Theo đó, kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng đạt 428,63 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 31,7 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2018.
Con số trên đã đưa cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,53 tỷ USD trong kỳ 2 tháng 10, qua đó đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong 10 tháng của năm 2019 lên đến 9,01 tỷ USD.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10 năm 2019 đạt 13,13 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 2,82 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 10/2019. Như vậy, tính đến hết tháng 10 năm 2019, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 218,82 tỷ USD, tăng 8,3% tương ứng tăng 16,7 tỷ USD so với 10 tháng/2018.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 271,13 tỷ USD, tăng 4,3% (tương ứng tăng 11,22 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 157,5 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 20,48 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018. Những mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh nhất trong nửa cuối tháng 10 là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất 10 tháng/2019 so với cùng kỳ năm 2018
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 10/2019 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 27,7%, tương ứng tăng 1,93 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 10/2019, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng năm 2019 của nhóm các doanh nghiệp này lên 149,83 tỷ USD, tăng 4,8% (tương ứng tăng 6,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2019 đạt 11,61 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 923 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2019.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 10/2019 tăng so với kỳ 1 tháng 10/2019 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 253 triệu USD, tương ứng tăng 17,4%; xăng dầu các loại tăng 250 triệu USD, tương ứng tăng 130,6%;%; than các loại tăng 115 triệu USD, tương ứng tăng 110,4%; ngô tăng 91 triệu USD, tương ứng tăng 104%...
Như vậy, tính đến hết tháng 10/2019, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 209,81 tỷ USD, tăng 7,7% (tương ứng tăng 15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Biểu đồ 2: Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 10 tháng/2019 so với cùng kỳ năm 2018
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 6,32 tỷ USD, tăng 3,6% (tương ứng tăng 219 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 10/2019, qua đó nâng tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng năm 2019 của nhóm các doanh nghiệp này lên 121,30 tỷ USD, tăng 3,7% (tương ứng tăng 4,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 57,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, chu kỳ xuất khẩu các mặt hàng như: Dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông, thủy sản… thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ tết tăng cao. Việt Nam đang tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu. Cùng với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA, xuất khẩu cũng nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.
Ngoài ra, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 được công bố gần đây, Việt Nam tăng 10 bậc và lên thứ hạng 67, vượt trước một quốc gia lớn như Ấn Độ. Mặc dù Việt Nam vẫn đang xếp sau một số quốc gia Đông Nam Á (trong bảng xếp hạng Singapore ở vị trí dẫn đầu và Philippin vị trí 64), song không nước nào có thể cải thiện thứ hạng ấn tượng như vậy chỉ trong một năm.
Với những yếu tố này, kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay có thể đạt 500 tỷ USD vẫn còn nhiều hy vọng đạt được.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Chính phủ phê duyệt nghị quyết thí điểm thành lập Khu kinh tế Vân Đồn - Ảnh: TTO
Chính phủ vừa ra nghị quyết thí điểm thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh trình Thủ tướng quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Theo "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050", đến năm 2030 Khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Quy mô dân số tăng từ 52.000 người năm 2019 lên 140.000 người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89.000 việc làm; phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/10.000 dân và 3 dược sĩ/10.000 dân...
Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, sẽ xây dựng để Khu kinh tế Vân Đồn là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.
Theo Tuổi Trẻ Online
TP.HCM cần được đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như giáo dục và đào tạo nhiều hơn nữa để trở thành trung tâm tài chính khu vực - Ảnh: N.BÌNH
TP.HCM có tiềm năng theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai và các thành phố khác thành các trung tâm nổi trội về tài chính toàn cầu.
Muốn vậy, trước hết TP.HCM phải trở thành một trung tâm tài chính quốc gia, sau đó mới bước ra toàn cầu. Đi cùng quá trình này là sự đòi hỏi đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như giáo dục và đào tạo, nhưng những cải cách chính sách vẫn là điều kiện thiết yếu.
