Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam trả lời phỏng vấn TTXVN về quan hệ hai nước nhân chuyến thăm của Toàn quyền Australia đến Việt Nam.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Toàn quyền Australia, ngài Peter Cosgrove và Phu nhân tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 23-26/5/2018. Đây cũng là sự kiện quan trọng trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia (26/2/1973-26/2/2018). Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Craig Chittick.
*Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết chuyến thăm của Toàn quyền Australia, ngài Peter Cosgrove và Phu nhân tới Việt Nam từ ngày 23-26/5/2018 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay?
*Đại sứ Craig Chittick: Tôi có thể tự tin khẳng định rằng quan hệ hợp tác Việt Nam –Australia phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đây không phải là quan điểm của riêng tôi mà cũng là quan điểm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcom Turnbull. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược là kết quả phản ánh tiến trình lâu dài hai nước đã xây dựng và hợp tác cùng nhau.
Với chuyến thăm của Toàn quyền Australia và Phu nhân, muốn gửi đến một thông điệp là mối quan hệ Việt Nam-Australia hiện đang nằm trong trọng tâm công việc của hai nước.
*Phóng viên: Trong những năm qua, Australia đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam. Đại sứ có thể cho biết, trong thời gian tới, Australia có chương trình cụ thể nào để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực mà Australia có thế mạnh?
*Đại sứ Craig Chittick: Chính phủ Australia rất tự hào vì trong một thời gian dài đã dành nguồn hỗ trợ vốn vay ưu đãi ODA cho phía Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng những kinh nghiệm, kết quả thu được sẽ tiếp tục tạo nên những thành công đối với Việt Nam trong quá trình phát triển. Một mặt chúng tôi luôn tự hào với chương trình viện trợ lớn và nổi bật trong nhiều năm qua đối với Việt Nam, mặt khác, chúng tôi cho rằng, Chương trình ODA cần phải thay đổi trong thiết kế, nội dung để sao cho phù hợp với những thách thức về kinh tế -xã hội của Việt Nam vào thời điểm hiện nay và trong thời gian tới.
Với sự hỗ trợ kinh phí của Australia, việc xây dựng Cầu Mỹ Thuận (nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long) và Cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp của Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ sau hai dự án này, Chính phủ Australia sẽ có bước hỗ trợ Việt Nam theo hướng xây dựng năng lực, tạo được cơ chế đối thoại, giúp tiếp cận nguồn vốn được cung cấp từ khu vực tư nhân.
*Phóng viên: Xin Đại sứ đánh giá sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Australia thời gian qua cũng như triển vọng quan hệ hai nước thời gian tới? Hai bên cần làm gì để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và hiệu quả?
*Đại sứ Craig Chittick: Khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, ngay lập tức Chính phủ Australia bắt tay ngay vào việc xây dựng, vun đắp mối quan với Việt Nam. Những hoạt động hợp tác đã có từ thời điểm năm 1974.
Trong 20-25 năm vừa qua, đã có nhiều quyết định trọng đại của hai quốc gia nhằm thúc đẩy mối quan hệ hai nước bằng những dấu mốc đáng ghi nhớ. Đó là việc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Australia (ACIR) hoạt động tại Việt Nam, bước đầu tiên trong việc xây dựng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Cách đây 20 năm hai nước bắt đầu chương trình hợp tác quốc phòng. Năm 2019, hai nước cũng kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ hợp tác thực thi pháp luật.
Về quan hệ thương mại, trong vòng 10 năm qua, quan hệ Việt Nam –Australia có những dấu mốc quan trọng. Trước hết, hai nước đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tháng 3/2018, Việt Nam và Australia cùng với 9 nước khác đã cùng ký kết Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định sự gia tăng hội nhập của mình trong lĩnh vực thương mại thế giới. Hiện nay Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Australia.
Về an ninh hàng hải, hai nước đã có thời gian dài hợp tác. Đây là một phần quan trọng trong hợp tác an ninh của hai nước. Sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, lĩnh vực hợp tác này sẽ được mở rộng hơn nữa.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, hai bên đã nỗ lực vun đắp nên thành công ngày hôm nay. Nhưng đây mới chỉ là điểm bắt đầu một chặng đường mới trong quan hệ hai nước. Đó là chặng đường hai nước tiếp tục quan hệ tăng cường về kinh tế, thương mại, an ninh. Năm 2018 sẽ là năm tốt nhất để chúng ta đánh dấu sự thành công của những lĩnh vực này.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Theo Trí Thức Trẻ