Làn sóng M&A bất động sản thứ 2 bắt đầu từ 2015 và ngày càng lớn mạnh.
Năm 2017 chứng kiến thương vụ M&A (hợp nhất và mua lại) trong ngành bất động sản của Việt Nam với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD từ nhiều tổ chức nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng 6,8%, vượt mục tiêu của Chính phủ (6,7%) và cao hơn mức tăng hàng năm trong giai đoạn 2011-2016. FDI đạt mức kỷ lục mới trong năm ngoái, gần 35,9 tỷ USD - tăng 44,4%.
BĐS Việt Nam thu hút hàng tỷ USD vốn nước ngoài (Nguồn: Amcham Vietnam).
Nền kinh tế toàn cầu cũng có nhiều yếu tố tích cực, cho phép kinh tế Việt Nam, đặc biệt là BĐS phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài bơm 2,5 tỷ USD vào lĩnh vực này, hầu hết thông qua các giao dịch M&A. Năm ngoái, thị trường M&A tổng thể ước đạt 8 tỷ USD, trong đó BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất. Nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc đại lục.
Liên doanh là hình thức phổ biến vì nhà đầu tư nước ngoài có tài chính mạnh và kinh nghiệm dày dặn trong khi các nhà đầu tư trong nước có quỹ đất và liên kết chặt chẽ với cộng đồng.
Hàng loạt dự án tỷ USD
Một trong những dự án lớn lớn nhất là khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP HCM với nhiều thỏa thuận lớn như hợp đồng liên doanh giữa Hong Kong Land (HKL) và công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) để phát triển Thủ Thiêm River Park ở Quận 2 hồi tháng 2 năm ngoái với tổng giá trị phát triển dự kiến hơn 400 triệu USD.
Dự án Thủ Thiêm River Park có 1.140 căn hộ đa dạng từ loại hình đến diện tích (Nguồn: Thủ Thiêm River Park).
Trong quý vừa qua, CapitaLand mua lại khu đất 1,45 ha tại Quận 4 với giá 53,5 triệu đôla Singapore (khoảng 40 triệu USD), dự án thứ chín tại TP HCM và thứ 11 trong cả nước. VinaLand, quỹ đầu tư bất động sản (BĐS) của Vina Capital, bán toàn bộ cổ phần Vina Square, dự án phát triển rộng 3 ha tại Quận 5 cho Công ty BĐS Trí Đức với giá khoảng 41,2 triệu USD.
Tập đoàn Warburg Pincus của Mỹ ký hợp đồng trị giá 300 triệu USD với VinaCapital để xây dựng khách sạn. Mapletree từ Singapore tiếp quản Kumho Asiana Plaza Saigon và Keppel Land dự kiến phát triển các lô đất tại Khu Đô thị Thủ Thiêm. Công ty quản lý đầu tư BĐS JLL hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á.
Các yếu tố thúc đẩy đầu tư
Các chuyên gia cho biết thị trường bắt đầu làn sóng M&A thứ 2 từ 2015 nhờ quá trình cổ phần hóa nhanh chóng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài. Các DNNN tọa lạc trên những vùng đất lớn với vị trí đẹp chính là sức hút mạnh mẽ. Nhà đầu tư đặc biệt lưu ý đến các dự án có vị trí đắc địa và khả năng thu về 7-8% lợi nhuận như những tòa nhà văn phòng hạng A.
Không chỉ thế, Chính phủ hiện cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, chỉ trừ trong một số lĩnh vực trọng yếu. Vì vậy, một công ty có thể mua một DNNN nhỏ chỉ để tận dụng đất.
Một lý do khác là chính sách hội nhập toàn cầu nhanh chóng và thân thiện với nhà đầu tư của Việt Nam. Lĩnh vực BĐS cũng được thúc đẩy bởi sự cải thiện tính minh bạch của thị trường và đơn giản hóa thủ tục. Ngoài ra, những nỗ lực giải quyết nợ xấu của ngân hàng là một yếu tố quan trọng trong việc kích thích các giao dịch M&A.