Hiện nay Việt Nam có nhu cầu đầu tư khổng lồ, chỉ riêng về cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư hàng năm ước tính cần khoảng 18 tỉ đến 20 tỉ USD. Nếu TP.HCM có thể trở thành một đơn vị kêu gọi vốn hiệu quả thì sẽ trở thành trung tâm thu hút vốn không chỉ từ các nguồn trong nước mà còn nguồn vốn nước ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thực của Việt Nam, tăng cường các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển đổi từ một trung tâm tài chính quốc gia thành một trung tâm tài chính quốc tế.
Để trở thành một trung tâm tài chính quốc gia và tiến một bước nữa là trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần có đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như giáo dục và đào tạo, nhưng những cải cách chính sách vẫn là điều kiện thiết yếu.
Dù phát triển trong cách thức nào, các trung tâm tài chính toàn cầu trên khắp thế giới có một số đặc điểm chung như sau.
Thứ nhất, khung pháp lý toàn diện. Các nhà đầu tư quốc tế cần luật pháp rõ ràng với việc thực thi có thể dự đoán được. Hiện tại, Việt Nam có một số luật quan trọng cần được tăng cường hoặc ban hành, bao gồm Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng và luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để thu hút thêm đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng và cơ sở hạ tầng trong nước.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng thị trường vững chắc. Các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi những thị trường nơi họ có thể hoàn tất giao dịch một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Việt Nam đang tụt hậu trong một số lĩnh vực quan trọng. Các phương thức quyết toán tổng tức thời theo thời gian thực (real time gross settlement) và giao và thanh toán (delivery-versus-payment) chưa phát triển.
Cơ chế bù trừ ròng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và buộc các ngân hàng nước ngoài phải nắm giữ thêm vốn dự phòng rủi ro ở Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam không có lãi suất tiêu chuẩn ngắn hạn theo thị trường, vốn là nền tảng cho rất nhiều thành tố khác của thị trường vốn hiện đại.
Thứ ba, chính sách tiền tệ độc lập. Nhà đầu tư muốn có khả năng dự đoán đối với chính sách. Hàm ý ở đây là các quyết sách tiền tệ phải được đưa ra với mức độ độc lập nhất định. Điều này bao gồm tính linh hoạt của tỉ giá hối đoái, sự ổn định của lãi suất liên ngân hàng, và xác định tỉ lệ lạm phát.
Và cuối cùng là cần có các cơ chế mạnh mẽ để chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố. Bản thân Việt Nam đã cam kết thực thi các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố. Đây là những yếu tố then chốt để bảo đảm rằng các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch an toàn tại thị trường trong nước.
Dự báo đến năm 2050, VN sẽ nằm trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu TP.HCM có thể phối hợp với chính quyền trung ương thực hiện những cải cách tài chính quan trọng trên thì cơ hội cho TP.HCM đi theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai và những nơi khác sẽ rất lớn.
Các thành phố này đã trở thành các trung tâm tài chính toàn cầu bằng cách trước hết tài trợ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Theo Tuổi Trẻ Online
Bất động sản phía Tây đang diễn ra sôi động nhờ sự “tiếp lửa” từ giải đua F1. Với góc nhìn rộng hơn, giới chuyên gia cho rằng, với quy hoạch bài bản trở thành trung tâm thể thao và văn hóa, bất động sản phía Tây vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục bứt tốc ở thời điểm cuối năm và trong tương lai.
Sôi động bất động sản phía Tây
Kể từ đầu năm 2019, trái ngược với diễn biến có phần hạ nhiệt trong bức tranh chung, bất động sản phía Tây đã liên tục được “xướng tên” trong danh sách những thị trường sôi động nhất tại Hà Nội.
Theo báo cáo quý 3 của CBRE, có gần 6.100 căn hộ được chào bán từ 18 dự án trên toàn thành phố, giảm 33% so với quý trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là các dự án nằm tại khu vực phía Tây chiếm đến khoảng 77% nguồn cung mở bán mới trong quý.
