Chiều nay, 12/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, diễn giả của Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế cùng 15 diễn giả quốc tế tiêu biểu.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Nhận thức rõ hơn về CMCN 4.0 và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng ấy là vấn đề rất lớn hiện nay", Thủ tướng mở đầu cuộc làm việc. "Điều quan trọng là không chỉ nhận thức mà biện pháp nào để Việt Nam có thể thành công trong cuộc cách mạng đó".
Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những nội dung cốt lõi của CMCN 4.0 để từ đó "chúng ta hiểu đầy đủ bản chất của CMCN 4.0, những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Việt Nam đối diện và những chủ trương, chính sách để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0.
Đại diện các tập đoàn cho biết, đã và đang tiếp tục áp dụng những thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đây cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của mình thời gian qua. Trên thế giới, năm 2008, Tốp 10 công ty hàng đầu thế giới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực về tài nguyên thiên nhiên như khai thác dầu mỏ thì năm 2017, đa phần trong Tốp 10 này là công ty về đổi mới sáng tạo. Thông tin này được đại biểu dẫn chứng để cho thấy vai trò, sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp.
Hoan nghênh một số chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực khoa học công nghệ, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực.
Có ý kiến cho rằng, rủi ro lớn trong CMCN 4.0 là rủi ro về nhân lực, do đó, cần có chính sách tạo nguồn nhân lực 4.0 và trước hết, cần thay đổi công nghệ đào tạo để nhiều người có thể học tập. Và trong nguồn nhân lực thì nhân lực thuộc diện "hot nhất" là nhân lực về trí tuệ nhân tạo khi mà trên toàn cầu hiện nay, mới có khoảng 10.000 chuyên gia về lĩnh vực này. Trong khi đó, các trường tại Việt Nam rất ít đào tạo về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các đại biểu cho rằng, cần đưa chương trình giảng dạy về lĩnh vực này vào các trường đại học và cả ở tiểu học.
Điều quan trọng, theo ý kiến đại biểu, để áp dụng CMCN 4.0 thì cần tạo ra sự khác biệt.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhất trí với ý kiến này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, năm nay, Đảng sẽ ban hành nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, chủ động, tích cực trong cuộc CMCN 4.0, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng các chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách, tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với "môi trường 4.0".
Đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn về "những lời nói chân thành, lời khuyên, nhất là những giải pháp mà các bạn dành cho Chính phủ Việt Nam".
Nhấn mạnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA, với độ mở nền kinh tế rất cao (tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP), Thủ tướng cho rằng CMCN 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Việt Nam đã bước đầu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy. Phần lớn người dân Việt Nam đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Quý vị có lời khuyên và chúng tôi tiếp thu ý này, là Chính phủ Việt Nam tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…", Thủ tướng nói. "Đến giờ phút này, hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế".
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thông tin về xếp hạng mới nhất về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng thêm 2 bậc trong năm 2018, xếp thứ 45/126 nền kinh tế, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn nhiều yếu kém, bất cập, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, đòi hỏi phương án triển khai nhanh, quyết liệt hơn.
"Tôi đồng ý với ý kiến một số vị đã nêu, chúng ta phải tìm sự khác biệt để nâng cao tốc độ áp dụng cuộc cách mạng này, đặc biệt là giới khoa học công nghệ, giới doanh nghiệp để tiến bước với các nước hàng đầu khu vực ASEAN", Thủ tướng nói.
Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội mới để phát triển, đồng thời nảy sinh thách thức không nhỏ đối với quốc gia, doanh nghiệp, mỗi cá nhân. Trước sự phát triển vũ bão ấy, không những Nhà nước, doanh nghiệp mà người dân cần có nhận thức tốt hơn để áp dụng kịp thời những tiến bộ kỹ thuật, từ Chính phủ điện tử, đến thành phố thông minh mà như nhiều đại biểu đã nêu, là đào tạo nguồn nhân lực. "Vì vậy, áp dụng, ứng phó, ngăn chặn tác động tiêu cực để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, là vấn đề chúng tôi suy nghĩ, đặt ra và cũng mong các chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiến bước trong CMCN 4.0".
Theo chương trình, ngày mai, 13/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự, chủ trì phiên Diễn đàn cấp cao về CMCN 4.0, dự kiến sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về CMCN 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các bộ trưởng trả lời những vướng mắc được doanh nghiệp nêu ra.