Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường!

Written by  - Monday, 25 June 2018

Hoạt động thương mại Việt Nam trước mắt chưa chịu tác động đáng kể từ những căng thẳng thương mại leo thang mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc, do hàng hoá bị đánh thuế đa phần là hàng công nghệ cao, có tính chất tương đối đặc thù.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường!
 
 

Cuối tuần trước, Mỹ đã công bố danh mục hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc để áp thêm thuế nhập khẩu. Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố sẽ trả đũa. Rạng sáng 19/6 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ xác định thêm danh mục hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ USD để áp mức thuế bổ sung 10%, nếu Trung Quốc có động thái trả đũa.

Cuộc chiến thương mại hai nước liên tục leo thang đặt ra không ít quan ngại trong chính sách và hoạt động thương mại của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

Căn cứ nào để đánh thuế với 34 tỷ hàng hoá từ Trung Quốc?

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường! - Ảnh 1.
 

Nhiều quan sát cho thấy trong thời gian dài, Mỹ luôn có ý kìm hãm Trung Quốc về thương mại, nhưng thường chỉ dừng ở mức độ "mềm mỏng", tại sao thời điểm này mối quan hệ lại trở nên căng thẳng như vậy?

Sự so kè về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nhưng cọ xát thương mại chỉ thực sự gia tăng trong khoảng từ 4-5 năm trở lại đây. Trong số những mặt hàng chịu ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến nay có thép, máy giặt, pin nhiên liệu mặt trời,... Bên cạnh đó, sau một thời gian tranh cãi giữa hai bên, Mỹ vẫn ra quyết định chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vào tháng 10/2017.

Từ tháng 4 năm nay, sau một thời gian điều tra, Mỹ đã đưa ra dự thảo danh mục khoảng 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để lấy ý kiến về việc áp thêm thuế 25 điểm phần trăm. Ví dụ, mặt hàng nếu có thuế nhập khẩu 0% sẽ bị áp thuế 25%, hàng có thuế 5% thì sẽ tăng lên thành 30%. Ngày 15/6, Mỹ đã công bố danh mục các hàng hóa chính thức bị áp thêm thuế từ 6/7, với giá trị hàng hoá bị áp thuế ước tính là 34 tỷ USD.

Danh mục hàng hóa bị áp thuế từ 6/7 được Mỹ lựa chọn dựa trên tiêu chí không gây đổ vỡ trong nguồn cung hàng hoá, hoặc việc tăng thuế không bị ràng buộc đáng kể về quy trình.

Trong đợt này, danh sách hàng hoá mà Mỹ công bố, đa phần là hàng hoá thuộc nhóm công nghệ cao. Một nguyên nhân được cho là nhằm phản ứng lại những chính sách về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trong Chiến lược "Made in China 2025".

Cần lưu ý, quyết định trên của Mỹ mới chỉ dựa trên đánh giá đầu tiên về chính sách, hoạt động chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Khả năng bổ sung các mặt hàng khác để áp thêm thuế còn hiện hữu. Hành động, đối sách, của Mỹ cũng tuỳ thuộc rất nhiều vào động thái của Trung Quốc.

Nói như vậy có vẻ như cuộc chiến này sẽ được gói gọn trong trong 2 nước và có thể ảnh hưởng ít đến các nền kinh tế khác? 

Trước mắt, quyết định của Mỹ sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và chính người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân là bởi nhiều mặt hàng bị đánh thuế đợt này còn tương đối đặc thù, chưa có thay thế đáng kể trong thời gian ngắn từ các thị trường khác.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không nhượng bộ, áp dụng các biện pháp trả đũa với Mỹ thì phạm vi hàng hóa bị ảnh hưởng có thể sẽ lớn hơn. Khi ấy, các nước thứ ba cũng gặp khó khăn bởi bất định trong chính sách thương mại ở hai thị trường này.

Liệu chiến tranh thương mại có thực sự diễn ra hay chỉ là "đòn gió"?

Mỹ có thể sẽ dừng và cân nhắc nếu Trung Quốc có động thái tích cực, đặc biệt là trong đàm phán thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa, Mỹ có thể bổ sung nhiều mặt hàng mới.

Cần lưu ý rằng quyết định áp thêm thuế từ 6/7 mới chỉ dựa trên điều tra của Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ. Không loại trừ các vấn đề khác có thể được Mỹ xem xét thêm như môi trường, tỷ giá...