Ở giai đoạn năm 2017 -2018, thị trường phía Tây Hà Nội cũng ghi nhận lượng cung đổ ra ồ ạt, chiếm gần 60% cung toàn thị trường. Con số này cho thấy, bất động sản tại phía Tây Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa lớn, nhất là trong bối cảnh quỹ đất nội đô co hẹp.
Nếu 2017 - 2018 là giai đoạn mà căn hộ trung cấp chiếm tới 42 - 43% thị phần thì bước sang năm 2019, dòng sản phẩm căn hộ cao cấp đã leo lên vị trí ngôi vương trên thị trường bất động sản phía Tây.
Bất động sản Tây Hà Nội đang diễn ra sôi động
Còn nhiều cơ hội để bứt phá
Giới chuyên gia cho rằng, sự sôi động của bất động sản phía Tây xuất phát từ cơ sở hạ tầng đã và đang được nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, với định hướng là tâm điểm của những sự kiện quốc gia và quốc tế với sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm hội nghị quốc gia… khu vực này sẽ trở thành nơi quy tụ của những cộng đồng cư dân cao cấp và văn minh.
Thực tế, ở thời điểm hiện tại, bất động sản phía Tây Hà Nội đang dần hình thành các cộng đồng cư dân nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự quan tâm của nhóm khách hàng này còn tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Nhờ lợi thế có sẵn, bất động sản phía Tây vẫn được dự báo sẽ sôi động trong tương lai, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Một trong những nguyên nhân chính “tiếp lửa” cho sự nhộn nhịp này đến từ giải đua F1.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giải đua F1 góp phần tạo ra sự sôi động cho bất động sản phía Tây Hà Nội.
“Giải đua F1 đã tạo ra thương hiệu và sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư vào khu vực này. Điều đó cũng sẽ góp phần gia tăng giá trị bất động sản tại đây đáng kể” – ông Đính chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng của bất động sản phía Tây Hà Nội trong tương lai, ông Đính cũng có những nhận định tích cực về điều này. Ông cho rằng, Mỹ Đình đã được quy hoạch định hình trở thành khu vực tổ chức các hoạt động, sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế. Do đó, giá trị bất động sản của khu vực này đã có được tiền đề vững chãi ngay từ đầu, là bàn đạp quan trọng để thị trường trở nên bứt phá hơn trong tương lai.
Đường đua F1 đang sớm được hoàn thiện. Đây là nhân tố “tiếp lửa” cho thị trường bất động sản phía Tây
Đồng quan điểm đó, GS. Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng, giải đua F1 được tổ chức sẽ kéo theo lượng lớn khách du lịch tới đây. Thị trường bất động sản nhờ đó sẽ tiếp tục trở nên sôi động trong thời gian dài nhờ hiệu ứng mà giải đua mang lại.
“Khi quỹ đất nội đô chật chội thì phía Tây Hà Nội sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư và khách hàng mua để ở. Sự phát triển của bất động sản phía Tây là tất yếu bởi đây là khu vực đã được quy hoạch bài bản”, ông Võ nhấn mạnh.
Theo CafeLand
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, tại Mục 1.4.7 dự thảo QCVN giải thích căn hộ du lịch (condotel) là “Căn hộ có các trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú, tạm trú”.
Theo Hiệp hội, hiện nay có nhiều loại hình cơ sở lưu trú du lịch như: Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch (condotel); Nhà nghỉ du lịch; Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Home stay); Bãi cắm trại du lịch; Tàu thủy lưu trú du lịch…
Trong một số khu du lịch (resort) quy mô lớn ở nước ta có 4 loại hình cơ sở lưu trú du lịch như Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch (condotel); Nhà phố du lịch. Riêng cụm từ “Căn hộ du lịch (condotel)” đang được dùng để gọi chung cho 3 loại cơ sở lưu trú du lịch là: (i) Căn hộ du lịch; (ii) Biệt thự du lịch; (iii) Nhà phố du lịch. Do vậy, cần xác định khái niệm “Căn hộ du lịch (condotel)” trong QCVN được áp dụng đối với căn hộ du lịch (condotel) trong tòa nhà có từ 2 tầng trở lên trong khu du lịch (resort).
