Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc đầu tư hệ thống cầu vượt là rất cấp thiết để bảo đảm an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông - Ảnh minh họa
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản trả lời Sở KH-ĐT Hà Nội về việc thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng 3 cầu vượt cho người đi bộ kết hợp đi xe đạp qua sông Tô Lịch và dự án xây dựng 3 cầu vượt cho người đi bộ qua đường Láng.
Tại văn bản này, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, tuyến đường Láng có mật độ phương tiện giao thông cao và là nơi tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, trường học. Nhu cầu di chuyển qua đường Láng để sang phần đường đi bộ ven sông Tô Lịch cũng như nhu cầu đi bộ, đi xe đạp qua sông Tô Lịch để sang làn đường đi bộ, đi xe đạp trên tuyến đường Láng tăng cao. Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống các cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường Láng và hệ thống cầu vượt cho người đi bộ, đi xe đạp vượt sông Tô Lịch.
"Đường Láng là trục đô thị kết nối 3 quận lớn gồm: Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, đồng thời là đoạn tuyến quan trọng của đường Vành đai 2 kết nối sân bay quốc tế Nội Bài nên có mật độ phương tiện cao, tốc độ di chuyển lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Ngoài ra, việc bố trí các nhà chờ xe buýt hiện tại còn cách xa các cầu vượt sông, gây khó khăn cho người đi bộ từ đường Nguyễn Khang, đường Nguyễn Ngọc Vũ ra điểm dừng xe buýt trên đường Láng. Do đó, việc đầu tư hệ thống cầu vượt nói trên là rất cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn và thuận tiện cho việc đi lại của người dân", Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.
Được biết, 3 cầu vượt qua sông Tô Lịch gồm: cầu Tô Lịch 1 (nằm giữa cầu Cót và cầu 361); cầu Tô Lịch 2 (nằm giữa cầu 361 và cầu Trung Hòa); cầu Tô Lịch 3 (nằm giữa cầu Trung Hòa và cầu Hòa Mục). Mỗi cầu có chiều dài dự kiến 40m.
Các cầu đi bộ qua đường Láng gồm: cầu số 1 đặt gần số nhà 1174 đường Láng - siêu thị Điện máy Xanh có chiều dài nhịp 43m; cầu số 2 đặt tại khu vực phố Pháo Đài Láng, gần số nhà 778 đường Láng, chiều dài nhịp 33m; cầu số 3 đặt tại khu vực chợ Láng Hạ, chiều dài nhịp 41m.
Theo Báo Giao Thông