Bất động sản du lịch biển 2020: Gọi tên những vùng đất mới

Written by  - Monday, 02 December 2019

Bất động sản du lịch 2020 không chỉ xuất hiện các xu hướng mới, mô hình mới mà còn xuất hiện các vùng đất du lịch mới, đủ điều kiện, tiềm năng và “lực hút” với nhà đầu tư.

Bất động sản du lịch biển phát triển mạnh mẽ

Không thể phủ nhận, sự tăng trưởng vượt trội của du lịch biển đã giúp phân khúc bất động sản du lịch tại Việt Nam “lên ngôi” những năm gần đây. Tờ Telegraph (Anh) đã xếp Việt Nam vào top 20 thị trường ngôi nhà mới nổi nhờ sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng và dịch vụ nghỉ dưỡng giải trí đang phát triển rất nhanh.

Trước sự bùng nổ của ngành du lịch, bất động sản du lịch được xem là con gà đẻ trứng vàng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Trong số đó, khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực.

Tổng cục Du lịch dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 21 triệu lượt khách quốc tế, và đến 2025 con số này sẽ tăng lên 32 triệu lượt. Theo đó, đến năm 2020, dự báo cả nước cần 650.000 - 700.000 phòng lưu trú; đến năm 2025 cần có từ 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú.

Còn theo CBRE Việt Nam, cùng với cú hích từ hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ hằng năm sẽ là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Đó cũng là lý do phân khúc này nhanh chóng chiếm được vị trí cao trên bảng xếp hạng thị trường bất động sản trong năm 2019.

Chưa kể, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.400km trải dọc từ Bắc tới Nam, với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, hàng loạt bãi tắm hoang sơ, là những điều kiện thuận lợi cho du lịch biển Việt Nam phát triển. Bên cạnh sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên thì những nét văn hóa vùng miền đặc trưng và việc thừa hưởng các di tích lịch sử phong phú cũng là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của các loại hình du lịch biển nước ta so với nhiều quốc gia khác.

Theo thống kê sơ bộ, số khách đến du lịch biển chiếm khoảng 70% và doanh thu trên 60%. Đây là ngành du lịch mũi nhọn trong các loại hình du lịch của Việt Nam. Trong đó, các khu vực biển có tiềm năng du lịch lớn đã và đang được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là vịnh Hạ Long - Hải Phòng - Cát Bà; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Vân Phong - Đại Lãnh - Nha Trang; Vũng Tàu - Long Hải - Côn Đảo; Hà Tiên - Phú Quốc; Phan Thiết - Mũi Né cũng đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu ngành du lịch cả nước.

Dòng vốn dịch chuyển về những vùng đất mới

Nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ theo từng năm là “đòn bẩy” quan trọng kích thích sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch. Các dòng sản phẩm bất động sản du lịch khi được đặt trong quần thể phức hợp đầy đủ tiện ích được nhiều chủ đầu tư triển khai đồng thời cũng trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư thứ cấp.

Tại các thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… từ năm 2015 ghi nhận sự bùng nổ của hàng loạt các dự án quy mô lớn, thu hút dòng vốn đầu tư sơ cấp và thứ cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm từ giữa năm 2018, số lượng các dự án được chào bán mới tại những khu vực này bắt đầu hạn chế, nguồn cung cũng có dấu hiệu sụt giảm.

Lý giải cho hiện tượng này là hàng loạt lý do. Áp lực quỹ đất sạch, cạnh tranh về vị trí, giá sản phẩm, dòng vốn đầu tư ngày càng lớn… đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, khiến thị trường dần rơi vào tình trạng bão hòa. Khi dư địa phát triển ngày càng khan hiếm, những cái tên mới trên bản đồ du lịch Việt Nam đã trở thành miền đất hứa đối với nhiều doanh nghiệp phát triển du lịch và bất động sản du lịch. Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Vũng Tàu… đã được gọi tên như những thị trường đầu tư mới nổi đầy hấp dẫn trong bối cảnh như vậy!

Sở hữu quỹ đất dồi dào, giá đất thấp, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn…, sức hút của những vùng đất mới còn được thúc đẩy từ chính nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Thay bằng việc lựa chọn điểm đến chỉ để “nghỉ dưỡng” như trước đây, du khách ngày càng mong muốn được tận hưởng một kỳ nghỉ theo hướng kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm hàm lượng cao.

Ninh Thuận: Địa phương nổi tiếng với các di tích Champa và làng nghề truyền thống. Trong năm 2018, Ninh Thuận đã đón 2,19 triệu lượt khách, tăng 15,2% so với năm 2017, doanh thu từ du lịch tăng 18,7% so với năm 2017. Một kế hoạch tổng thể để phát triển kinh tế, xã hội tới năm 2020 đã được thiết lập với 3 ngành mũi nhọn là du lịch, bất động sản và năng lượng sạch. Hiện Ninh Thuận có 61 dự án du lịch, với tổng số vốn đăng ký gần 20 nghìn tỷ đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Vũng Tàu được kết nối tốt với TP.HCM bằng đường cao tốc và kế hoạch phát triển 2 sân bay (Hồ Tràm và Gò Găng). Thành phố có kế hoạch phát triển du lịch như một ngành nghề trọng điểm với 155 dự án đầu tư, bao gồm 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị vốn đăng ký 4,4 tỷ USD và 137 dự án có vốn đầu tư trong nước với giá trị vốn đăng ký 48,7 nghìn tỷ đồng.

Hạ Long: Một loạt các dự án như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… cùng hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, sân golf, cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, diện mạo ngành du lịch Quảng Ninh.

Theo Tạp Chí Tài Chính

 

전략적 파트너십