Hiệp hội đề nghị hoàn thiện khái niệm “Căn hộ du lịch (condotel)” là “Căn hộ của tòa nhà trong khu du lịch (resort), có từ 2 tầng trở lên, có các trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú, tạm trú”.
Bên cạnh khái niệm “Căn hộ văn phòng (Officetel)” (Mục 1.4.8), Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm loại hình “Không gian làm việc chung (Co-working space)” trong tòa nhà cao tầng, cho thuê bàn làm việc, chỗ làm việc, bao gồm cả xưởng thực nghiệm, chế tác thử, phòng họp và các dịch vụ phục vụ cho người làm việc tại đây, rất cần thiết đưa vào QCVN để thống nhất quản lý.
Hiện nay, loại hình “Không gian làm việc chung (Co-working space)” đang phát triển rất mạnh ở các đô thị lớn, nhất là phục vụ cho đối tượng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trẻ. Mục 1.4.13 dự thảo QCVN giải thích “diện tích sử dụng căn hộ” là “Diện tích sàn được tính theo kích thước thông thủy của căn hộ: bao gồm diện tích sàn có kể đến tường/vách ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công, lô gia, không tính diện tích phần sàn có cột, có hộp kỹ thuật nền bên trong căn hộ; không bao gồm diện tích tường/vách bao tòa nhà/căn hộ, tường/vách phân chia giữa các hộ”.
Hiệp hội nhận thấy, cách giải thích này chưa đầy đủ vì chưa bao gồm khối tích bên trong căn hộ được xác định bởi mặt trong của vách bao nhà chung cư, vách phân chia giữa các hộ liền kề, vách hành lang chung cư, mặt dưới của sàn chung cư. Do vậy, chủ sở hữu căn hộ sẽ không có quyền sở hữu và cả quyền sử dụng đối với mặt trong của vách bao tòa nhà, vách phân chia giữa các căn hộ liền kề, vách hành lang chung cư; mặt dưới của sàn chung cư. Bên cạnh đó, việc giải thích diện tích sử dụng căn hộ một cách đầy đủ, cũng là nhằm phòng ngừa việc tự ý đục tường, trổ cửa căn hộ chung cư.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi Khoản (1.a) Điều 100 Luật Nhà ở về “Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của nhà chung cư”, để quy định: “Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm: a) Phần diện tích bên trong căn hộ được tính theo tim tường bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó”.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri Hoàn Kiếm về đề xuất làm đường dọc hai bên bờ sông Hồng, mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 257, ngày 18/02/2016, xác định không gian thoát lũ của sông Hồng được xác định gồm lòng sông và khu vực bãi sông nằm giữa hai đê.
Theo quy hoạch, khu vực dân cư hiện có vùng bãi sông Hồng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm không nằm trong danh mục các khu dân cư tập trung hiện có trên bãi sông cần di dời cũng như được phép tồn tại.
UBND thành phố đã giao Sở NN&PTNT thực hiện rà soát điều chỉnh Quy hoạch chi tiết phòng chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố. Quy hoạch đã được lập và hoàn thành trong năm 2018 trình UBND thành phố để báo cáo HĐND thành phố thông qua.
Trong nội dung quy hoạch có đề xuất giải pháp xây dựng tuyến đường giao thông ở bãi sông trong đó có tuyến đi qua khu đô thị trung tâm của thành phố dự kiến dài khoảng 53,2km với tiêu chuẩn đường giao thông cấp đô thị bề rộng dự kiến 40m đến 50m.
“Tuy nhiên, do một số điểm trong đồ án Quy hoạch đề xuất phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố nhưng Bộ NN&PTNT yêu cầu báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chấp thuận nên đến nay Quy hoạch chưa được thông qua”, văn bản nêu.
Văn bản của UBND thành phố lý giải, thực hiện Luật Quy hoạch và Luật số 35/2018/QH14 Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, trong đó quy định thay đổi về thẩm quyền lập và phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê. Vì vậy hiện nay Quy hoạch đang tạm dừng để xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai thực hiện.
