Số bội chi năm 2016 thấp hơn dự toán nhưng tỷ lệ bội chi vẫn vượt chỉ tiêu 0,57% do GDP không đạt kế hoạch.
Sáng 12/6, hơn 95% đại biểu bấm nút tán thành thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước 2016. Theo đó, tổng thu ngân sách hơn 1,407 triệu tỷ đồng, gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang 2016; thu kết dư ngân sách địa phương 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2002.
Tổng chi ngân sách gần 1,575 triệu tỷ đồng, gồm cả số chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm 2017.
Mức bội chi ngân sách 2016 là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách gồm vay trong nước 197.165 tỷ đồng, nước ngoài 51.563 tỷ.
Giải trình, tiếp thu trước đó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến lo ngại tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP năm 2016 cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép, ảnh hưởng đến nợ công.
Về tỷ lệ, mức bội chi ngân sách 2016 được quyết toán cao hơn mức cho phép 0,57%. Ảnh:PV
Theo ông Hải, bội chi năm 2016 thấp hơn dự toán nhưng do GDP không đạt kế hoạch, giảm gần 600.000 tỷ đồng, nên tỷ lệ bội chi trên GDP cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép (4,95%). Chưa kể số nợ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục tăng, 63,71%.
Năm 2017 các chỉ số này đã được kiểm soát tốt hơn, nợ công giảm về 61,4% GDP. Vì thế, để bảo đảm giữ mức bội chi hàng năm, giảm áp lực gia tăng nợ công, Quốc hội đề nghị Chính phủ cần dự báo, tính toán GDP sát thực tế; trong điều hành cần bám sát dự toán, ưu tiên sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi để giảm và bảo đảm bội chi hàng năm trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm (%).
"Chính phủ cần có giải pháp đảm bảo mục tiêu bội chi ngân sách 2016 - 2020 khoảng 3,9%GDP, dư nợ công trong mức giới hạn cho phép", ông Nguyễn Đức Hải nói.
Trường hợp dự báo tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch cần chủ động điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp để bảo đảm tỷ lệ bội chi trên GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.
Anh Minh (Vnexpress)