Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), xây dựng đô thị thông minh (Smart city) là xu hướng được các thành phố trên thế giới triển khai để giải quyết những vấn đề của đô thị. Thời gian qua, một số dự án nghiên cứu, phát triển mô hình này ở Việt Nam đã thu được những kết quả bước đầu... Nhưng thực tế còn rất nhiều việc phải làm trong nghiên cứu, xây dựng các giải pháp phát triển Smart city phù hợp với từng thành phố cũng như tổng thể quốc gia.
Viettel áp dụng công nghệ vào vận hành khai thác mạng lưới hệ thống toàn cầu. Ảnh: Thanh Tùng
Các nguồn lực đã sẵn sàng
Dẫn chúng tôi đi thăm từng phòng nghiên cứu, phát triển các giải pháp có thể cung cấp về Smart city, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội) Võ Anh Tâm khẳng định, ý tưởng xây dựng một thành phố thông minh hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ bây giờ đã khả thi, khi chúng ta có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nền tảng công nghệ để thực hiện. Ðến thời điểm hiện tại, Viettel hoàn toàn có thể cung cấp tất cả các giải pháp cần thiết để xây dựng Smart city cho từng địa phương.
Trước mặt chúng tôi là một màn hình điều hành, hiển thị thông tin về các vấn đề, sự cố có thể xảy ra trong thành phố, liên tục được truyền về trực tiếp trên hệ thống. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tự động phân loại các vấn đề và gửi nội dung cần xử lý đến các đơn vị có trách nhiệm. Dừng lại trước hệ thống trung tâm giám sát điều hành giao thông và an ninh công cộng, Phó Tổng Giám đốc Võ Anh Tâm cho biết thêm, đây là giải pháp nhằm giám sát, xử lý giao thông, các phương tiện công cộng, tình hình an toàn trật tự tại các khu vực, thông qua hình ảnh. Hình ảnh được truyền về từ hàng nghìn ca-mê-ra chất lượng cao lắp đặt ở khắp thành phố. Các phương tiện khi di chuyển qua khu vực của ca-mê-ra sẽ được phân loại thành từng loại xe, biển số... Mỗi khi có sự cố, ngoài thông tin từ ca-mê-ra, hệ thống còn nhận thông tin từ lực lượng chức năng, thông tin từ người dân, các nền tảng mạng xã hội, không gian mạng... để phân tích hình ảnh và phân loại cảnh báo, đưa ra phương án xử lý. Thí dụ khi có một vụ tai nạn giao thông xảy ra, hệ thống có thể tự động nhận thông tin thông qua mạng xã hội, tin nhắn người dân báo, điện thoại, ca-mê-ra... sau đó sẽ tổng hợp thông tin và thông báo cho lực lượng chức năng liên quan gần nhất để có thể nhanh chóng đến hiện trường xử lý sự việc. Các hệ thống còn tích hợp nền tảng công nghệ vi-đê-ô call (gọi điện thoại có hình ảnh) để giúp trung tâm quản lý và đầu mối xử lý dễ dàng liên hệ với nhau... Hiện nay Viettel cũng đã xây dựng các giải pháp khác: giám sát hành chính công; giám sát môi trường; hồ sơ sức khỏe... qua đó sẽ khai thác đầy đủ hệ sinh thái giải pháp Smart city tổng thể.
Ðể hoàn toàn nắm bắt được công nghệ về Smart city, ngay từ những năm 2011, Viettel đã có định hướng đưa ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Nhưng việc xây dựng các giải pháp cho Smart city, qua đó hình thành nên hệ sinh thái không đơn giản chỉ là việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính hay sản xuất như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ðể có thể xây dựng Smart city tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là cần có sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống quản lý chung, qua đó giữa các nền tảng có thể tương tác, trao đổi dữ liệu với nhau giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tại các đô thị. Chính vì vậy, Viettel đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề xuất khung kiến trúc tổng thể xây dựng Smart city ở Việt Nam với sáu trụ cột và 18 lĩnh vực chuyên ngành. Ðồng thời đã xây dựng giúp một số tỉnh, thành phố (Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ...) kiến trúc tổng thể, kiến trúc chuyên ngành, vạch ra lộ trình để triển khai Smart city. Ðầu tháng 6-2018, Trung tâm điều hành Thành phố thông minh Huế chính thức ra mắt, được đưa vào hoạt động thí điểm; nhiều tỉnh, thành phố khác đã liên hệ Viettel để đề xuất phương án hợp tác. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan chính phủ của một số nước trong khu vực cũng đến học hỏi kinh nghiệm xây dựng, phát triển mô hình này.
