Bùi Yến Ngọc

Bùi Yến Ngọc

Chiều nay, 12/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, diễn giả của Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

 

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế cùng 15 diễn giả quốc tế tiêu biểu.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Nhận thức rõ hơn về CMCN 4.0 và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng ấy là vấn đề rất lớn hiện nay", Thủ tướng mở đầu cuộc làm việc. "Điều quan trọng là không chỉ nhận thức mà biện pháp nào để Việt Nam có thể thành công trong cuộc cách mạng đó".

Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những nội dung cốt lõi của CMCN 4.0 để từ đó "chúng ta hiểu đầy đủ bản chất của CMCN 4.0, những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Việt Nam đối diện và những chủ trương, chính sách để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0.

Đại diện các tập đoàn cho biết, đã và đang tiếp tục áp dụng những thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đây cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của mình thời gian qua. Trên thế giới, năm 2008, Tốp 10 công ty hàng đầu thế giới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực về tài nguyên thiên nhiên như khai thác dầu mỏ thì năm 2017, đa phần trong Tốp 10 này là công ty về đổi mới sáng tạo. Thông tin này được đại biểu dẫn chứng để cho thấy vai trò, sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp.

Hoan nghênh một số chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực khoa học công nghệ, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực.

Có ý kiến cho rằng, rủi ro lớn trong CMCN 4.0 là rủi ro về nhân lực, do đó, cần có chính sách tạo nguồn nhân lực 4.0 và trước hết, cần thay đổi công nghệ đào tạo để nhiều người có thể học tập. Và trong nguồn nhân lực thì nhân lực thuộc diện "hot nhất" là nhân lực về trí tuệ nhân tạo khi mà trên toàn cầu hiện nay, mới có khoảng 10.000 chuyên gia về lĩnh vực này. Trong khi đó, các trường tại Việt Nam rất ít đào tạo về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các đại biểu cho rằng, cần đưa chương trình giảng dạy về lĩnh vực này vào các trường đại học và cả ở tiểu học.

Điều quan trọng, theo ý kiến đại biểu, để áp dụng CMCN 4.0 thì cần tạo ra sự khác biệt.

Thủ tướng gặp mặt các doanh nghiệp, diễn giả của Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhất trí với ý kiến này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, năm nay, Đảng sẽ ban hành nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, chủ động, tích cực trong cuộc CMCN 4.0, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng các chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách, tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với "môi trường 4.0".

Đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn về "những lời nói chân thành, lời khuyên, nhất là những giải pháp mà các bạn dành cho Chính phủ Việt Nam".

Nhấn mạnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA, với độ mở nền kinh tế rất cao (tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP), Thủ tướng cho rằng CMCN 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Việt Nam đã bước đầu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy. Phần lớn người dân Việt Nam đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

"Quý vị có lời khuyên và chúng tôi tiếp thu ý này, là Chính phủ Việt Nam tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…", Thủ tướng nói. "Đến giờ phút này, hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế".

Thủ tướng gặp mặt các doanh nghiệp, diễn giả của Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thông tin về xếp hạng mới nhất về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng thêm 2 bậc trong năm 2018, xếp thứ 45/126 nền kinh tế, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn nhiều yếu kém, bất cập, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, đòi hỏi phương án triển khai nhanh, quyết liệt hơn.

"Tôi đồng ý với ý kiến một số vị đã nêu, chúng ta phải tìm sự khác biệt để nâng cao tốc độ áp dụng cuộc cách mạng này, đặc biệt là giới khoa học công nghệ, giới doanh nghiệp để tiến bước với các nước hàng đầu khu vực ASEAN", Thủ tướng nói.

Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội mới để phát triển, đồng thời nảy sinh thách thức không nhỏ đối với quốc gia, doanh nghiệp, mỗi cá nhân. Trước sự phát triển vũ bão ấy, không những Nhà nước, doanh nghiệp mà người dân cần có nhận thức tốt hơn để áp dụng kịp thời những tiến bộ kỹ thuật, từ Chính phủ điện tử, đến thành phố thông minh mà như nhiều đại biểu đã nêu, là đào tạo nguồn nhân lực. "Vì vậy, áp dụng, ứng phó, ngăn chặn tác động tiêu cực để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, là vấn đề chúng tôi suy nghĩ, đặt ra và cũng mong các chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiến bước trong CMCN 4.0".

Theo chương trình, ngày mai, 13/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự, chủ trì phiên Diễn đàn cấp cao về CMCN 4.0, dự kiến sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về CMCN 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các bộ trưởng trả lời những vướng mắc được doanh nghiệp nêu ra.

Sau khi thị trường BĐS Đà Nẵng xuất hiện bong bóng trong quý 1/2018, bước sang quý 2 thị trường ghi nhận làn sóng tháo chạy của giới đầu cơ.