“Như vậy, việc đề xuất của cử tri đã được UBND thành phố cập nhật trong quy hoạch để trình Bộ NN&PTNT và HĐND thành phố, tuy nhiên, do Quy hoạch chưa được duyệt vì vậy chưa có cơ sở triển khai, đặc biệt đối với khu vực bãi sông đô thị Trung tâm liên quan đến an toàn phòng chống lũ đê cấp đặc biệt và cấp I”.
Được biết, hiện nay, UBND thành phố đang chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội lập, hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội để phê duyệt, làm cơ sở triển khai các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư có liên quan trong hành lang thoát lũ sông Hồng.
Về việc xây dựng tuyến đường dọc sông Hồng, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng xây dựng dọc hai bên sông Hồng hai tuyến đường trục chính đô thị, quy mô dự kiến 40 – 60m để phục vụ việc xây dựng, cải tạo khu vực bờ sông Hồng và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực.
Để triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, UBND thành phố đang chỉ đạo tổ chức lập đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng, trong đó sẽ xác định vị trí, phương án xây dựng tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng.
Do đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng có liên quan đến kết quả nghiên cứu của đồ án Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội nên sau khi đồ án Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố được UBND thành phố phê duyệt mới có cơ sở phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng và nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường dọc sông.
“Việc đầu tư xây dựng tuyến đường theo từng đoạn đi qua địa giới các phường sẽ được xem xét nghiên cứu phân kỳ đầu tư trong bước lập dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt”, văn bản nêu.
Theo CafeF
Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu trong nghiên cứu do nhà nước hậu thuẫn, Nhật Bản cũng nỗ lực phát động.
Ảnh: Google
Cuộc đua về công nghệ bảo mật kỹ thuật số cho kỷ nguyên điện toán lượng tử đã bắt đầu khi Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu khi chính phủ hai quốc gia cũng hậu thuẫn cho động thái này. Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc đua bằng cách tranh thủ sự giúp đỡ của khu vực tư nhân.
Sự trỗi dậy của máy tính lượng tử đã khiến người ta rùng mình thông qua các ngành công nghiệp dựa vào dữ liệu an toàn. Các máy tính có tốc độ xử lý nhanh như chớp có thể vượt qua công nghệ bảo mật kỹ thuật số ngày nay một cách dễ dàng. Điều này đã thúc đẩy một cuộc đua toàn cầu về mã hóa mạnh mẽ hơn
Các thuật toán mã hóa hiện đại phần lớn dựa trên các bài toán phức tạp và tốn thời gian. Nhưng tháng 10 vừa qua, Google cho biết họ đã sử dụng một máy tính lượng tử để giải quyết vấn đề như vậy trong vài phút, hoặc nhanh hơn 1,5 tỷ lần so với một siêu máy tính truyền thống.
Do đó, mật mã lượng tử (*) đã nổi lên như một giải pháp. Sử dụng các nguyên tắc của cơ học lượng tử, các bên gửi "mật mã" trao đổi thông tin được mã hóa thành các hạt ánh sáng. Công nghệ này được xem là không thể tấn công của bên thứ 3 hoặc có chăng thì sẽ luôn để lại dấu vết.
Mặc dù việc gửi thông tin được mã hóa lượng tử sẽ tốn kém và mất nhiều công sức, nhưng về mặt lý thuyết nó sẽ mang lại kết quả tuyệt vời. Nghiên cứu mã hoá lượng tử ứng dụng rất tốt trong quân sự và an ninh quốc gia. Do đó việc nghiên cứu lĩnh vực này được nhiều chính phủ của nhiều quốc gia quan tâm và đầu tư.
Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trong lĩnh vực này rõ ràng nhất. Một cơ sở thử nghiệm của quốc gia này, nhằm giành vị trí dẫn đầu trong mã hóa lượng tử dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm tới tại tỉnh An Huy, phía Tây Thượng Hải, với chi phí ước tính khoảng 10 tỷ USD. Trung Quốc đã hoàn thành một trong những mạng lượng tử lớn nhất thế giới, kết nối Bắc Kinh và Thượng Hải và đã gửi thành công các tin nhắn được mã hóa lượng tử giữa vệ tinh và Trái đất.
