Dấu hiệu tăng trưởng đằng sau suy thoái đã bắt đầu trở lại với các thị trường mới nổi.
Theo khảo sát của Bloomberg, sau 2 quý sụt giảm, tài sản ở các nước đang phát triển đã tìm thấy đáy và duy trì sự ổn định trong 3 tháng cuối năm khi các ngân hàng trung ương, từ Argentina tới Thổ Nhĩ Kỳ có những động thái để bảo vệ đồng tiền của họ.
Vượt qua Đông Âu, Trung Đông và châu Phi, châu Mỹ Latin trở thành khu vực có triển vọng tốt nhất về tiền tệ và trái phiếu trong khi châu Âu đứng đầu về các mã chứng khoán. Xếp hạng tài sản của Mexico trở nên được ưa thích nhất sau cuộc bầu cử tổng thống trong khi Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn phải đối mặt với nhiều vấn đề, có thể sẽ tiếp tục đương đầu với khủng hoảng.
"Niềm tin vào thị trường mới nổi đã được khôi phục sau những động thái mạnh mẽ về mặt chính sách ở cả Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn các quốc gia mới nổi có hình dạng kinh tế tương đối lành mạnh, cả trong nội địa và từ bên ngoài", Marcelo Assalin, phụ trách lĩnh vực thị trường mới nổi của NN Investment Partners BV ở The Hague, Hà Lan, nhận định.
Tuy nhiên, bức tranh cũng có những khoảng màu ảm đạm. Đó là chính sách lãi suất của FED, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cạnh xung đột thương mại mới Mỹ leo thang. Ngoài ra, giá dầu tăng là một trong những rủi ro lớn nhất, có thể kéo tụt lùi sự phát triển.
Trong số các thị trường mới nổi, Mexico được đánh giá là tiềm năng nhất với cả tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu. Đa phần các nhà đầu tư đều cho biết sẽ đầu tư vào Mexico trong quý này. Sự lạc quan của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng với lập trường thân thiện với thị trường hơn của Tổng thống đắc cử Andres Manuel Lopez Obrador được cho là sự hỗ trợ lớn với các loại tài sản.
Đồng Peso của Mexico đã tăng hơn 4% so với đồng USD trong năm nay. Đây cũng là đồng tiền duy nhất tăng giá trong số 22 đồng tiền chủ chốt mà Bloomberg theo dõi. Trong khi đó, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng dưới cùng của bảng xếp hạng với đồng tiền lần lượt mất giá là 50 và 40%.
Trong quần qua, giá dầu thế giới cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều tuần tăng nóng, giảm phần lớn áp lực với các thị trường mới nổi. Chứng khoán Mỹ, hứng chịu cú sụt giảm nghiêm trọng, cũng đã có sự phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần, mở ra dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề mang tính dài hạn hơn mới đủ đảm bảo cho sự ổn định của thị trường mới nổi và một sự phục hồi dài hơn.