 
 

Theo báo cáo thị trường BĐS 6 tháng đầu năm của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường BĐS Đà Nẵng những tháng đầu năm 2018 trầm lắng, nhất là với phân khúc nhà ở chung cư do không có nguồn cung với loại hình này ra thị trường. Có nhiều dự án được phê duyệt nhưng không được triển khai do gặp vấn đề pháp lý, chính quyền không tháo gỡ được tạo hiện tượng khan hiếm hàng hóa trên thị trường.

Các dự án quý I được bán chạy thì đến nay do thiếu nguồn hàng, bị môi giới đẩy giá ảo, xuất hiện bong bóng. Khi bắt đầu có các chính sách thắt chặt về mặt pháp lý, làm cho giới đầu cơ tháo chạy, khiến khối lượng giao dịch, mua bán giảm dần.

Không có dự án phát triển nhà ở nào mới được tung ra bán trong suốt 6 tháng đầu năm 2018 (kể cả đất nền và căn hộ chung cư). Trong quý I – 2018, do hiện tượng sốt đất ảo xuất hiện, các nhà đầu tư nhảy vào mua đi bán lại đẩy giá lên cao (Báo cáo quý I – 2018 đã nêu). Trong quý II – 2018, hiện tượng này đã giảm rõ rệt. Nhưng giá BĐS thì hầu như vẫn đứng yên, không sụt giảm.

Giá đất tại khu vực ven biển dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp, mặt đường được xác định khoảng 300 triệu đồng/m2 (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017), nhưng không có giao dịch nào xuất hiện. Các trục đường lớn lớp trong có mức giá khoảng 200 triệu đồng/m2 và các đường nhỏ từ trên 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Chủ yếu là mua đi bán lại và giao dịch không nhiều.

Đất dự án đô thị tại một số quận ven đô có giá giao dịch bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/m2, tăng so với cùng kỳ 2017 khoảng trên 30%. Đánh giá đây là mức giá phù hợp trong điều kiện thành phố Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, và tăng trưởng kinh tế của thành phố này ở mức cao vào ổn định.

Sản phẩm căn hộ chung cư thương mại tại thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm có nguồn cung khoảng 800 căn. Trong đó, sản phẩm cao cấp từ dự án Rise Marine có trên 300 căn, với giá bán từ 40 triệu – 70 triệu đồng/m2. Dự án trung cấp Monarchy (giai đoạn 2) cung cấp 400 căn có giá cho 3 đợt bán trong năm bình quân ở mức 32 triệu đồng/m2. Dự án hạng sang Bạch Đằng Complex có giá bán 80 triệu đồng/m2 và một số dự án khác. Tính hấp thụ của các dự án này đều đạt 80% trong 6 tháng đầu năm 2018.

Các chủ đầu tư dự án vẫn kỳ vọng vào thị trường nên vẫn có các dự án mới chuẩn bị đầu tư. Nhiều dự án bị đắp chiếu lâu do pháp lý hoặc do năng lực của chủ đầu tư yếu kém sau thời gian ngừng triển khai, xuất hiện "làn sóng" đầu tư mới thông qua thay đổi chủ đầu tư. Việc Đà Nẵng vừa thông qua điều chỉnh quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho một số dự án sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư mới triển khai đầu tư xây dựng để xóa dự án "treo" tồn tại nhiều năm nay ở trung tâm thành phố.

Theo Trí thức trẻ

"Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phù hợp với vùng, với sản phẩm của từng vùng thì mới hiệu quả. Còn không sẽ tốn kém và lãng phí."

Ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp: “Việt Nam cần đi ngay, đi nhanh, đi chính xác”
"Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phù hợp với vùng, với sản phẩm của từng vùng thì mới hiệu quả. Còn không sẽ tốn kém và lãng phí."
 

Đó là nhận định của TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại hội thảo chuyên đề "Nông nghiệp thông minh" diễn ra chiều 12/07 tại Hà Nội.

"2 năm qua, 60 hội thảo liên quan đến công nghệ thông minh đã được tổ chức, là chúng ta đã đi ngay," TS. Phạm S nói. Nhưng theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đi nhanh và đi chính xác còn là vấn đề nan giải với nông nghiệp Việt Nam. 

"Đất nước ta hiện có 11 triệu hecta đất nông nghiệp nhưng ứng dụng về nông nghiệp thông minh rất hạn chế. Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phù hợp với vùng, với sản phẩm của từng vùng thì mới hiệu quả. Còn không sẽ tốn kém và lãng phí." TS nhận định.

Ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp: “Việt Nam cần đi ngay, đi nhanh, đi chính xác” - Ảnh 1.

TS Phạm S

Làm sao để đi nhanh và đi chính xác? Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra 6 khuyến nghị để phát triển nông nghiệp thông minh trong giai đoạn tới.

Một là, giao cho Bộ Thông tin Truyền thông nghiên cứu mô hình quản lý mới. 

