Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản cho biết, từ năm 2020, vải thiều của Việt Nam sẽ chính thức được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.
Nguồn ảnh: VietNamNet
Sau 5 năm nỗ lực đàm phán, quả vải thiều của Việt Nam đã chính thức được phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Vậy là vụ vải năm 2020, ngoài những thị trường truyền thống, vải thiều Việt Nam đã có thêm một thị trường mới, khó tính nhưng giàu tiềm năng.
Theo đó, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) vừa gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.
Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Trả lời với truyền thông, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, những năm gần đây quả vải thiều của Việt Nam xuất khẩu được sang rất nhiều nước như Lào, Campuchia, Thái Lan,... Đồng thời cũng mở cửa được nhiều thị trường khó tính khác như Mỹ, EU, Úc và bây giờ là Nhật Bản.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở xử lý, khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm xuất khẩu lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020.
Năm vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều như tổ chức diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản năm 2019 tại TP. Bắc Giang.
Năm nay là năm đầu tiên Lục Ngạn triển khai thí điểm gần 20ha vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn. Với việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã giúp trái vải Lục Ngạn có giá bán cao gấp từ 3-7 lần những năm trước.
Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 nước, chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch (chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu) và một số thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ, Canada…
Nguồn VTV/baochinhphu