Không gian làm việc mở ra đời từ trước những năm 60 của thế kỷ trước. Nhưng cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể chứng minh được lợi ích thực sự của văn hóa làm việc này.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Occupational & Environmental Medicine hồi tháng 8 cho thấy, những nhân viên làm việc tại các văn phòng mở ít bị stress hơn và năng động hơn các nhân viên làm việc trong văn phòng truyền thống. Nguyên nhân có thể là vì họ thường xuyên di chuyển ra xung quanh để tương tác với các đồng nghiệp hơn.
Trong khi đó, một nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia tại Harvard và được công bố hồi tháng 7 lại chứng minh rằng, những người làm việc trong văn phòng mở có xu hướng ít cộng tác hoặc tương tác với đồng nghiệp hơn người làm việc ở các văn phòng truyền thống.
Mặc dù các nghiên cứu này không dựa trên những dữ liệu giống hệt nhau, nhưng các kết quả được đưa ra dường như tạo nên những thông điệp mâu thuẫn nhau. Và chúng chỉ có thể chứng minh một điều rằng: khoa học vẫn chưa thể đưa ra cho chúng ta một kết luận rõ ràng về lợi ích của không gian làm việc mở.
Các nhà nghiên cứu ở Đại hoc Arizona cũng thực hiện một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 231 nhân viên văn phòng ở các tòa nhà chính phủ. Họ được đeo cảm biến đo chuyển động và nhịp tim trong 3 ngày. Kết quả là, những nhân viên ở những không gian làm việc mở năng động hơn 32% so với những người ở trong phòng làm việc riêng và hơn 20% so với những người ở trong các không gian làm việc truyền thống.
Các nhà nghiên cứu ở Harvard cũng đã thử nghiệm một cách làm mới. Họ tuyển dụng 52 nhân viên từ một công ty thuộc danh sách Fortune 500 và phá bỏ hoàn toàn các vách ngăn trong toàn bộ một tầng thuộc tòa nhà của mình để tạo ra không gian làm việc mở. Những nhân viên được thuê sẽ đeo huy hiệu có đính cảm biến và microphone để làm việc trong văn phòng mới và theo định hướng mới này trong vòng 3 tuần. Các nhà nghiên cứu cũng được cấp quyền truy cập vào các máy chủ để theo dõi hoạt động trao đổi qua email hoặc các kênh trò chuyện trực tuyến khác của những người được nghiên cứu.
Kết quả cuối cùng rất đáng kinh ngạc: Sau khi chuyển đổi cách làm việc như vậy, những người tham gia dành ít thời gian hơn để giao tiếp mặt đối mặt (ít hơn 73% so với lúc trước). Ngược lại, việc sử dụng email và các kênh trò chuyện trực tuyến tăng lên lần lượt là 67% và 75%.
Ý tưởng văn phòng mở đã phổ biến ở Mỹ từ trước khi kiểu thiết kế không gian làm việctheo dạng từng gian phòng nhỏ có vách ngăn của Công ty thiết kế nội thất Herman Miller trở thành kiểu mẫu vào những năm 1960. Sự ra đời của kiểu vách ngăn linh hoạt này giúp các công ty gia tăng thêm không gian riêng tư cho nhân viên mà không cần tốn thêm chi phí để mở rộng diện tích.
Công ty thiết kế nội thất Herman Miller được công nhận là nhà sáng tạo ra không gian làm việc theo kiểu văn phòng nhỏ (the office cubicle)
Nhưng bắt đầu từ những năm 1990, trào lưu văn phòng mở quay trở lại. Và hiện tại, ước tính có đến 70% các văn phòng ở Mỹ được thiết kế theo dạng này.
Những người ủng hộ cho rằng thiết kế văn phòng mở sẽ giúp có nhiều ánh sáng tự nhiên hơn, từ đó cải thiện sức khỏe cho nhân viên.
Tuy nhiên, thiết kế không gian làm việc mở cũng đối diện với nhiều ý kiến ở chiều ngược lại.
"Không gian làm việc mở với những đồng nghiệp gây phiền phức và những chiếc máy photo copy trục trặc có thể cản trở bạn đạt được hiệu quả cao trong công việc", tác giả Kabir Sehgal cho biết trong một bài viết được đăng trên Fortune hồi năm ngoái với tiêu đề “Đã đến lúc quay lại với kiểu không gian làm việc riêng với những vách ngăn”.
Theo Bích Trâm (Doanh Nhân Sài Gòn)