Hai là, "chúng ta đi từ 1.0 lên thẳng 4.0 nên hạ tầng công nghệ thông minh của chúng ta hầu như hạn chế," TS nói. TS. Phạm S khuyến nghị cần đầu tư nguồn lực cho công nghệ thông minh.

Ba là, xây dựng đề án về phát triển nông nghiệp thông minh. Theo TS. Phạm S, Việt Nam vẫn chưa có đề án về phát triển nông nghiệp thông minh.

Bốn là, các trường đại học cần thay đổi về đào tạo nguồn lực để phù hợp với nhu cầu mới. "Vai trò của các trường đại học rất lớn," TS nhận định.

Năm là, nghiên cứu đi thẳng vào phần mềm phần cứng để sản xuất ra các thiết bị công nghệ 4.0 phục vụ nông nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho hay hiện nay các thiết bị 4.0 như IoT phải nhập từ Nhật, Mỹ với chi phí đắt. Vì vậy cần đặt hàng các viện nghiên cứu trong nước phát triển công nghệ này.

Sáu là, các tỉnh muốn phát triển nông nghiệp thông minh thì phải đào tạo toàn diện từ cấp quản lý, các doanh nghiệp và người nông dân. "Nếu cán bộ quản lý không biết hay người nông dân không biết thì cuối cùng sẽ không tiếp cận được công nghệ, dẫn đến lãng phí trong giai đoạn mới," TS cho hay.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, biến đổi khí hậu nếu chúng ta không có công nghệ, không có giải pháp đồng bộ thì sản xuất nông nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam không thể bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo "Nông nghiệp thông minh" diễn ra chiều 12/07 nằm trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit - diễn đàn cấp cao với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" diễn ra ngày 12 - 13/07 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức bởi Ban Kinh tế Trung ương, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đại biểu, lãnh đao cấp cao các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Quỳnh

Theo Trí Thức Trẻ

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, hiện giới đầu cơ không còn mặn mà với BĐS Hà Nội.

Giới đầu cơ bất động sản không mặn mà, ôm tiền rời Hà Nội
 
 

Giới đầu cơ không còn mặn mà BĐS Hà Nội

Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng căn hộ chung cư ở Hà Nội được mở bán là hơn 15.000 căn, trong đó nguồn cung ở phân khúc chung cư có mức giá bình dân vẫn chiếm đa số với 43,8% và lượng hấp thụ ở phân khúc này vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất.

Cũng theo báo cáo của đơn vị này, trong quý II/2018 đã có hơn 6.700 căn hộ chung cư giao dịch ở Hà Nội. Số lượng giao dịch vẫn tăng so với cùng kỳ 2017 nhưng theo đơn vị nghiên cứu, chủ yếu người mua là để ở thực sự.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (thuộc Hiệp hội BĐS) cho biết, tại Hà Nội, các hoạt động mua đi bán lại nhộn nhịp, sôi động của các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ đã hiếm dần. Lý do là giá cả BĐS ở đây gần như không tăng trưởng cao như vài năm trước, thậm chí, có nhiều dự án còn giảm giá bán bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thay vào đó, giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến thị trường mới nổi ở các tỉnh, nơi giá bất động sản đang thấp, có khả năng tăng để sinh lời. Với những phân tích này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới cho rằng, giới đầu cơ không còn mặn mà với BĐS Hà Nội.

 Giới đầu cơ bất động sản không mặn mà, ôm tiền rời Hà Nội - Ảnh 1.
 

Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng giới đầu cơ không còn mặn mà với BĐS Hà Nội và trên thực tế lượng căn hộ chung cư giao dịch trầm lắng.

Nhà liền kề và nhà phố cũng ế ẩm

Theo đánh giá của Hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường chung cư Hà Nội dần có sự phân bổ hợp lý. Gần 60% nguồn cung đến nay là căn hộ có giá bình dân trong khi loại căn hộ siêu cao cấp (có giá bán trên 50 triệu đồng mỗi m2) chỉ chiếm trên 1% tổng cung.

Cũng trong quý II, số nhà liền kề và nhà phố có giá trị từ 6-7 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng được chào bán hơn 1.600 căn. Tuy nhiên, theo Hội Môi giới, loại sản phẩm này chỉ thích hợp với số ít khách hàng, khó tiêu thụ nên cũng không phù hợp với giới đầu tư. Lượng giao dịch đạt khoảng 130 sản phẩm và tính hấp thụ chỉ khoảng 8%.

 

Còn trong báo cáo tổng quan thị trường BĐS Hà Nội quý II/2018 của Công ty Savills Việt Nam mới đây, đại diện đơn vị này cho biết, ngược với những phân khúc đang chững lại trong thời gian vừa qua, nguồn cung thị trường nhà ở đang tăng vọt với các chỉ số tốt.

