Các ông lớn ngành bán lẻ Hàn Quốc đổ xô vào Việt Nam

Written by  - Sunday, 29 December 2019

Với sự phát triển của thương mại điện tử ở quê nhà, các nhà bán lẻ Hàn Quốc phải chuyển hướng sang Việt Nam nhưng cạnh tranh ở đây cũng rất lớn...

Ảnh: Nikkei Asian Review

Rất dễ để bắt gặp những ca khúc nhạc pop Hàn Quốc được phát tại một cửa hàng tiện lợi GS25 ở phường Đa Kao, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh trong khi những người nhân viên đang kiểm đếm snack và các loại văn phòng phẩm. Tương tự, trên kệ trưng bày, những gói mì ramen cay và những chiếc bánh ngọt được xếp ngăn nắp giống hệt như các cửa hàng ở Seoul, Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics đã đến Việt Nam từ hàng chục năm trước bởi chi phí lao động rẻ và dân số tăng nhanh. Giờ đây, khi thu nhập của người Việt tăng lên cũng như điều kiện thị trường tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu xấu đi, các nhà bán lẻ của Hàn Quốc cũng đang nối bước những doanh nghiệp sản xuất đi trước, thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Lotte Shopping, công ty con của tập đoàn Lotte, là nhà bán lẻ Hàn Quốc tiên phong gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Hiện doanh nghiệp này đang vận hành 14 siêu thị Lotte Mart trên khắp Việt Nam và một trung tâm thương mại tại Hà Nội.

Theo sau Lotte là E-Mart, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc. Đơn vị này đã khai trương cửa hàng siêu thị đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2015. Với thành công về doanh thu của cửa hàng đầu tiên tại Quận Gò Vấp, E-Mart đang lên kế hoạch mở thêm một cửa hàng khác tại Thành phồ Hồ Chí Minh vào năm 2020

"Cửa hàng đầu tiên của E-Mart Việt Nam đang duy trì được đà tăng trưởng cao kể từ khi bắt đầu hoạt động nhờ vào sự khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường thông qua việc chúng tôi cung cấp đa dạng các loại sản phẩm đến từ Hàn Quốc bao gồm các loại đồ ăn ngon và cả bánh mì. Chúng tôi đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm tới", Kim Bo-bae- đại diện của E-Mart cho biết.

Ngoài ra, GS Retail cũng đã hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim của Việt Nam để cùng vận hành 54 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam với tên thương hiệu là GS25.

Tại sao các ông lớn ngành bán lẻ lại lựa chọn thị trường Việt Nam?

Xu hướng thâm nhập vào thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc gia tăng trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng chiếm phần lớn thị phần tại Hàn Quốc.

Theo tổ chức xếp hạng tín dụng NICE, E-Mart và Lotte Shopping được dự báo sẽ phải đối mặt với rủi ro tín dụng tiêu cực nhất vào năm tới khi mà họ phải chống đỡ với những thách thức từ tập đoàn thương mại điện tử Coupang được hỗ trợ vốn từ SoftBank hay Market Curly - Công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn qua điện thoại di động.

"Trong khi các công ty thương mại điện tử không ngừng phát triển thì tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang có dấu hiệu chậm lại trong năm 2019," Ahn Young-bok, Giám đốc tại NICE cho biết. "Trong năm 2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống sẽ khó có thể tăng trưởng vì các công ty này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cũng sự sự gia tăng trong chi phí tiếp thị và giao hàng."

Tình hình lại càng xấu hơn khi mà nhu cầu của người dân Hàn Quốc đối với việc mua sắm tại các doanh nghiệp bán lẻ đang giảm dần vì dân số quốc gia này đang già đi và sự gia tăng trong khuynh hướng dọn ra ở riêng mà với những người này, việc mua sắm trực tuyến được ưa chuộng hơn việc phải lái xe đến các cửa hàng truyền thống.

Theo số liệu của chính phủ, tổng doanh thu bán lẻ truyền thống đã giảm xuống 16.700 tỷ won (tương đương 14,2 tỷ USD) trong quý III/2019, tương ứng giảm 100 tỷ won so với quý trước. Trong khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến đã tăng 300 tỷ won và đạt mức 8.100 tỷ won.

