Các ngân hàng Hàn Quốc chạy đua mở rộng quy mô tại Việt Nam

Written by  - Thursday, 14 November 2019

Các ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc đang gia tăng nỗ lực mở rộng tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa.

KEB Hana Bank vừa mua lại 15% cổ phần của BIDV. Ảnh: Yonhap News

Các ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc đang gia tăng hiện diện tại Việt Nam, một thị trường chưa được khai thác nhiều, nhưng đạng trở thành một nguồn tăng trưởng thay thế trong tương lai cho các ngân hàng này trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa.

Động thái từ những người đến sau như Woori bank và KEB Hana đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Shinhan- ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

Hiện Ngân hàng Shinhan Việt Nam đang nắm giữ số tài sản hơn 4,9 nghìn tỷ won (4,2 tỷ USD) và điều hành 37 chi nhánh trong cả nước.

Ngân hàng Woori đang tìm cách thách thức vị trí dẫn đầu của Shinhan Bank. Nói trong lễ khai trương chi nhánh thứ 10 tại Đà Nẵng vào ngày 8/11, ông Sohn Tae-seung, Giám đốc điều hành Woori Bank nói rằng, sẽ đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng nước ngoài tốt nhất tại Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư và nỗ lực để làm cho Woori Bank trở thành ngân hàng nước ngoài hoạt động tốt nhất ở quốc gia Đông Nam Á này", ông Sohn Tae-seung nói.

Ngân hàng này có kế hoạch mở thêm 3 chi nhánh vào cuối năm 2019 và 5 chi nhánh vào năm 2021.

Shinhan Bank hiện là ngân hàng Hàn Quốc có nhiều chi nhánh nhất tại Việt Nam. Ảnh: The Korea Time

Shinhan Bank hiện là ngân hàng Hàn Quốc có nhiều chi nhánh nhất tại Việt Nam. Ảnh: The Korea Time

 

Woori Bank cho biết các chi nhánh mới sẽ kinh doanh ngân hàng bán buôn, ngân hàng đầu tư, cho vay hợp vốn, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh việc củng cố mảng ngân hàng bán lẻ cho khách hàng cá nhân tại địa phương, thông qua các dịch vụ di động, ví dụ như kiểm tra điểm tín dung dựa trên trí tuệ nhân tạo và dịch vụ cho vay.

Tài sản của Ngân hàng Woori tại Việt Nam đang ở mức 1,28 nghìn tỷ won (1 tỷ USD) vào tháng 6. Theo báo cáo của Woori bank, năm 2018, lợi nhuận ròng của ngân hàng này đạt 10,7 tỷ won. 9 tháng đầu năm nay, con số này đạt 10,1 tỷ won.

Khác với Woori bank, KEB Hana Bank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo Korea Times, chiến lược này của KEB Hana ít tốn kém hơn, nếu xét đến khả năng sinh lợi của BIDV.

Theo đó, KEB Hana sẽ mua 603 triệu cổ phiếu của BIDV với giá 1 nghìn tỷ won (20.300 tỷ đồng). Sau thương vụ, ngân hàng Hàn Quốc này sẽ nắm giữ 15% cổ phần của BIDV.

Với tỉ lệ nắm giữ này, KEB Hana có thể thu về khoản nhuận ròng  khoảng 50 tỷ won, nếu lợi nhuận ròng của BIDV đạt mức 400 tỷ won như dự kiến.

"Bên cạnh khoản lợi nhuận ròng, mạng lưới rộng lớn và toàn diện của BIDV sẽ giúp chúng tôi mở rộng dịch vụ bán lẻ cho khách hàng cá nhân tại địa phương. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của chúng tôi, giúp lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài tăng lên", một quan chức KEB Hana nói.

Trong bối cảnh, các ngân hàng khác bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam thì Shinhan Bank Việt Nam cũng nỗ lực để củng cố vị trí của mình.

Năm 2017, Shinhan mua lại Ngân hàng ANZ của Úc để tăng cường mảng kinh doanh bán lẻ cho người dân địa phương. Năm 2019, ngân hàng này đã mở một trung tâm quản lý tài sản cá nhân (PWM) tại TP.HCM vào hồi tháng 6.

Shinhan cho biết, 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đạt 93,4 tỷ won lợi nhuận.  Năm 2018, lợi nhuận ròng của Shinhan Bank đạt 96,6 tỷ won gấp đôi so với 47 tỷ won trong năm 2017.

Ngân hàng cho biết họ sẽ cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu thông qua việc tăng cường kinh doanh bán lẻ, tăng số lượng khách hàng doanh nghiệp và cung cấp dịch quản lý tài sản phù hợp.

"Chúng tôi đã mở một trung tâm quản lý tài sản cá nhân (PWM) tại TP.HCM vào tháng 6 để đáp ứng nhu cầu của từ lượng khách hàng cao cấp ngày càng tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cơ hội kinh doanh chung với các fintechs để cải thiện sự thuận tiện của khách hàng", một đại diện của Shinhan bank cho biết.

Một chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết, các ngân hàng Hàn Quốc nên tăng cường quản lý rủi ro. Trong khi đang cạnh tranh gắt để mở rộng độ phủ, các ngân hàng này không có các giải pháp cho những kịch bản tiêu cực có thể xảy ra.

"Lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ giảm nếu Việt Nam có những quy định chặt chẽ hơn đối với ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng cần có sẵn kịch bản cho những tình huống bất ngờ, không lường trước được”, ông Young-sik, Tổng Giám đốc Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) nói.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

전략적 파트너십