Tỷ lệ hấp thụ cho căn hộ để bán đang đạt 27%. Lượng căn bán được trong quý II tăng hơn so với quý trước là 7.500 căn tương đương với 31%. Tuy nhiên thị trường đang bán chậm, lượng tồn đọng đang còn nhiều.

Trong các phân khúc BĐS của Hà Nội hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, trước lo ngại về an toàn PCCC, tranh chấp quỹ bảo trì, Ban quản trị..., cũng là một trong những yếu tố đang đẩy thị trường căn hộ chung cư giao dịch trầm lắng.

Theo Đình Phong

Tiền Phong

Việt Nam cũng lọt nhóm 10 thị trường giảm điểm mạnh nhất so với mốc đầu năm 2018.

Từ đỉnh cao, chứng khoán Việt Nam là thị trường giảm điểm mạnh nhất
 
 

Dữ liệu trang IndexQ ghi nhận, tính đến phiên 12/7, VN-Index đã mất 25,84% từ đỉnh hồi tháng 4. Qua đó, Việt Nam trở thành thị trường đứng đầu thế giới về mức giảm điểm từ đỉnh trong năm nay.

Hôm nay, VN-Index tăng 0,6% dừng ở mức 898,51 điểm, sau khi mất gần 2% giá trị trong phiên trước, do phản ứng tiêu cực từ tin áp thuế 200 tỷ USD đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, thị trường Việt Nam cũng chịu những tác động tiêu cực từ diễn biến kém khả quan của chứng khoán quốc tế cùng những lo ngại về thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến USD mạnh lên tiếp tục tạo nên những hiệu ứng tiêu cực cho nhà đầu tư.

Sau khi FED nâng lãi suất, tiêu chuẩn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ được nâng lên, theo trang tin Bloomberg.

Xếp sau Việt Nam trong danh sách là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ rơi gần 24,5% từ đỉnh và Argentina mất 22,46% giá trị.

Từ đỉnh cao, chứng khoán Việt Nam là thị trường giảm điểm mạnh nhất - Ảnh 1.
 

Với diễn biến phiên 11 và 12/7, chứng khoán Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường giảm điểm mạnh nhất từ đầu năm 2018, khi mất 9,25% giá trị.

Dẫn đầu top 10 là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ giảm 20,85%. Nhóm này cũng góp mặt 3 chỉ số của Trung Quốc là Shenzen giảm 18,27%, Shang Hai mất 16% và Chinext mất 10,82%.

Theo Lê Hải

NDH

週四, 12 七月 2018

Ngân hàng lại thừa tiền?

Trong khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn đều đều tăng nhanh thì cho vay ra lại đang có dấu hiệu chậm hơn.

Ngân hàng lại thừa tiền?
 
 

Vừa công bố dữ liệu 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, vốn huy động của hệ thống TCTD đang tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 6,8%.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%). Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực nông lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định. Dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.

Theo khảo sát của Vụ thống kê dự báo NHNN, các TCTD cho biết, quý II/2018 nhu cầu vay vốn được nhận định là cao nhất (51,1% TCTD lựa chọn mức "cao"), tiếp đến là nhu cầu tiền gửi (36,9% TCTD lựa chọn mức "cao") và nhu cầu thanh toán và thẻ (35,4% TCTD lựa chọn mức "cao").

Nghịch lý là dù tiền gửi chảy vào ngân hàng dồi dào, nhu cầu vay vốn cao nhưng cho vay đầu ra lại tăng chậm. Nguyên nhân một phần có thể do các ngân hàng siết chặt hơn trong cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và giao thông trong thời gian vừa qua. Trong 3 tháng trở lại đây, lãi suất kỳ hạn dài cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã lên đến 12,5%/năm, tăng khoảng 2%/năm so với trước đây. Đồng thời, nhiều ngân hàng có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị. Quý 1/2018, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 3,65% trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt tới 7,34%.

Ngoài ra, khả năng "sức khỏe" của các doanh nghiệp chưa được cải thiện, các ngân hàng cũng ngày càng cẩn trọng hơn trong việc thẩm định, giải ngân khiến số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ nhà băng không nhiều dù nhu cầu vẫn cao.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong khi huy động vốn tăng nhanh, cộng thêm việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 210 nghìn tỷ đồng từ đầu năm nên thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối dồi dào trong nửa đầu năm nay.

Trên thực tế, không nhìn vào con số thống kê, cảm quan cũng nhận ra được các ngân hàng đang khá "thừa tiền" khi từ đầu tháng 3 đến nay không đua nhau dùng "chiêu" để thu hút người gửi tiền bằng các chương trình cộng lãi suất hay khuyến mãi rầm rộ; thay vào đó hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

Mặc dù thanh khoản đang rất dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã xuống mức rất thấp, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng khả năng giảm lãi suất cho vay trên thị trường 1 cũng vẫn khó. Các chuyên gia của BVSC cho rằng trong nửa cuối năm, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 có thể sẽ chậm lại trong khi tăng trưởng tín dụng có thể sẽ nhanh hơn nhưng về cơ bản, mức tăng trưởng của cả M2 và tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1-2% so với năm 2017. Theo đó, lãi suất VND (huy động và cho vay) sẽ khó có điều kiện giảm, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VND, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.