Trong khi đó, tại Mỹ, một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng đi đầu trong nghiên cứu và phát triển về mật mã lượng tử cũng đang nghiên cứu sâu thêm về lĩnh vực này. Còn chính phủ Nhật Bản sẽ dành quỹ để xây dựng các hệ thống thông tin liên lạc được mã hóa lượng tử trong ngân sách bổ sung cho tài khóa 2019. Bước đầu tiên sẽ là thiết lập và thử nghiệm một khuôn khổ để gửi thông tin quan trọng về an ninh quốc gia của các cơ quan như Bộ Quốc phòng và Cảnh sát Quốc gia.
Cuộc đua mã hóa thế hệ tiếp theo nóng lên sau bước nhảy lượng tử của Google. Ảnh: Tạp chí Nature
Mật mã lượng tử cũng có thể trở thành một ngành công nghiệp lớn. Các tổ chức tài chính là một trong những doanh nghiệp rất quan tâm đến việc có được công nghệ bảo mật có thể chống chịu với các cuộc tấn công từ máy tính lượng tử. Thị trường toàn cầu về mã hóa lượng tử được dự đoán sẽ đạt 506 triệu USD vào năm 2023, giá trị đã tăng lên gấp năm lần so với năm 2018, theo công ty nghiên cứu thị trường và thị trường Ấn Độ.
Tại Mỹ, nhiều công ty khởi nghiệp đang bắt đầu cung cấp các dịch vụ liên quan đến lượng tử. Các nhà cung cấp truyền thông trên toàn thế giới cũng đang chuyển sang kết hợp công nghệ này, bao gồm SK Telecom của Hàn Quốc, Deutsche Telekom của Đức và Telefonica của Tây Ban Nha. Toshiba của Nhật Bản đặt mục tiêu đưa mật mã lượng tử lên cấp độ thương mại trong năm tài khóa 2020 và các doanh nghiệp trên cả nước dự kiến sẽ sớm bắt đầu áp dụng công nghệ này ở quy mô lớn.
(*)Mật mã lượng tử là một ngành khoa học nghiên cứu về bảo mật thông tin dựa trên các tính chất của vật lý lượng tử.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Theo VnExpress
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cotton On Group đã mở rộng 3 thương hiệu thời trang và phong cách sống của mình sang Việt Nam, với Cotton On ra mắt cửa hàng đầu tiên, Rubi và Typo đang trong quá trình chuẩn bị để mở cửa trước tháng 12.
Cửa hàng đầu tiên sẽ được mở tại trung tâm mua sắm Vincom Thảo Điền của Hồ Chí Minh, cửa hàng thứ hai ở Aeon Mall, Hà Đông. Việc mở rộng của Cotton On thông qua quan hệ đối tác độc quyền với Tập đoàn Imex Pan Pacific.
Ông James Lavdas, Tổng giám đốc tại Cotton On Group cho biết nhu cầu đối với thời trang đường phố và trang phục thường ngày ở Việt Nam ngày càng tăng.
Lavdas nói: "Là một doanh nghiệp hướng đến khách hàng, chúng tôi rất vui mừng được mang đến cho khách hàng tại Việt Nam cơ hội mua sắm Cotton On thông qua cửa hàng đầu tiên của chúng tôi".
"Cotton On là một thương hiệu thời trang và phong cách sống toàn cầu, tất cả đều mang phong cách giản dị của Úc. Chúng tôi tự tin rằng sản phẩm đặc biệt của chúng tôi mang đến sự cộng hưởng với những khách hàng muốn tiếp cận với các sản phẩm theo xu hướng dễ dàng nhất" - vị Tổng giám đốc này nói thêm. Cotton On hiện đang điều hành tám thương hiệu; Cotton On, Cotton On Body, Cotton On Kids, Rubi, Typo, Cotton On LOST, Factorie và Supré. Thương hiệu này được mệnh danh là "ngôi sao" ngành thời trang nhanh nước Úc.
