Xuất khẩu tuy đã bắt nhịp thị trường có FTA nhưng vẫn lo các biện pháp phòng vệ thương mại. Nguồn: Internet
Tận dụng lợi thế
Những thị trường mà FTA với Việt Nam đã có hiệu lực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN cũng chính là thị trường chủ lực của XK đồ gỗ, cộng với hai thị trường lớn khác là Mỹ và EU (FTA Việt Nam – EU đang chờ được ký kết). Điển hình như, XK đồ gỗ của Việt Nam vào Hàn Quốc chiếm khoảng 10% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ của thị trường này.
Chia sẻ kinh nghiệm XK đồ gỗ vào các thị trường lớn có FTA với Việt Nam dưới góc độ một chủ doanh nghiệp (DN) gỗ thuần Việt, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gỗ An Cường, nhấn mạnh: "Tại sao công ty của chúng tôi có thể XK đồ gỗ đi Nhật? Đó là vì sản phẩm của chúng tôi có chất lượng quốc tế. Với những thị trường khó thì chúng tôi sẽ xuất qua hệ thống đại lý".
Ông Nghĩa cho rằng để tiếp cận các thị trường này đòi hỏi các DN Việt cần chủ động bám vào nhiều kênh, chẳng hạn như ra nước ngoài tham gia vào các hội chợ thương mại quốc tế, hoặc là thông qua chính bộ phận Thương vụ của Việt Nam ở các nước này…
Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam trong năm 2018 vừa qua đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao so với thời điểm trước khi có FTA như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia – New Zealand.
Một kết quả điều tra khảo sát mới đây với 225 DN có hoạt động xuất nhập khẩu với lĩnh vực ngành nghề đa dạng đã cho thấy một bức tranh tổng quan khá tích cực của DN Việt khi có rất nhiều DN cho biết đã chủ động hoàn thiện năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được các lợi thế mà các thị trường có FTA của Việt Nam mang lại.
Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA hiện cũng cho thấy so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng tốt các hiệp định này, các DN Việt vẫn còn lúng túng từ các rào cản phi thương mại và rào cản phi thuế quan. Đây là các vấn đề đã tồn tại ở Việt Nam từ lâu khi chủ yếu DN có quy mô vừa và nhỏ.
Điển hình là XK gỗ sang Hàn Quốc: các DN ngành gỗ của Hàn Quốc tại Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) so với các DN đồ gỗ Việt. Trong khi đó, một cuộc thăm dò với các DN xuất nhập khẩu cho thấy VKFTA được nhiều DN biết đến nhiều nhất so với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Có thể lấy xuất khẩu (XK) đồ gỗ là một ngành điển hình đang bắt nhịp tốt với những thị trường có FTA của Việt Nam. Năm 2018 vừa qua, XK đồ gỗ đã đạt kim ngạch trên 9 tỷ USD và đang hướng đến mục tiêu đạt 10,5 tỷ USD trong năm 2019.
Đối mặt phòng vệ thương mại
Đến nay, Việt Nam đang thực thi 10 FTA khu vực và song phương, giúp mở rộng thị trường XK cho hàng hóa và sản phẩm cũng như nâng cao giá trị XK các mặt hàng chủ lực.
Cơ hội gia tăng XK của Việt Nam tiếp tục được mở ra với những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA).
Đối với CPTPP, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 – 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, như lưu ý của bà Phạm Thanh Nga, Thành viên Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), khi CPTPP có hiệu lực, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với với các biện pháp tự vệ chuyển tiếp, đặc thù của Hiệp định, trong giai đoạn tối đa là 3 năm kể từ thời điểm CPTPP phát sinh hiệu lực.
"Các quốc gia thành viên sẽ có thể áp dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở đề nghị của các DN trong nước mình. Khi đó, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ này khi XK ra một thị trường nhất định", bà Nga cho biết.
Ngoài vấn đề phòng vệ thương mại, với các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, giới chuyên gia cho rằng đến nay, các cam kết về quy tắc xuất xứ vẫn là thách thức lớn cho các nhà XK của Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Tuấn Vũ, Trần Thị Thuận Giang (Đại học Luật Tp.HCM) nhấn mạnh xuất xứ hàng hóa trở thành một vấn đề chủ chốt trong các FTA thế hệ mới khi là yếu tố quyết định một sản phẩm có được ưu đãi hay không.
"Khi hàng hóa không ở mức độ "thuần túy" thì việc chứng minh xuất xứ trở nên khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, đối với các quốc gia thành viên của FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang đàm phán hoặc đã ký kết hiệp định như Australia, Canada, Nhật Bản, EU…, việc tuân thủ quy tắc xuất xứ là điều kiện tiên quyết để hàng hóa XK của Việt Nam được hưởng ưu đãi", nhóm nghiên cứu này cho biết.