Việt Nam hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng cho các nhà bán lẻ Hàn Quốc hơn so với ở quê nhà. Theo Deloitte, giai đoạn 2013-2018, tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) của ngành bán lẻ tại Việt Nam rất ấn tượng, đạt mức 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến ​​sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương tăng 26,6% so với năm 2018.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ ở Việt Nam

Với tiềm năng lớn như vậy nên thị trường bán lẻ ở Việt Nam hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, không chỉ đến từ các doanh nghiệp nội địa mà còn từ các nhà bán lẻ Nhật Bản - những doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây. Đơn cử mới đây nhất, thương hiệu thời trang Uniqlo của Nhật Bản mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 12/2019 và đã thu hút được rất nhiều người mua sắm trong ngày đầu tiên khai trương.

Trang Hà hiện đang làm việc cho một công ty Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi ở độ tuổi 20, Lotte Mart Quận 7 là nơi yêu thích để gặp gỡ và mua sắm của cô và bạn bè. Vào thời điểm đó, Lotte Mart mang đến trải nghiệm mua sắm mới lạ và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng Việt Nam. Sự phổ biến của các chương trình truyền hình Hàn Quốc và âm nhạc K-pop cũng góp phần khuyến khích người Việt tìm mua các mặt hàng liên quan đến Hàn Quốc.

"Mặc dù ngành bán lẻ của Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn, nhưng mức độ cạnh tranh rất khốc liệt", ông Nguyễn Vũ Đức, Giám đốc ngành hàng tiêu dùng tại Deloitte Việt Nam cho biết. "Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chiến giữa các ông lớn trong và ngoài nước ở mọi kênh bán lẻ nhằm giành quyền chi phối thị trường"

Tuy nhiên đó là câu chuyện của 5-6 năm về trước. Mọi chuyện đã khác đi khi nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước đua nhau mở thêm các cửa hàng trên khắp TP.HCM và cuộc chiến thu hút người tiêu dùng cũng trở nên cạnh tranh hơn.

Chính sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng là yếu tố then chốt trong cuộc chiến cạnh tranh này. Giờ đây, khi muốn đi mua sắm, Trang Hà và bạn bè sẽ ưu tiên lựa chọn Aeon hoặc Takashimaya của Nhật Bản hơn. Theo Trang Hà, các nhà bán lẻ Nhật Bản đang thu hút nhiều người tiêu dùng Việt Nam hơn vì dịch vụ họ cung cấp rất tốt và họ có nhiều đồ trang trí rất hấp dẫn cho các lễ hội và các ngày lễ khác nhau.

Số lượng của hàng của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nguồn ảnh: Deloitte

Số lượng của hàng của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nguồn ảnh: Deloitte

Ngoài ra, trong cuộc đua này, các ông lớn ngành bán lẻ của Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế về quy mô. Tập đoàn Vingroup bắt đầu gia nhập vào thị trường bán lẻ từ năm 2014, hiện nay đã mở được 122 siêu thị và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Ban lãnh đạo của Vingroup rất ưu tiên mở cửa hàng tại các vị trí đắc địa. Bên cạnh đó, trong tháng 12/2019, Vingroup tuyên bố sẽ sáp nhập các hoạt động bán lẻ của mình với các hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Group để tạo ra công ty bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Theo khảo sát của Deloitte, phân khúc trung tâm thương mại kết hợp giữa hoạt động mua sắm với hoạt động vui chơi giải trí là lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt nhất giữa các ông lớn ngành bán lẻ trong và ngoài nước. Hiện đang có 200 trung tâm thương mại theo mô hình trên rải rác khắp Việt Nam.

Vingroup hiện đang nắm giữ 60% thị phần trung tâm thương mại tính theo diện tích sàn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Aeon và Lotte. Khi sự cạnh tranh trong phân khúc này trở nên nóng lên ở hai thành phố lớn, thương hiệu nội địa Saigon Co.op lại chuyển hướng tập trung vào các tỉnh miền Tây, nơi mà các cơ sở giải trí có chất lượng vẫn còn rất ít.

Dù rằng đánh giá rất cao các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản và Hàn Quốc về chất lượng dịch vụ và đa dạng sự lựa chọn, nhưng Trang Ha lại quyết định sẽ mua sắm tại cửa hàng nào mang đến sự thuận tiện nhất cho cô.

Nguồn Nikkei

 

 

전략적 파트너십