Thanh khoản dư thừa sẽ tạo thuận lợi cho nhà băng trong việc chủ động điều tiết nguồn tiền. Tuy nhiên, điều này cũng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng khi chi phí đầu vào cao nhưng thu nhập lãi từ cho vay thấp.

 

Tình trạng ngân hàng dư thừa vốn có thể chỉ mang tính chất ngắn hạn, nhất là trong thời gian đầu năm, tín dụng thường chưa bứt phá nhanh. Khảo sát của Vụ thống kê dự báo NHNN cũng cho biết các TCTD kỳ vọng trong quý III tới đây, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng 5,99% (cao gấp 2 lần mức tăng thực tế của cùng kỳ năm 2017). Nhiều ngân hàng cho biết sắp sử dụng hết "room" tín dụng và đang xin NHNN cho phép nới thêm.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, lạm phát tháng 6 tăng nhanh nhất trong 7 năm trở lại đây, việc đẩy tín dụng tăng quá mạnh trong thời gian nửa cuối năm có thể ảnh hưởng không tốt tới chỉ số CPI. Hơn nữa, năm 2018 NHNN cho biết sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, dự kiến chỉ tăng 17%, thấp hơn mức đạt được năm 2017 là 18,2%.

Theo Hải Vân

Trí Thức Trẻ

Bất động sản ven hồ Tây: Gía đắt hay vô giá

Đường ven Hồ Tây viền qua những địa danh cổ có tên gọi Nhật Chiêu, Vệ Hồ, Ven Hồ, Trích Sài, Võng Thị… là những con đường lãng mạn nhất Hà Nội và đây cũng là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Vì thế giá bất động sản khu vực này luôn đắt đỏ nhất đất nước, nhưng đối với nhiều người được sở hữu nhà đất Hồ Tây thực sự là cơ hội vô giá.

 

Vì sao vô giá?

Với diện tích bề mặt lên tới 500 ha, hồ Tây đứng đầu bảng trong số các hồ ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội về cảnh đẹp. Đó là lá phổi khổng lồ điều hòa không khí trong lành và thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú không ở đâu có.

Những năm vừa qua, thị trường bất động sản suy thoái nhưng giá đất tại khu vực quanh mặt nước Hồ Tây vẫn giữ giá bán ở mức cao. Giá đất khu vực Hồ Tây trung bình khoảng 250 - 400 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Các khu vực quanh Phủ Tây Hồ, quanh Quận uỷ Tây Hồ, vườn đào gần đường Lạc Long Quân và Phú Thượng luôn được nhiều người mua quan tâm.

Bất động sản ven hồ Tây: Gía đắt hay vô giá - Ảnh 1.

Bất động sản Hồ Tây ngày càng đắt giá

Khu đất vàng Hồ Tây cũng có giá cho thuê cao ngất ngưởng từ 30 - 40 USD/m2, ngay cả khi thị trường mua bán khá trầm lắng thì thị trường cho thuê vẫn khá sôi động.

Ngoài yếu tố phong thủy, theo các chuyên gia bất động sản, chính sự ưu đãi của thiên nhiên, cảnh quan, môi trường đã khiến đất Hồ Tây có vị trí đặc biệt và “có giá” như vậy. Người nước ngoài khi đến sống và làm việc tại Việt Nam rất thích chọn các phố ven Hồ Tây để đặt văn phòng làm việc và để ở. Vì thế khu vực Tây Hồ dần hình thành một cộng đồng người nước ngoài sinh sống, trong đó có nhân viên cao cấp của Chính phủ các nước, lãnh đạo của các công ty đa quốc gia.

Còn cơ hội nào sở hữu nhà Hồ Tây?

Bên cạnh lợi thế tự nhiên, chủ trương mới trong việc quy hoạch – bảo tồn cảnh quan khu vực nội đô đã giúp cho những dự án ven hồ vốn đã lợi thế nay càng được nâng cao giá trị.

Quy hoạch phân khu đô thị khu vực xung quanh Hồ Tây được phân bổ như sau: Vùng 1, mật độ xây dựng tối đa 30 -35%, cao 1 - 3 tầng; Vùng 2: mật độ xây dựng tối đa 35 - 45%, cao 1 - 5 tầng. Với vùng 3, kiểm soát đặc biệt, không gian bán đảo Hồ Tây, cho phép xây dựng công trình cao tầng, 2 bên trục không gian, thấp dần về phía hồ.

