Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan nhờ các điều kiện thuận lợi cả trong nước và quốc tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Điểm lại, nhận định triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện. GDP dự kiến tăng 6,8% năm nay, được điều chỉnh tăng so với 6,5% trước đó và cao hơn mục tiêu của Chính phủ (6,7%). Dù vậy, hai năm tới, tốc độ này sẽ chậm lại, còn 6,6% và 6,5%, do sức cầu toàn cầu chững lại.
Lạm phát dự báo 4% vẫn quanh mục tiêu của Chính phủ. Tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới. Bội chi ngân sách và nợ công sẽ vẫn trong vòng kiểm soát. Nợ công đã có dấu hiệu ổn định lại từ năm 2017. Tỷ lệ nợ công trên GDP năm nay dự báo là 61,2% - giảm so với 61,4% năm ngoái.
Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo vượt mục tiêu của Chính phủ năm nay. Ảnh: Reuters
Tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên," ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, “Kinh tế đang trong giai đoạn vững chắc là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, nhằm giải quyết những thách thức để duy trì đà tăng trưởng”.
WB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào nhu cầu toàn cầu đang ở chu kỳ tăng, đầu tư ở khu vực FDI và tư nhân đang hồi phục. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn cũng góp phần vào đà tăng này.
Dù vậy, WB cho rằng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, cả trong và nước ngoài. Việc chậm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và ngành ngân hàng có thể gây bất lợi cho tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực Nhà nước. Còn trên thế giới, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến có thể gây xáo trộn thị trường tài chính.
Nhận định về ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, WB, ông Sebastian Eckardt - kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng các thị trường chỉ phản ứng không đáng kể, vì đã dự đoán được từ lâu. Với Việt Nam, đây thậm chí là tin tốt, do việc này cho thấy kinh tế Mỹ đang tốt lên, nhu cầu hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ tăng theo. Việt Nam cũng sẽ không bị ảnh hưởng lớn từ việc dòng vốn rút khỏi các thị trường ngoài Mỹ.
Báo cáo lần này của WB cũng đi kèm chuyên đề đặc biệt về những ưu tiên cải cách nhằm giảm chi phí thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện một chương trình tổng thể với 4 trụ cột, gồm giảm chi phí thương mại, cải thiện chất lượng kết nối và hạ tầng liên quan đến thương mại, hình thành ngành dịch vụ logistics cạnh tranh và tăng cường phối hợp liên ngành cũng như phối hợp với khu vực tư nhân.
Hà Thu (Vnexpress)