Sau Viettel, đã có các đơn vị như: FPT, VNPT và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác tham gia triển khai Smart city. Ðây là tín hiệu đáng mừng bởi Smart city là lĩnh vực lớn, phức tạp, nhu cầu triển khai nhiều và còn mới tại Việt Nam, cho nên việc có nhiều nhà cung cấp cùng tham gia sẽ mang lại giải pháp tốt hơn. Nhưng theo các chuyên gia, việc nhiều đơn vị tham gia sẽ gặp khó khăn khi muốn tích hợp trên một nền tảng, do giữa các đơn vị có những sự khác biệt về công nghệ. Ðáng chú ý, hiện vẫn chưa có các tiêu chuẩn chung, quy hoạch tổng thể, khung kiến trúc để các đơn vị có thể triển khai Smart city. Ðể giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần chung tay hợp tác, đưa ra giải pháp phù hợp, giải quyết vấn đề cấp bách của đô thị, hướng đến mục tiêu cuối cùng là người dân sẽ được hưởng thụ các tiện ích tốt nhất của Smart city.
Không để lỡ thời cơ
Theo định nghĩa của Liên minh viễn thông quốc tế: “đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các dịch vụ, hoạt động đô thị, nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa của các thế hệ hiện tại và tương lai”. Việc chuyển đổi thành Smart city sẽ cho phép các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn, tác động tích cực đến tất cả lĩnh vực của cuộc sống. Tại các Smart city mới cũng sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của những mô hình dịch vụ đô thị mới, áp dụng mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên tại Việt Nam, tùy theo nhu cầu, khả năng đầu tư, mỗi địa phương sẽ lựa chọn ra các lĩnh vực thông minh chuyên ngành để đưa vào kiến trúc tổng thể. Việc triển khai Smart city ở Việt Nam hoàn toàn khác với các đô thị trên thế giới, bởi họ đã có sẵn hạ tầng viễn thông, công nghệ hoàn thiện, đã hình thành được nhận thức số đối với cả chính quyền và người dân. Nếu các thành phố tại Việt Nam sử dụng nguyên mô hình và cách triển khai như ở nước ngoài để áp dụng thì sẽ khó thành công vì thiếu hạ tầng, nhận thức số của chính quyền, người dân và sự đồng bộ hệ thống.
Ðể xây dựng Smart city thành công ở Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý, các tiêu chuẩn và tiêu chí về hạ tầng, dữ liệu và thiết bị phục vụ thành phố thông minh mang tầm quốc gia để liên kết vùng miền. Ðồng thời thí điểm mô hình để nghiên cứu và nhân rộng; cơ chế giám sát bảo đảm việc xây dựng theo chuẩn quốc tế; kích thích hệ sinh thái khởi nghiệp, các công ty vừa và nhỏ tiếp cận thị trường cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Chính phủ. Mặt khác, các địa phương cần xây dựng trung tâm dữ liệu và phát triển hệ sinh thái mở; bảo đảm hạ tầng mạng, đồng bộ liên kết được với vùng miền, quốc gia; thu hút nhân tài và đào tạo đội ngũ nhân sự trong nước tiếp cận công nghệ về Smart city và quốc tế.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho rằng, có thể lựa chọn nhiều hướng tiếp cận khác nhau cho Smart city, nhưng vẫn phải xoay quanh năm mục tiêu chính, đó là: Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; Môi trường sống của người dân tốt hơn; Người dân có thể tham gia vào việc quản lý nhà nước và quản lý cuộc sống của chính mình; Người dân được phục vụ tốt hơn; Phát triển bền vững kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực. Bên cạnh việc tham chiếu đến chỉ tiêu đánh giá về Smart city của các tổ chức quốc tế, cần có sự xác định các chỉ tiêu đánh giá về đô thị thông minh riêng cho từng thành phố. Vì cách thức triển khai Smart city giữa các đô thị khác nhau, hiện trạng cũng như kỳ vọng đạt được của các đô thị cũng sẽ khác nhau. Do đó, chỉ tiêu đánh giá cho từng thành phố cũng cần phải được xây dựng dựa trên những điều này.
Theo ông Võ Anh Tâm, Chính phủ cần sớm ban hành khung kiến trúc chính phủ điện tử, thành phố thông minh phù hợp với xu hướng công nghệ thế giới và đặc thù Việt Nam. Từ đó chính quyền địa phương, thành phố, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hoạch định, thiết kế, xây dựng và triển khai vận hành Smart city. Chính phủ và các địa phương cần ưu tiên các dự án Smart city, chuẩn bị nguồn vốn để đầu tư, triển khai ngay trong năm 2019. Các doanh nghiệp cũng cần coi Smart city không chỉ là sản phẩm để triển khai đem lại doanh thu, lợi nhuận mà đây là lĩnh vực phục vụ đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam để có những nghiên cứu, đầu tư xứng đáng.
Xây dựng được Smart city, qua đó định hình năng lực, vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới, không thể chỉ dựa vào sự quyết tâm của những đơn vị cung cấp các giải pháp, mà cần sự chung tay của Nhà nước, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp... cùng tháo gỡ những vướng mắc và có sự liên kết phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, tạo những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển Smart city. Ðây cũng là hướng để Việt Nam có thể bắt kịp chuyến tàu CMCN 4.0.