Quy hoạch sẽ định hướng phát triển không gian hồ Tây, hạn chế các công trình tự phát không hợp cảnh quan để bảo tồn giá trị tự nhiên của vùng đất này. Một trong những công trình đáng chú ý nhất trong khu vực Hồ Tây hiện nay là Dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Vị trí tự nhiên của dự án nằm sát khu vực lõi bán đảo Hồ Tây, khu đất dự án trên nằm ngã ba tuyến phố Xuân Diệu - Đặng Thai Mai, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án là công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ và căn hộ chung cư trên khu đất gần 10.000m2.

Bất động sản ven hồ Tây: Gía đắt hay vô giá - Ảnh 2.

D’. Le Roi Soleil tọa lạc tại 59 Xuân Diệu, Tây Hồ

Kế thừa những tinh hoa và uy tín vốn có, D’. Le Roi Soleil - Quảng An được thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu - Tân Cổ điển với những họa tiết, tượng phù điêu được chạm trổ cầu kỳ nhưng vẫn mang nét hiện đại, sang trọng và tinh tế. Trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của khu đất dự án, những kiến trúc sư tài hoa đã thiết kế nên tổ hợp tòa tháp đôi hoành tráng và hiện đại, nhờ đó làm tăng tối đa diện tích tiếp xúc với thiên nhiên.

Chủ đầu tư Tân Hoàng Minh cho biết, D’. Le Roi Soleil - Quảng An dự kiến sẽ được bàn giao và đi vào hoạt động vào quý III/2018. Thông tin này đang thu hút sự chú ý đặc biệt trên thị trường bất động sản, tương lai không xa khách hàng sẽ được sống tại 1 công trình đẳng cấp trên vùng đất đắt giá bậc nhất Hà Thành

A.D

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017, theo thông tin từ Hiệp hội BĐS TP HCM HoREA.

 

Những con số về thị trường BĐS Việt Nam trong vài năm nay

HoREA cho biết, thị trường bất động sản thành phố, sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng, đã phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay. 

Thị trường bất động sản có mối quan hệ mật thiết với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, và tình hình tăng trưởng GDP của cả nước và tăng trưởng GRDP của thành phố. 

Năm 2015, thị trường bất động sản đã đạt mức tăng trưởng cao; năm 2016 có sự sụt giảm nhẹ; năm 2017 thị trường bất động sản tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước theo số liệu của Tổng cục thống kê (Nhưng theo đánh giá của Ngân hàng HSBC thì lĩnh vực bất động sản có mức đóng góp 5% trong GDP, tương đương 0,34% trong mức tăng GDP 6,81% năm 2017), và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư để có sự tập trung phát triển mạnh hơn phân khúc nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng. 

Phân khúc nhà ở trung cấp và nhà ở bình dân chiếm tỷ trọng khoảng 60-70% thị trường, là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản thành phố, có tính thanh khoản cao nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. 

Tuy nhiên, thị trường bất động sản TPHCM trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017, như sau: 

(1) Tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017; 

(2) Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017, trong đó: 

(i) Phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 41,8% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,3%); 

(ii) Phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với 5.136 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 37,7% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,1%); 

(iii) Phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 37,6%). 

 

HoREA: Thị trường bất động sản TP HCM nửa đầu 2018 sụt giảm ở tất cả các phân khúc so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh 1.

Các nguồn vốn cho BĐS

Nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản thành phố đã tăng từ năm 2015 đến nay, như: Năm 2015, đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ; Năm 2016, đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ; Năm 2017, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ; Hơn 05 tháng đầu năm 2018, đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước). 

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một trong những thước đo kết quả hội nhập của nền kinh tế, của thị trường bất động sản nước ta, có xu thế tăng dần trong những năm gần đây, trong đó, thị trường bất động sản thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI, đồng thời, bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng bất động sản. 

Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát... Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Thành phố đã có gần 16.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 186.000 tỷ đồng, tăng 6,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm hơn 4% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 3.385 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh bất động sản, chiếm 20,5%.

Theo HoREA, dự báo 6 tháng cuối năm 2018, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Intellinet Consulting - một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ đã bị mua lại bởi 1 công ty Việt Nam.

CTCP FPT vừa chính thức mua lại 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Cấu trúc giá trị thương vụ M&A này khá linh hoạt, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết. Theo đó, FPT thanh toán 30 triệu USD tại thời điểm hiện tại, và một phần dựa vào kết quả kinh doanh trong 3 năm tới.

Tức tuỳ mức đáp ứng KPI của Intellinet trong 3 năm tới mà tổng giá trị thương vụ có thể ở mức 30 triệu USD, 40 triệu USD, hoặc 50 triệu USD.

Intellinet có trụ sở chính tại Atlanta (Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn, trong đó có 17 khách hàng trong danh sách Fortune 500.

