Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của châu Á nói chung và Singapore nói riêng.
Theo đó, dòng vốn đầu tư của Singapore sẽ hướng vào các lĩnh vực như điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất, lương thực và đặc biệt là cung ứng các dịch vụ phụ trợ như tự động hóa sectors và logistics. Đây là những thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore được tổ chức mới đây, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư Singapore đến Việt Nam kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.
Trái ngọt từ đầu tư cơ sở hạ tầng
Dự án VSIP tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng - một trong chuỗi dự án minh chứng cho thành công của dòng vốn FDI Singapore vào Việt Nam.
Hiện nay, Singapore đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, với 2015 dự án trị giá khoảng hơn 43 tỷ USD. Quy mô đầu tư trung bình của nhà đầu tư Singapore ở Việt Nam khoảng 23,6 triệu USD/dự án, lớn hơn nhiều so với mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam hiện nay khoảng 14 triệu USD/dự án. Theo đó, những lĩnh vực mà nhà đầu tư Singapore chủ yếu tập trung vào đó là các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, bất động sản, giáo dục, giải trí...
Nhận định về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, ông Douglas Foo, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Singapore cho biết: “Việt Nam hiện đang dần trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại châu Á. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore, nhất là đối với các ngành như điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất lương thực, cung ứng các dịch vụ phụ trợ như tự động hóa sectors và logistics”.
Hiện nay, có nhiều công ty Singapore đã đầu tư vào các lĩnh vực như cảng biển, và logistics, các dự án nhà ở, khu đô thị và khu công nghiệp tại Việt Nam. Nhắc đến dòng vốn FDI từ Singapore trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng là khu công nghiệp phải kể đến các khu công nghiệp như khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).
Được biết, hiện nay đã có 8 dự án VSIP được đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 10 tỷ USD với 800 nhà đầu tư đến từ 30 nền kinh tế trên thế giới chỉ trong khoảng thời gian 20 năm. Điều này đã phần nào cho thấy thành công của các dự án VSIP nói riêng và của dòng vốn FDI Singapore đổ vào đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nói chung.
Triển vọng dựa trên thế mạnh đầu tư
Lý giải một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công này, theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương: "Lợi thế tiềm năng của Singapore tập trung vào 3 yếu tố đó là nguồn vốn dồi dào, phát triển công nghệ cao và hệ thống logistics".
Chính vì vậy, trong hoạt động thu hút FDI từ Singapore trong thời gian tới, Việt Nam khuyến khích Singapore tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các lĩnh vực khác như năng lượng, bao gồm khí hóa lỏng và năng lượng tái tạo, du lịch (bao gồm phát triển du lịch tàu biển, quản lý và quảng bá sản phẩm), cơ sở hạ tầng (bao gồm đường cao tốc và cảng biển), giải pháp đô thị, khoa học công nghệ, khu công nghệ cao, thành phố thông minh (trong các lĩnh vực về an ninh, an toàn công cộng, giao thông thông minh và cơ sở hạ tầng số) và nền kinh tế số (bao gồm liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp Singapore và Việt Nam).
Kỳ vọng về việc tăng cường vào những lĩnh vực đầu tư cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia và Tài chính Lawrence Wong cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam – Singapore có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Singapore cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số, nhất là khi Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với dân số đông, người tiêu dùng trẻ và giỏi công nghệ. Môi trường như vậy sẽ thu hút được nhiều quỹ đầu tư vào các startup, trong đó có các nhà đầu tư của Singapore.
Được biết, đã có 16 thoả thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore. Theo đó, những thoả thuận hợp tác này sẽ góp phần giúp Singgapore giữ vững vị thế là nhà đầu tư lớn số 3 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam bằng hàng hoạt các dự án đầu tư mới hoặc thoả thuận hợp tác, đầu tư. Trong đó phải kể đến biên bản ghi nhớ triển khai các nội dung hợp tác giữa Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với Liên đoàn sản xuất Singapore và Bản ghi nhớ đồng ý về mặt nguyên tắc cho nhóm các nhà đầu tư của Singapore do Công ty Sakae Corporate Advisory chủ trì hỗ trợ thành phố nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch khu vực Vịnh Đà Nẵng, nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn tại Đà Nẵng.
Liên quan đến lĩnh vực hàng không, được biết Singapore cam kết đào tạo nhân viên hàng không dân dụng và hàng hải Việt Nam. Ngoài ra, dự kiến hai bên sẽ có đường bay thẳng từ Nha Trang tới Singapore trong thời gian tới.
Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Singapore tăng cường cơ hội hợp tác và đầu tư lẫn nhau trong thời gian tới.
Theo Ngọc Hà
Diễn đàn doanh nghiệp