Doanh nghiệp của cả 2 lĩnh vực này cần chủ động bắt tay với nhau, xác định cùng hỗ trợ phát triển để tăng trưởng bền vững.
Tại Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp đa quốc gia trong 2 lĩnh vực logistics và thương mại điện tử chỉ thực sự phát triển những năm gần đây. Nhưng sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình, là một trong các yếu tố dẫn tới giá mua hàng trực tuyến chưa thấp hơn đáng kể so với mua theo phương thức truyền thống.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định thương mại điện tử muốn phát triển không thể thiếu dịch vụ logistics.
Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV lo ngại, liệu dịch vụ logistics có đáp ứng nhu cầu phát triển của thương mại điện tử hiện tại và tương lai hay không. Nhất là khi tốc độ phát triển của thương mại điện tử tăng đến 25%, logistics sẽ đáp ứng như thế nào khi phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
"Với nền kinh tế số và thương mại điện tử cần lấy khách hàng là trung tâm", ông Lực đề xuất và lưu ý các doanh nghiệp số cần thay đổi mô hình kinh doanh, khách hàng làm việc trực tiếp với người bán hàng. Thêm vào đó, cần nâng cao chuỗi cung ứng, cộng với nguồn nhân lực đang có bất cập lớn và công nghệ thông tin đang thiếu về thương mại hoặc kinh doanh.
“Có doanh nghiệp cho rằng cần phải giao hàng nhanh với chi phí thấp và dịch vụ tốt… nhưng tôi cho rằng, nhân tố chính là chất lượng và niềm tin. Hiện nay hàng giả, hàng nhái nhiều, vì thế rất cần thiết phải có sự trải nghiệm của khách hàng, các doanh nghiệp cần nhìn nhận thêm từ phương diện khách hàng”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, Logistics và thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển trong thời gian tới. .
“Thời gian vừa qua đã có sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics, tuy nhiên, sự kết hợp này còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khăn, chưa có luật về e-logistics (dịch vụ hậu cần điện tử), quy định về giao thông thay đổi thường xuyên, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, việc ứng dụng công nghệ trong e-logistics còn thấp…”, ông Hải nói.
Để logistics phát triển đồng hành cùng thương mại điện tử, ông Nguyễn Trần Thi, Tổng Giám đốc Giaohangnhanh.vn cho rằng, cần phải cải thiện nhiều mặt, song chủ yếu nằm ở sự chủ động của các doanh nghiệp. Thông qua kết hợp hệ thống và quy trình của 2 bên để giảm chi phí và hiệu quả hơn. Các bên cần xem nhau như các bộ phận nội bộ để liên kết chặt chẽ; cùng thiết kế ra một giải pháp tổng thể để cung cấp cho khách hàng…
Còn theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nếu các doanh nghiệp logistics biết liên kết lại với nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau từ nền tảng của dịch vụ có sẵn của các bên, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử đang là yêu cầu cấp bách. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp thương mại điện tử phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hoạt động còn chưa lớn, tính chuyên nghiệp chưa cao, và đặc biệt là chưa có sự liên kết chặt chẽ để phục vụ khách hàng.
Việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là những mệnh lệnh sống còn đối với doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp thương mại điện tử.