FPT kỳ vọng khá cao vào thương vụ này. Một mặt, việc mua lại Intellinet giúp FPT trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Mặt khác, FPT và Intellinet có thể cộng hưởng tệp khách hàng do tệp khách hàng của 2 bên gần như không trùng nhau. Tức là, Intellinet có thể cung cấp dịch vụ tư vấn cho các tệp khách hàng sẵn có của FPT, còn FPT có thể triển khai tiếp sau các gói tư vấn của Intellinet.

Doanh thu lĩnh vực chuyển đổi số của tập đoàn FPT tăng trưởng ở mức 50%/năm. Với thương vụ này, ông Phương cho rằng FPT có thể tăng trưởng gấp rưỡi hoặc gấp đôi mức này.

Tính riêng thị trường Mỹ sau M&A, doanh số của FPT được kỳ vọng sẽ tăng từ 65 triệu USD lên 100 triệu USD trong vòng 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019). Biên lợi nhuận ròng cũng kỳ vọng nâng từ 17% lên mức 20%.

Nhận định về thương vụ này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: "Ngày xưa Việt Nam làm dịch vụ công nghệ thông tin ở tầng giá trị thấp. Qua 20 năm, cả ngành CNTT của Việt Nam lớn lên, FPT cũng lớn lên, giờ chúng ta làm được cả dịch vụ chuyển đổi số cho thế giới".

"Đến thời điểm này, FPT là có thể hoàn tất lên đến nóc của dịch vụ CNTT. Giờ chúng tôi sẵn sàng cung cấp các giải pháp tổng thể về chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới".

Intellinet được thành lập từ năm 1993. Với doanh thu 30 triệu USD năm 2017, doanh nghiệp này được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (dựa trên tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2013-2016 ở mức 25%/năm).

Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô….

Xuất khẩu phần mềm là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong nhiều năm qua, doanh thu từ mảng hoạt động này của FPT luôn tăng trưởng trung bình trên 30%/năm và dự kiến sẽ đóng góp 50% vào tổng doanh thu của tập đoàn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, doanh thu mảng XKPM của FPT đạt 2.869 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn.

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

週五, 06 七月 2018

4.0 sau cánh cửa nhà máy

Không ồn ào như các cuộc bàn luận về lý thuyết, công nghiệp 4.0 đang chuyển động âm thầm sau cánh cửa các nhà máy cơ khí Việt Nam.

Nhiều người trong giới cơ khí biết đến ông Nguyễn Lưu Dũng. Là giám đốc của Vinamachines, chuyên phân phối máy cơ khí chính xác ở Việt Nam, nhưng danh thiếp của ông chỉ ghi đơn giản 'Technical Advisor', tức 'Cố vấn kỹ thuật'. "Công ty tôi ai cũng là người đi bán máy như nhau cả", ông bảo.

Ít phô trương, khá kín tiếng là điểm mà Dũng không giống với nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí. Khi 'cơn lốc' chủ đề 4.0 quét qua hàng loạt diễn đàn, hội thảo lớn nhỏ thời gian qua, không ít người thắc mắc các doanh nghiệp này quan tâm ra sao? Phía sau cánh cửa nhà máy, 4.0 đã đến chưa, với các robot, máy in 3D?

"Tôi vừa giao cho một đơn vị sản xuất thang máy hai dàn máy giá 20 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, dùng để gia công tấm kim loại công nghệ 4.0. Với tổ hợp này, việc gia công các tấm thang máy inox ngày xưa mất 8 giờ thì nay chỉ còn một giờ", ông Dũng tiết lộ giải pháp đã nâng công suất từ 300 lên 600-800 thang máy mỗi tháng cho công ty khách hàng.

 

Công nhân điều khiển máy cắt bằng tia nước tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM). Ảnh: Viễn Thông

Công nhân điều khiển máy cắt bằng tia nước tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM). Ảnh: Viễn Thông

Trong ngành cơ khí, những máy móc hiện đại hàng đầu không phải không có. Máy cắt nước, vốn có ưu điểm hơn máy cắt laser vì cắt được mọi vật liệu mà không làm chúng biến dạng, là ví dụ.

Thế hệ cao cấp hàng đầu hiện là máy cắt bằng tia nước đa trục 3D của Mỹ với giá 500.000 - 700.000 USD, đã xuất hiện trong một doanh nghiệp. Khoảng 50 công ty tại Việt Nam sở hữu thế hệ thấp hơn chút, với giá tầm 200.000 - 400.000 USD mỗi máy. Trong đó, tầm 200.000 USD là xuất xứ Đài Loan, đắt hơn được sản xuất trong khối G7.

Tuy nhiên, những thông tin đầu tư máy móc thường không được các doanh nghiệp chia sẻ vì lý do cạnh tranh. Gần đây, VinFast công bố sẽ tự động hóa hoàn toàn nhà máy ôtô. Nhưng làm được và chia sẻ được như ông lớn này chỉ là thiểu số. Ở đa số còn lại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành sản xuất chế tạo Việt Nam làm khá lặng lẽ, bởi nhiều lý do.