Theo tôi, nhiều khả năng hai nước sẽ cân nhắc và có được một kết quả đàm phán làm dịu đi những căng thẳng đang diễn ra trong năm 2018. Điều này càng quan trọng hơn với Mỹ trong bối cảnh thời điểm bầu cử giữa kỳ đang đến gần.

Nếu cuộc chiến thực sự nổ ra, chưa tính đến tác động bên ngoài, bản thân hai nền kinh tế lớn này đều chịu thiệt hại. Nhìn từ thâm hụt thương mại song phương, Mỹ có lý do để yêu cầu Trung Quốc xuất khẩu ít hơn hoặc nhập khẩu nhiều hơn hoặc cả đôi. Nhưng ngay tư duy này cũng có phần gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ.

Kết quả đàm phán thương mại giữa hai nước, nếu có, có thể có lợi nhiều hơn cho Mỹ trong ngắn hạn. Dù vậy, con đường đi đến kết quả này còn không ít bất định, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (hơn 375,5 tỷ USD trong năm 2017 và hơn 119,0 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018).

Tác động đối với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung 

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường! - Ảnh 2.
 

Như đã phân tích ở trên, dù căng thẳng trước mặt chủ yếu đối với Mỹ - Trung Quốc, nhưng nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hai nước này cũng là đối tác làm ăn lớn của Việt Nam, những rủi ro có thể xảy đến là gì? 

Trong ngắn hạn, tác động trực tiếp với Việt Nam là chưa nhiều, nhưng tác động gián tiếp khá khó lường.

Đơn cử như ảnh hưởng đến dòng vốn của các nhà đầu tư. Thị trường tài chính thế giới sau những tuyên bố của Mỹ - Trung Quốc ít nhiều đã có biến động. Các nhà đầu tư đôi khi phản ứng quá nhanh và quá mức khiến các quyết định đầu tư của họ bị ảnh hưởng. Trong khi ấy, thế giới lại đang chứng kiến xu hướng rút vốn khỏi những thị trường đang phát triển và mới nổi, đặt ra áp lực đối với thị trường các nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng ngược lại, một số nhà đầu tư có thể chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nếu ta có thể nắm lấy cơ hội.

Về dài hạn, khác với Trung Quốc, Việt Nam có quy mô kinh tế còn tương đối nhỏ. Việt Nam chưa phải là đối tượng để Mỹ đưa ra những hành động trực tiếp. Tuy nhiên, các cơ chế hiện nay như áp thuế chống bán phá giá và một số biện pháp phòng vệ thương mại khác cũng đủ khiến Việt Nam "đau đầu". Nguyên nhân một phần là do chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường! - Ảnh 3.
 

Những hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thêm thuế từ 6/7 cũng khó có thể đẩy sang Việt Nam để lách thuế hoặc tiêu thụ, do là hàng công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng như thép, dầu thô,... thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.

Do khó khăn trong quan hệ thương mại với Mỹ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ chủ động hạn chế nhập khẩu từ các nước thứ ba. Yêu cầu chất lượng cao hơn của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam - trong thời gian gần đây – có một phần từ tư duy ấy.

Việt Nam cũng đang cân nhắc chính sách để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài học từ đợt áp thuế mới đây của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cần được cân nhắc thấu đáo khi thiết kế các chính sách chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ.

Để đối mặt với những biến cố bất định này, những chính sách nào cần được đặt ra? 

Thứ nhất, cần tiếp xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của Trung Quốc, Mỹ.

Thứ hai, nên rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Thứ ba, không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Lựa chọn dự án FDI phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam là cần thiết, song cần tránh nhìn nhận một chiều, kỳ thị quá mức đối với FDI.

Các đời Tổng thống Mỹ trước đây mới chỉ dừng lại ở việc tiếp thị hàng hoá, nhưng ông Donald Trump còn gây sức ép để "ép" đối tác mua hàng của mình. Đây cũng là bài học quan trọng mà chúng ta cần xem xét để điều chỉnh chính sách thương mại, nhằm ứng xử có lợi hơn trong bối cảnh hiện nay.

Cảm ơn ông!  

Theo Phương Ánh (Thực hiện) Đồ họa: Hương Xuân

Trí thức trẻ

전략적 파트너십