị áp thêm thuế từ 6/7, với giá trị hàng hoá bị áp thuế ước tính là 34 tỷ USD.
Danh mục hàng hóa bị áp thuế từ 6/7 được Mỹ lựa chọn dựa trên tiêu chí không gây đổ vỡ trong nguồn cung hàng hoá, hoặc việc tăng thuế không bị ràng buộc đáng kể về quy trình.
Trong đợt này, danh sách hàng hoá mà Mỹ công bố, đa phần là hàng hoá thuộc nhóm công nghệ cao. Một nguyên nhân được cho là nhằm phản ứng lại những chính sách về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trong Chiến lược "Made in China 2025".
Cần lưu ý, quyết định trên của Mỹ mới chỉ dựa trên đánh giá đầu tiên về chính sách, hoạt động chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Khả năng bổ sung các mặt hàng khác để áp thêm thuế còn hiện hữu. Hành động, đối sách, của Mỹ cũng tuỳ thuộc rất nhiều vào động thái của Trung Quốc.
Nói như vậy có vẻ như cuộc chiến này sẽ được gói gọn trong trong 2 nước và có thể ảnh hưởng ít đến các nền kinh tế khác?
Trước mắt, quyết định của Mỹ sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và chính người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân là bởi nhiều mặt hàng bị đánh thuế đợt này còn tương đối đặc thù, chưa có thay thế đáng kể trong thời gian ngắn từ các thị trường khác.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không nhượng bộ, áp dụng các biện pháp trả đũa với Mỹ thì phạm vi hàng hóa bị ảnh hưởng có thể sẽ lớn hơn. Khi ấy, các nước thứ ba cũng gặp khó khăn bởi bất định trong chính sách thương mại ở hai thị trường này.
Liệu chiến tranh thương mại có thực sự diễn ra hay chỉ là "đòn gió"?
Mỹ có thể sẽ dừng và cân nhắc nếu Trung Quốc có động thái tích cực, đặc biệt là trong đàm phán thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa, Mỹ có thể bổ sung nhiều mặt hàng mới.
Cần lưu ý rằng quyết định áp thêm thuế từ 6/7 mới chỉ dựa trên điều tra của Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ. Không loại trừ các vấn đề khác có thể được Mỹ xem xét thêm như môi trường, tỷ giá...
Theo tôi, nhiều khả năng hai nước sẽ cân nhắc và có được một kết quả đàm phán làm dịu đi những căng thẳng đang diễn ra trong năm 2018. Điều này càng quan trọng hơn với Mỹ trong bối cảnh thời điểm bầu cử giữa kỳ đang đến gần.
Nếu cuộc chiến thực sự nổ ra, chưa tính đến tác động bên ngoài, bản thân hai nền kinh tế lớn này đều chịu thiệt hại. Nhìn từ thâm hụt thương mại song phương, Mỹ có lý do để yêu cầu Trung Quốc xuất khẩu ít hơn hoặc nhập khẩu nhiều hơn hoặc cả đôi. Nhưng ngay tư duy này cũng có phần gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ.
Kết quả đàm phán thương mại giữa hai nước, nếu có, có thể có lợi nhiều hơn cho Mỹ trong ngắn hạn. Dù vậy, con đường đi đến kết quả này còn không ít bất định, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (hơn 375,5 tỷ USD trong năm 2017 và hơn 119,0 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018).
Như đã phân tích ở trên, dù căng thẳng trước mặt chủ yếu đối với Mỹ - Trung Quốc, nhưng nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hai nước này cũng là đối tác làm ăn lớn của Việt Nam, những rủi ro có thể xảy đến là gì?
Trong ngắn hạn, tác động trực tiếp với Việt Nam là chưa nhiều, nhưng tác động gián tiếp khá khó lường.
Đơn cử như ảnh hưởng đến dòng vốn của các nhà đầu tư. Thị trường tài chính thế giới sau những tuyên bố của Mỹ - Trung Quốc ít nhiều đã có biến động. Các nhà đầu tư đôi khi phản ứng quá nhanh và quá mức khiến các quyết định đầu tư của họ bị ảnh hưởng. Trong khi ấy, thế giới lại đang chứng kiến xu hướng rút vốn khỏi những thị trường đang phát triển và mới nổi, đặt ra áp lực đối với thị trường các nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng ngược lại, một số nhà đầu tư có thể chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nếu ta có thể nắm lấy cơ hội.
Về dài hạn, khác với Trung Quốc, Việt Nam có quy mô kinh tế còn tương đối nhỏ. Việt Nam chưa phải là đối tượng để Mỹ đưa ra những hành động trực tiếp. Tuy nhiên, các cơ chế hiện nay như áp thuế chống bán phá giá và một số biện pháp phòng vệ thương mại khác cũng đủ khiến Việt Nam "đau đầu". Nguyên nhân một phần là do chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Những hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thêm thuế từ 6/7 cũng khó có thể đẩy sang Việt Nam để lách thuế hoặc tiêu thụ, do là hàng công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng như thép, dầu thô,... thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
Do khó khăn trong quan hệ thương mại với Mỹ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ chủ động hạn chế nhập khẩu từ các nước thứ ba. Yêu cầu chất lượng cao hơn của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam - trong thời gian gần đây – có một phần từ tư duy ấy.
