Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch sôi động hơn tuần liền kề trước đó.
1. TTCK Việt Nam "hụt hơi" về thanh khoản
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giảm điểm, chỉ số VN-Index đã có những sự điều chỉnh nhất định đi kèm sự sụt giảm về thanh khoản khiến xu thế chung của thị trường quay lại trạng thái giằng co. Chính sự gia tăng của áp lực bán ròng từ khối ngoại đã khiến VN-Index chấm dứt chuỗi 2 tuần lễ phục hồi liên tiếp.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.016,51 điểm (-2,16%) và HNX-Index chốt phiên ở 115,9 điểm (-3,2%) so với tuần liền trước. Điểm nhấn lớn nhất trong tuần qua là nhóm cổ phiếu Large Cap đã giúp thị trường tiếp tục có những phiên giữ nhịp thị trường. Trong đó VNM, VCB , VIC, MWG, BVH… thay phiên nhau nâng đỡ VN-Index giữ vững ngưỡng 1.000 điểm tuần qua.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Khởi đầu tuần mới, mặc dù trong phiên thị trường có lúc tăng khá mạnh nhưng các chỉ số đều bị đuối dần về cuối phiên khi GAS và nhiều cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh. Sự phân hóa tiếp tục diễn ra khi có nhiều cổ phiếu nhỏ và vừa tăng như DGW, TTB, DGW...
Bên cạnh đó thông tin Quốc Hội đồng ý lùi Luật Đặc Khu đã tác động mạnh mẽ đến một số cổ phiếu Bất động sản có dự án ở Phú Quốc. Tại phiên đầu tuần, khối ngoại giao dịch khá tiêu cực khi mở đầu tuần mới bằng việc bán ròng 192 tỷ trên HOSE và 6 tỷ trên HNX. Có vẻ dường như sau giai đoạn phục hồi mạnh, các chỉ số đang có sự chững lại. Đây có thể coi là nhịp điều chỉnh, tích lũy trong giai đoạn hiện tại.
Đến gần cuối tuần, điểm đáng quan tâm đó là sự kiện FED tăng lãi suất 0,25% và hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index trải qua sự biến động lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, phần lớn thời gian thanh khoản rất thấp, giao dịch không sôi động. Chỉ đến cuối phiên, việc ETF cơ cấu danh mục cải thiện thêm thanh khoản.
Theo các chuyên gia VDSC nhận định, thị trường vẫn đang trong giai đoạn chưa rõ rệt xu hướng. Trong ngắn hạn, xu hướng vẫn là giảm. Nhóm vốn hóa lớn vẫn đang chịu áp lực bán. Một số cơ hội đầu tư xuất hiện ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chính vì vậy nhà đầu tư nên duy trì danh mục cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu và chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn xuất hiện.
Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch sôi động hơn tuần liền kề trước đó. Tuy vậy đa số các vị thế long - short trong tuần qua đều mang tâm lý khá thận trọng, "hoài nghi" khi liên tục co giật ở những cột mốc kĩ thuật quan trọng.
Trong khi đó rủi ro vẫn được đánh giá ở mức cao đối với các vị thế giữ lệnh qua đêm do diễn biến phức tạp giằng co chưa rõ xu hướng trên thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 78.856 hợp đồng (tăng hơn 3% so với tuần liền trước).
2. TTCK thế giới bình ổn trừ Trung Quốc
Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm vào đầu tuần nhưng lại quay đầu giảm điểm vào thứ Sáu. chính kết thúc hỗn hợp. Các chỉ số đã có phản ứng tích cực sau cuộc họp chính sách của FED hôm thứ Tư. Các quan chức FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% như dự kiến, kèm theo kế hoạch có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm 2018. Tuy nhiên căng thẳng thương mại với Trung Quốc lại leo thang vào thứ Sau đã khiến các chỉ số quay đầu giảm điểm. Chỉ số S&P500 đóng cửa ở 2.779 điểm (-0,03%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.090 điểm (-0,97%), và chỉ số NASDAQ Composite đóng cửa ở 7.746 điểm (+0,27%). Các cổ phiếu ngành hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh nhất trong các nhóm ngành, trong khi đó nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính, và công nghiệp lại lao dốc.
Đối với châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trong tuần, mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khai thác mỏ và năng lượng. Nhưng khối lượng giao dịch ở mức khá thấp vào đầu tuần do các nhà đầu tư chờ đợi tin tức từ cuộc họp của ECB.
Cuối cùng, ECB đã ra một quyết định làm bất ngờ giới đầu tư khi tuyên bố sẽ giảm dần chương trình QE và chấm dứt vào tháng 12 năm nay, và có thể chờ đợi ít nhất tới giữa năm 2019 để bắt đầu tăng lãi suất. Tuyên bố của ECB đã làm đồng euro giảm mạnh so với đô la Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.010 điểm (+1,51%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.633 điểm (-0,62%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.501 điểm (+0,77%).
Thị trường chứng khoán Nhật Bản có sự phân hóa khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.851 điểm (+0,7%), và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.789 điểm (+ 0,44%).
Đồng Yên tiếp tục suy yếu, đóng cửa phiên giao dịch vào thứ Sáu ở mức 110,6 yên/ đô la Mỹ. Các chính sách tiền tệ của Nhật Bản vẫn không có gì thay đổi khi Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ ở mức hiện tại. BOJ sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản với tỷ lệ 80 nghìn tỷ yên mỗi năm, duy trì mục tiêu giữ lãi suất trái phiếu 10 năm ở mức 0 và giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% đối với một số khoản tiền gửi tại ngân hàng trung ương.
Cuối cùng, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã kết thúc ở mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2016 vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng nổ sẽ kéo giảm tốc độ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.021 điểm (-1,18%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.309 điểm (-2,28%). Theo giới phân tích, đây là kết quả của việc chính quyền của tổng thống Trump phê chuẩn mức thuế suất mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ cũng đã gần hoàn thành một bản danh sách thứ hai để tiếp tục áp thêm thuế trên 100 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.