- Kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức và các yếu tố khó lường như bất ổn địa chính trị; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng,…
Đây là những nhận định được đưa ra tại Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo giảm tốc hoặc nhiều nhất chỉ duy trì được mức tăng như năm 2018.
Bằng chứng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (tháng 11/2018) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đạt 3,5% trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (tháng 10/2018) dự báo đạt 3,7% (giảm 0,2 điểm% so với dự báo đưa ra trước đó). Ngân hàng Thế giới (WB) (01/2019) tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 xuống mức 2,9% (sau khi đã điều chỉnh giảm xuống 3% trong báo cáo trước đó).
Theo IMF (tháng 10/2018), các nền kinh tế phát triển năm 2019 sẽ có mức tăng trưởng giảm xuống 2% trong năm 2019 (trong đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ: 2,5%; Châu Âu: 1,9%, Nhật Bản: 0,9%, Trung Quốc: 6,2%); trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giữ được đà tăng trưởng tương đương năm 2018, đạt khoảng 4,7% (trong đó tăng trưởng ASEAN-5: 5,2%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những rủi ro chủ yếu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 gồm: Tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Tăng trưởng kinh tế bị phân hóa giữa các khu vực kinh tế kém đồng đều hơn; Khu vực mới nổi và đang phát triển đối mặt với các rủi ro về khủng hoảng cơ chế tỷ giá và nguy cơ rút vốn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, thông minh, sản xuất dịch chuyển dần từ các nước/vùng có lao động kỹ năng thấp và tài nguyên sang nước/vùng có lao động sáng tạo, nắm bắt được công nghệ và thị trường lớn; dẫn tới những bất lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Giá hàng hóa dự báo không biến động nhiều
Cũng theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 được WTO (11/2018) dự báo chỉ đạt 3,7% (giảm so với mức 3,9% so với năm 2018). Nguyên nhân chủ yếu do tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7/2018.
Tính đến cuối năm 2018, Mỹ áp thuế 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD nữa. Tuy nhiên, sau cuộc gặp tại Hội nghị G20, Mỹ tạm hoãn tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/1/2019.
Theo IMF, nếu chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra sẽ làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng 10%, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5% (khoảng 430 tỷ USD). Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung một mặt giúp tạo động lực để các nước tăng cường liên kết về kinh tế nhằm giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn; mặt khác tác động phá vỡ các nguyên tắc và trật tự thương mại quốc tế, thúc đẩy dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư, thương mại trên toàn cầu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, năm 2019, dự báo giá hàng hóa không biến động nhiều so với năm 2018 do nhu cầu thế giới ít có khả năng gia tăng đột biến . Giá nông sản được dự kiến tăng khoảng 1,6% so với năm 2018, trong đó giá lương thực thực phẩm tăng 1,5% chủ yếu do chi phí đầu vào tăng .
Giá dầu thế giới năm 2019 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo ít biến động. IMF, OPEC và World Bank đều dự báo giá dầu năm 2019 sẽ duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ khoảng 3% so với cuối năm 2018. Giá dầu năm 2019 có thể biến động nhẹ do cung dầu đá phiến tăng lên khi Mỹ tăng sản lượng, cũng như cầu về xăng dầu có thể giảm xuống khi nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc.
Áp lực lạm phát năm 2019 không quá lớn do giá hàng hóa thế giới được dự báo không tăng so với năm 2018. Lạm phát toàn cầu năm 2019 được dự báo chỉ ở mức tương đương năm 2018.
Theo đó, lạm phát ở các nước phát triển năm 2019 dự báo tăng khoảng 1,9%, thấp hơn so với mức ước 2% năm 2018, chủ yếu do chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt và tổng cầu tăng không đáng kể. Trong đó, lạm phát được dự báo giảm ở Mỹ, Nhật Bản và giữ nguyên ở Châu Âu. Lạm phát ở các nước mới nổi và đang phát triển có xu hướng tăng nhẹ, dự báo năm 2019 tăng 0,2 điểm% so với năm 2018 do chính sách tiền tệ mở rộng để kích thích kinh tế và sẽ phải chịu nhiều tác động hơn nếu giá năng lượng tăng mạnh.
“Dòng vốn đầu tư toàn cầu năm 2019 dự báo có nhiều biến động, chủ yếu do căng thẳng thương mại leo thang có thể khiến các công ty đa quốc gia trì hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch đầu tư do môi trường đầu tư thiếu ổn định; việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, luật thuế cải cách của Mỹ tiếp tục phát huy hiệu lực thu hút FDI về Mỹ”, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Minh Ngọc