Có 2 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phục các thị trường xuất khẩu khó tính.
Hai doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vào truy xuất nguồn gốc nông sản là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka. Đây là một dự án hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Úc, cùng với Quỹ châu Á tại Việt Nam.
Theo đó từ tháng 9/2017, những lô hàng thanh long đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Australia đã đánh dấu bước tiến mới của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với việc ứng dụng công nghệ blockchain kỳ vọng trái thanh long Việt Nam sẽ được tiêu thụ mạnh không chỉ tại Úc, mà còn nhiều thị trường khó tính khác.
Theo ông Filip Graovac , Phó trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, công nghệ blockchain đã ứng dụng nhiều lĩnh vực từ tài chính cho đến giáo dục, thậm chí là cho các cuộc bầu cử nhằm gia tăng tính minh bạch. Công nghệ này cũng dễ dàng áp dụng trong lĩnh vực nông sản.
Theo đó, blockchain giúp theo dõi toàn bộ con đường đi của nông sản, hay nói cách khác dễ dàng truy suất nguồn gốc. Bởi vì mỗi sản phẩm nông sản đều hình thành từ một chuỗi các hoạt động từ cung cấp dịch vụ đầu vào cho đến sản xuất, thu hái, chế biến, phân phối và tiêu dùng. Mỗi sử liệu từ chuỗi cung ứng đó đều được blockchain ghi nhận lại giúp tăng tính minh bạch, độ tin cậy cho sản phẩm vì thông tin này không thể thay đổi.
Ông Robin Bednall, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cho biết, người tiêu dùng Úc rất quan tâm đến các nông sản mang tính khác biệt, như trồng hữu cơ, mang tính công bằng thương mại, khả năng truy suất nguồn gốc.
Công nghệ blockchain đáp ứng được các yếu tố này, mà một khi ứng dụng thì các nông sản Việt Nam dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường Úc, một thị trường cực kỳ khó tính, luôn đòi hỏi tính minh bạch cao nhưng lại đem đến giá trị gia tăng cao.
“Người tiêu dùng Úc vốn chỉ biết đến các sản phẩm thanh long “ made in Viet Nam ”, nhưng sản xuất như thế nào, trồng vùng nào, theo tiêu chuẩn nào hay thu hoạch, vận chuyển ra sao thì hoàn toàn không nắm bắt được.
Khi 2 doanh nghiệp Việt Nam áp dụng blockchain vào sản xuất kinh doanh thì người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin này.
Chẳng hạn, họ xem từ thu hoạch đến khi vận chuyển đến nước Úc mất bao lâu thời gian để xem độ tươi của sản phẩm, và điều đó cũng dẫn đến quyết định hành vi mua sắm của họ”, ông Robin Bednall nói.
Mở rộng ra sự hữu ích của blockchain cho kinh doanh của doanh nghiệp, bà Zoe Piper, chuyên gia của Ethitrade International (Úc) cho rằng, do mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng nông sản đều được blockchain ghi nhận lại dữ liệu thì doanh nghiệp sử dụng các dữ liệu thu thập được để phân tích điểm mạnh, điểm yếu từ các mắt xích đó để hiệu chỉnh lại việc kinh doanh, và phát hiện ngay vấn đề ở đâu nếu xảy ra sự cố.
Ngoài ra, theo ông Robin Bednall, trong tương lai công nghệ blockchain là yếu tố để giúp chứng minh chứng nhận xuất xứ (C/O) sản phẩm một cách dễ dàng và đơn giản hóa hơn. Nguyên nhân việc cấp C/O sẽ phụ thuộc vào từng quy định của mỗi quốc gia, cũng như các hiệp định song phương được ký kết, vốn khá phức tạp.
Quét mã truy xuất nguồn gốc thanh long ứng dụng công nghệ blockchain
Đây là dự án APEC Connect với sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chính phủ Úc và Quỹ châu Á. Dự án này được khởi động từ tháng 10/2017 cho đến tháng 10/2018 do Chính phủ Úc và Quỹ châu Á hỗ trợ kinh phí, với mục tiêu xây dựng ứng dụng truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ blockchain hướng đến xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam, và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Chương trình này cũng mới đưa vào thử nghiệm trên chuỗi thanh long xuât khẩu, sau đó hiệu chỉnh và áp dụng cho các nông sản khác.
Mục tiêu công ty tham gia dự án là để đáp ứng xu hướng tiêu dùng yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn và chất lượng sản phẩm, cũng như đưa được sản phẩm vào các thị trường khó tính như Nhật, úc, Hàn Quốc,...