Theo Cotton On Group, doanh nghiệp này sẽ là nhà bán lẻ hàng may mặc đầu tiên của Úc tại thị trường thời trang Việt Nam. Việt Nam là thị trường mới nhất của Cotton On Group. Đầu năm nay, công ty này đã ra mắt tại Ấn Độ dưới dạng thương hiệu trực tuyến thông qua các thị trường Myntra và Jabong, cũng như mở cửa hàng đầu tiên tại New York vào cuối năm 2018.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cách Thủ đô Hà Nội và sân bay Nội Bài 30km, TP Bắc Ninh là đầu mối quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, trên hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Chính vì vậy, Bắc Ninh được giới đầu tư, môi giới ví như "con rồng" mới nổi ở phía Bắc Thủ đô khi thị trường BĐS chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2018, thị trường BĐS Bắc Ninh biến động liên tục tăng. BĐS tập trung tăng đều trong toàn bộ tỉnh và có những nơi chu kỳ lên cơn sốt tăng từ 150-300%, xác lập mặt bằng giá mới. Dòng tiền của cả nước tràn vào Bắc Ninh, tạo thành những điểm nóng sốt cục bộ. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, thị trường khá trầm lắng.
Bước sang năm 2019, thị trường BĐS Bắc Ninh được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam nên đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Cụ thể, BĐS nhà ở tập trung ở các địa điểm có sự phát triển hạ tầng tốt như trung tâm TP. Bắc Ninh, khu vực khu đô thị gắn liền với KCN Quế Võ 1,2,3; KCN Thuận Thành 1,2,3; KCN Yên Phong 1,2… đang ghi nhận sự sôi động trở lại.
Tại báo cáo thị trường BĐS quý 3/2019, Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định thị trường BĐS Bắc Ninh đang phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã chứng kiến sự chào bán của nhiều dự án. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, các dự án đang mở bán hiện tại chủ yếu là dự án từ giai đoạn trước, hiện nay toàn tỉnh khan hiếm dự án mở bán mới do chính sách thắt chặt cấp phép đầu tư.
"Giai đoạn 2020 thị trường BĐS tại đây sẽ phát triển mạnh mẽ do hưởng lợi từ làn sóng BĐS công nghiệp. Tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ tạo sự sôi động nhất định trên thị trường", ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết.
Cùng quan điểm với ông Đính, các chuyên gia cũng cho biết với tiềm năng lớn bậc nhất miền Bắc về BĐS công nghiệp, thị trường BĐS nhà ở Bắc Ninh sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi mặt bằng chung giá đất tại Bắc Ninh vẫn còn khá thấp. Trong khi đó, sự phát triển vượt bậc về hạ tầng cùng làn sóng FDI đổ về mạnh mẽ, kéo theo sự bùng nổ của BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho thị trường BĐS phát triển.
"Các nhà đầu tư mới – phần lớn từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ vẫn quan tâm đến BĐS công nghiệp của Việt Nam. Với làn sóng các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các khoản đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là về 5 thành phố công nghiệp trọng điểm của miền Bắc… Thị trường Bắc Ninh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh trước nhu cầu nhà ở ngày càng tăng từ số lượng người di cư và người nước ngoài đến làm việc tại đây", báo cáo của JLL mới đây nhấn mạnh.
Có thể thấy, thị trường BĐS Bắc Ninh đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá với mục tiêu hơn 2 năm nữa TP Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Theo đánh giá từ giới đầu tư, với sự phát triển mạnh mẽ của Bắc Ninh, không chỉ có nhu cầu mua để ở mà hiện nay nhiều nhà đầu tư còn hướng tới thị trường cho thuê. Với mức giá hiện đang còn thấp, tiềm năng tăng giá mạnh, thị trường bất động sản Bắc Ninh hứa hẹn vẫn khá sôi động trong nhiều năm tới và là kênh sinh lời hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Theo CafeF