Việt Nam cũng đang cân nhắc chính sách để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài học từ đợt áp thuế mới đây của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cần được cân nhắc thấu đáo khi thiết kế các chính sách chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ.
Để đối mặt với những biến cố bất định này, những chính sách nào cần được đặt ra?
Thứ nhất, cần tiếp xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của Trung Quốc, Mỹ.
Thứ hai, nên rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.
Thứ ba, không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Lựa chọn dự án FDI phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam là cần thiết, song cần tránh nhìn nhận một chiều, kỳ thị quá mức đối với FDI.
Các đời Tổng thống Mỹ trước đây mới chỉ dừng lại ở việc tiếp thị hàng hoá, nhưng ông Donald Trump còn gây sức ép để "ép" đối tác mua hàng của mình. Đây cũng là bài học quan trọng mà chúng ta cần xem xét để điều chỉnh chính sách thương mại, nhằm ứng xử có lợi hơn trong bối cảnh hiện nay.
Cảm ơn ông!
Trí thức trẻ
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, tránh những bất ổn kinh tế vĩ mô có thể xảy ra trong vòng hai năm tới là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Tác động đến Việt Nam trong ngắn, trung và dài hạn
TS Võ Trí Thành nhận định, căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang bị đẩy lên cao. Tình trạng này có thể xảy ra theo hai góc độ. Thứ nhất, leo thang đối đầu thương mại sẽ tăng đến lúc nào đó rất khó kiểm soát, có thể nổ ra chiến tranh thương mại.
Thứ hai, khi vượt qua mức dền dứ như hiện nay, vì quan hệ thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, áp lực của dư luận quốc tế, kinh tế thế giới hoặc bản thân không muốn đi quá xa thì đến lúc hai bên cần ngồi lại thảo luận “mềm” với nhau.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra rồi, vấn đề chỉ là quy mô, mức độ sẽ như thế nào. Trong mấy chục năm qua, kiến trúc sư trưởng hay đạo diễn đứng đằng sau các thiết chế trên toàn cầu là Mỹ. Mỹ luôn có tư tưởng ngoại lệ, luôn coi mình là số 1, là lãnh đạo thế giới nên họ muốn làm theo ý họ. Nhưng điều đó bây giờ không còn đúng nữa. Do vậy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc xảy ra sẽ khiến cả đôi bên, thậm chí là kinh tế thế giới đều chịu thiệt hại.
Theo TS Võ Trí Thành, với mức độ căng thẳng như hiện nay, việc tăng thuế lên vài trăm tỷ USD giữa hai nước lớn sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp, ngắn và trung hạn tới Việt Nam. Thế mạnh của Mỹ là hàng công nghệ, Trung Quốc là nông sản. Do đó, đều ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cụ thể lúc này là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, trong đó có yếu tố thuận và nghịch. Nhà đầu tư của Mỹ và Trung Quốc có thể tìm kiếm thị trường mới như Việt Nam vốn ổn định, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu cuộc đối đầu leo thang sẽ tạo ra vòng xoáy, các nước tăng cường bảo hộ thương mại, ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở cùng tỷ trọng xuất khẩu cao, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Tránh lạc quan thái quá
“Doanh nghiệp (DN) Việt cần làm gì?”, ông Võ Trí Thành cho biết, doanh nghiệp cần quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Đây cũng là giai đoạn vừa tăng sức đề kháng, vừa cải cách, học hỏi chuẩn bị, xắn tay vào bắt nhịp xu hướng mới.
Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần tăng sức chống chọi các cú sốc bên ngoài, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc tài chính ngân hàng theo hướng minh bạch hơn. Quan trọng hơn nữa chính là cải cách thể chế, con người gắn với hội nhập. Dù kịch bản nào thì cải cách, bắt nhịp phải đi cùng xu hướng, phải phòng thủ và học hỏi.
TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, Chính phủ cần phải chú ý đến và tiếp tục việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) và môi trường kinh doanh (MTKD), đặc biệt cần lưu ý chu kỳ khủng hoảng 10 năm. Bởi theo ông, nếu bây giờ để bất ổn vĩ mô như lạm phát bùng lên hay là đổ vỡ ở thị trường này, thị trường kia thì công sức ổn định KTVM trong mấy năm qua coi như đổ xuống sông, xuống biển.
“Tôi tin nếu đà này giữ được thì những kết quả khả quan sẽ chờ đón ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế hơn bốn thập kỷ qua, cái “dớp” khủng hoảng và chu kỳ trục trặc 10 năm đã luôn xảy ra (khi nhìn lại những năm có đuôi số 9: 1979; 1989; 1999; 2009). Bởi vậy cần hết sức thận trọng để tránh sự lạc quan thái quá dẫn đến trục trặc tránh những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra. Trong vòng hai năm tới nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, ông Du nói.