Điều gì xảy ra khi xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện?

Written by  - Wednesday, 16 May 2018

Mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia mới mà Fitch đưa ra cho Việt Nam tuy vẫn ở mức thấp (‘BB’) nhưng đã tiệm cận mức mà các tổ chức xếp hạng tín dụng khuyến cáo đầu tư và nắm giữ.

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch mới đây đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên ‘BB’ từ mức ‘BB-‘, với triển vọng ‘Ổn định’. Nếu các hãng xếp hạng tín dụng chủ chốt khác trên thế giới như Standard & Poor’s và Moody’s cũng có những động thái tương tự thì đây là một điểm rất tích cực cho Việt Nam.

Trước tiên, cần tìm hiểu về ý nghĩa của mức xếp hạng tín nhiệm ‘BB’ của Fitch (tương đương với mức ‘Ba’ của Moody’s và ‘BB’ của Standard & Poor’s). Ở mức này, nợ (trái phiếu) của Chính phủ được xác định là "Hơi có tính đầu cơ; chất lượng thấp". Để so sánh, trên mức này một nấc là mức ‘BBB’ được xác định là mức thấp nhất trong nhóm xếp hạng tín nhiệm ở mức ‘đầu tư’. Còn ở dưới mức ‘BB’ một nấc là ‘B’ thì được xác định là "Rất có tính đầu cơ". Mức ‘đầu tư’ được đặt ra bởi nhiều tổ chức tài chính trên thế giới như ngân hàng chỉ được luật pháp sở tại cho phép đầu tư vào các loại chứng khoán có mức chất lượng tối thiểu là ở mức ‘đầu tư’. Ở mức này, trái phiếu/chứng khoán có chất lượng khá an toàn.

Điều này có nghĩa là tuy trái phiếu Chính phủ Việt Nam tuy vẫn ở mức thấp (‘BB’) nhưng đã tiệm cận mức mà các tổ chức xếp hạng tín dụng khuyến cáo đầu tư và nắm giữ.

Tiếp theo, về tác động của việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hạng tín nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay mượn – tức lãi suất mà người phát hành chứng khoán, trong trường hợp này là Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu, phải chào mời để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khi xếp hạng tín nhiệm bị hạ xuống, điều này sẽ làm giảm giá trái phiếu Chính phủ (đồng thời làm tăng lợi suất trái phiếu). Ngược lại, nếu xếp hạng tín nhiệm được cải thiện, giá trái phiếu Chính phủ sẽ tăng lên (và lợi suất sẽ giảm đi). Trên thực tế, giá trái phiếu Chính phủ thậm chí còn lên hay xuống ngay cả khi nhà đầu tư nhìn thấy nhiều khả năng xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ bị hạ đi hay nâng lên và họ sẽ bán hay mua trước để đón đầu.

Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, sự cải thiện về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tuy sẽ cần một thời gian để phản ánh đầy đủ tác động, nhưng nhìn chung chắc chắn sẽ làm giảm chi phí vay (lãi suất) vay nợ nước ngoài cho quốc gia. Nó cũng làm giảm chi phí vốn nói chung cho thị trường vốn ở Việt Nam. Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn cũng được hưởng lợi khi họ có thể tiếp cận với thị trường vốn trong và ngoài nước với chi phí thấp hơn. Với các ngân hàng thương mại, do chi phí tái cấp vốn sẽ giảm nên việc củng cố và cải thiện cơ sở vốn sẽ thuận lợi hơn, góp phần tăng cường sức khỏe của hệ thống ngân hàng.

Một điều rất quan trọng nữa là xếp hạng tín dụng của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng được "ăn theo" sự cải thiện về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, do mức xếp hạng tín dụng của họ được mặc nhiên gắn với xếp hạng tín nhiệm quốc gia (thường ở mức thấp hơn một nấc), do sự ngầm định rằng Chính phủ sẽ phải ra tay cứu trợ và trả nợ thay cho các DNNN nếu chúng gặp khó khăn và/hoặc mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sự nâng hạng tín nhiệm quốc gia không chỉ mang đến toàn những điểm cộng. Bên cạnh những tác động tích cực nói trên, vẫn có những rủi ro cần xử lý. 

Thứ nhất, do chi phí vay nợ nước ngoài giảm đi nên Chính phủ và các doanh nghiệp nói chung có xu hướng tăng cường vay mượn nước ngoài nhiều hơn. Điều này làm cho dòng vốn nước ngoài đổ vào nền kinh tế nhiều hơn, tăng áp lực lên giá của tiền đồng, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam.

 

Tuy vậy, trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên trên thế giới do các đợt nâng lãi suất của Fed đã và sắp tới, áp lực lên giá của tiền đồng, nếu có, do sự gia tăng của dòng ngoại tệ đổ vào nền kinh tế bắt nguồn từ việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Fitch sẽ trung hòa áp lực xuống giá của tiền đồng so với USD khi Fed tăng lãi suất ở Mỹ. Nếu USD không mạnh lên trên thị trường thế giới thì cơ quan hữu trách của Việt Nam cần phải điều hành chính sách ngoại tệ một cách khéo léo để tiền đồng không lên giá mạnh so với USD.

Thứ hai, nếu lãi suất vay mượn bằng tiền đồng không giảm tương ứng, điều này sẽ làm tăng chênh lệch chi phí vay mượn bằng tiền đồng với ngoại tệ theo hướng có lợi cho việc vay mượn bằng ngoại tệ. Kết quả là Chính phủ và doanh nghiệp cũng như ngân hàng có xu hướng tăng cường vay mượn bằng ngoại tệ so với nội tệ, làm tăng tỷ trọng nợ ngoại tệ trong tổng nợ quốc gia và doanh nghiệp, làm tăng mức độ rủi ro và tổn thương của nền kinh tế khi dòng vốn ngoại đổi chiều. Để hóa giải rủi ro này, cần thiết phải thắt chặt các hạn mức về vay mượn bằng ngoại tệ, đồng thời có những giải pháp khai thông thị trường vốn trong nước với lãi suất vay nội tệ giảm tương ứng hoặc nhanh hơn lãi suất vay ngoại tệ nói chung. Việc thắt chắt các hạn mức vay mượn ngoại tệ này cũng góp phần làm giảm áp lực lên giá tiền đồng như nói ở trên.

TS. Phan Minh Ngọc (Theo Trí thức trẻ)

전략적 파트너십