Đầu tiên, 4.0 không phải cuộc chạy đua để đánh bóng tên tuổi. Một số doanh nghiệp cho biết họ chỉ đầu tư khi thật sự có đơn hàng phù hợp, chứ không 'lên đời' mọi giá để lãng phí vốn và công nghệ.

Anh Thăng Long là trưởng phòng kỹ thuật một nhà máy gia công mô tơ cho Toshiba ở Trảng Bom, Đồng Nai - nhà máy sở hữu hai máy tiện và một máy phay. Máy tiện tại đây là loại máy 4 trục.

"So với nước ngoài thì dòng 4 trục không mới. Tuy nhiên, khi gia công hàng gì thì mình sẽ chọn loại máy nào để làm tối ưu. Thế giới có loại 5 trục nhưng mình chưa có đơn hàng cần máy đó nên chỉ dùng loại 4 trục. Nếu có, lãnh đạo nhà máy sẽ đầu tư thôi", anh Long nói.

Thứ hai là vốn. Trong một lần gặp gỡ báo chí, lãnh đạo Công ty Shin Fung tại Khu công nghiệp Song Mây (Đồng Nai) cho biết đang bàn bạc để sắm một dây chuyền hàn đúc tự động. Dây chuyền mới sẽ giúp nâng công suất lên 30% và cần một triệu USD để đầu tư. Với các doanh nghiệp cơ khí quy mô trung bình ở Việt Nam, một dây chuyền triệu USD không phải con số nhỏ.

"Đối với các ngành như bất động sản hay ngân hàng thì vài chục tỷ đồng là bình thường. Nhưng với doanh nghiệp cơ khí thì họ rất tiết kiệm và căn cơ. Nói đến vài tỷ thôi thì họ đã phải rất cân nhắc chứ không thoải mái như các ngành kia được", một chuyên gia kinh tế bình luận với VnExpress.

 

Một góc tổ hợp thực hành robot tự động hóa của Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Viễn Thông

Một góc tổ hợp thực hành robot tự động hóa của Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Viễn Thông

Thứ ba là nhân lực. 4.0 không đơn giản bỏ tiền lắp một dàn máy tự động là xong. Vẫn cần đội ngũ để vận hành chúng. Trong khi đó, lao động kiểu 'vừa thừa vừa thiếu' ở Việt Nam thì không mới. 

Hồi giữa tháng 6, Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã thành lập Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban SHTP cho biết Trung tâm này ra đời bởi nhu cầu cấp thiết về lao động nghề chất lượng cao, nắm bắt các kiến thức về 4.0, để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất chế tạo. 

Những chuyển động âm thầm sau cánh cửa nhà máy không qua mắt được giới kinh doanh. Một loạt doanh nghiệp sản xuất máy công cụ Đài Loan gần đây nhộn nhịp mang những mặt hàng hiện đại nhất sang chào bán.

Ví dụ như hệ thống in laser và tạo hình 3D của TTGroup, robot tự học bằng quan sát không cần qua lập trình, robot có thị giác, thính giác, xúc giác của Hiwin. Hay như hệ thống điều hành sản xuất thông minh ứng dụng MES và IoT của Takisawa.

Quy mô thị trường sản xuất thông minh toàn cầuĐơn vị: Tỷ USD (Nguồn: Viện nghiên cứu Topology)Doanh thuNăm 2017Năm 2018Năm 2019Năm 20200100200300400Năm 2020● Doanh thu: 320

Theo số liệu của Viện nghiên cứ Topology (Đài Loan), thị trường sản xuất thông minh toàn cầu đạt giá trị 250 tỷ USD năm ngoái và dự đoán chạm mốc 320 tỷ USD vào 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường nhỏ nhưng triển vọng. Tuy nhiên, còn có một thực tế khác. Những chuyển động tích cực về hướng 4.0 chưa phải là đa số trong các nhà máy cơ khí.

"Đa số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn thì dùng máy mới của Đài Loan, Âu Mỹ. Còn doanh nghiệp nhỏ thường dùng máy bãi. Máy bãi tức là máy vẫn hoạt động bình thường nhưng quá niên hạn sử dụng theo quy định tại nước đó", một chuyên gia cơ khí thẳng thắn cho biết.

Bản thân ông Dũng cũng thừa nhận, cơ khí nội địa vẫn còn dùng hàng cũ nhiều. Nhưng bóng dáng của 4.0 là rất tích cực. "Ngành gia công cơ khí chúng ta khá lạc hậu với tầm 70% đang dùng máy cũ nên công suất thấp. Tuy nhiên, hãy nhìn các tín hiệu như Samsung, GE hay Boeing đã và có ý định vào Việt Nam. Điều đó phản ánh rằng, phần nào các đại gia tin tưởng thế hệ công nghệ mới của Việt Nam sẽ sớm được nâng tầm", ông Dũng bình luận.

Viễn Thông

战略伙伴关系