Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã đồng ý mời 10.000 y tá của Việt Nam sang làm việc từ nay cho tới năm 2020 do thiếu nhân lực trầm trọng.
Theo thông báo, Nhật Bản sẽ nhận khoảng 3.000 y tá trong vòng 1 năm và sẽ hỗ trợ tài chính cho các khóa học tiếng. Trong vòng 2 năm, con số này sẽ lên 10.000 người trong 2 năm tới và Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiền trình này ngay lập tức.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu nội các bắt đầu thu xếp để chấp nhận thêm lao động nước ngoài do thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Không riêng Việt Nam, Nhật Bản cũng đang hướng đến các nguồn lao động ở Indonesia, Cambodia hay Lào.
Kể từ tháng 11/2017, Nhật Bản đã chấp nhận những y tá Việt đến quốc gia này học tập và làm việc theo chương trình hợp tác đào tạo kỹ thuật giữa 2 nước. Những y tá có thể nói được vài câu giao tiếp cơ bản thậm chí có thể nhận được thị thực làm việc 5 năm tại Nhật. Hiện chính phủ Nhật đang xây dựng một chương trình cho phép các y tá kết thúc khóa đào tạo trên tiếp tục ở lại thêm 5 năm nữa.
Trên thực tế, không có nhiều lao động theo được chương trình đào tạo y tá của Nhật do đòi hỏi về ngôn ngữ quá cao. Quy định trước đây yêu cầu các học viên phải đạt chứng chỉ ngôn ngữ nhất định sau 1 năm học tập nếu không sẽ bị đuổi về nước, qua đó khiến rủi ro và chi phí tăng cao cho những người muốn xuất khẩu lao động.
Theo chương trình mới, phía Nhật sẽ tài trợ chi phí học tập cũng như làm việc với các công ty thuê y tá nước ngoài để đảm bảo họ được trả lương tương đương với những nhân viên địa phương chăm sóc người già tại đây.
Sắp tới, Nhật Bản sẽ nhận khoảng 3.000 y tá thông qua 12 công ty môi giới kiêm đào tạo của nước này. Chính phủ Việt Nam cũng sẽ thông qua 6 công ty môi giới để gửi lao động sang phía Nhật.
Trong khoảng 2008-2017, khoảng 3.500 nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe đã đến Nhật Bản do lượng người cao tuổi ở đây tăng cao nhưng chính phủ lại không đủ y tá. Việc Nhật Bản tăng thêm 3.000 người sắp tới tương đương với việc tăng gấp đôi số lượng hiện nay.
Báo cáo của Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật (MITI) cho thấy nước này thiếu khoảng 40.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe vào năm 2015. Dù Nhật Bản chấp nhận 10.000 y tá vào năm 2020 thì nước này vẫn còn thiếu khoảng 30.000 người nữa. Với tỷ lệ sinh đẻ âm như hiện nay, Nhật Bản ước tính sẽ thiếu khoảng 790.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe vào năm 2035.
Chương trình đào tạo y tá chăm sóc tại gia của Nhật Bản năm tài khóa từ 2015 đến 2017 chỉ mới hoàn thành 70% mục tiêu đề ra và việc thiếu quan tâm đầu tư, hỗ trợ của chính phủ là nguyên nhân chính cho tình trạng này.
Theo Báo Thời Đại