Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) giai đoạn đến năm 2030. Theo phê duyệt quy hoạch, cảng hàng không Sa Pa nằm tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đây sẽ là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Về mục tiêu quy hoạch, cấp sân bay 4C với công suất 3.000.000 hành khách/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay. Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030, có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha.
Mạng lưới giao thông phục vụ hoạt động của Cảng hàng không Sa Pa được quy hoạch đồng bộ. Đường trục vào cảng nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới khu vực sân đỗ ô tô trước ga với quy mô 6 làn xe. Nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là nút giao khác mức. Cầu cạn kết nối nhà ga 2 cao trình với chiều dài cầu khoảng 620 m dự phòng kết nối cho phát triển nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.
Cùng với sân bay Sapa, mới đây Sapa cũng được "đặc cách" lên thị xã. Cụ thể, sáng 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí để Lào Cai được nâng cấp Sapa từ huyện lên thị xã, theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt". Phương án chính phủ đề xuất là thành lập thị xã Sapa trên cơ sở toàn bộ 681,37 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số 81.857 người và 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sapa.
Về sự cần thiết thành lập thị xã Sapa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói, thời gian qua Lào Cai đã tập trung đầu tư phát triển Sapa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, số lượng khách du lịch đến Sapa tăng 23,4%/năm (riêng năm 2018 đã đón trên 2,5 triệu lượt khách). Trên địa bàn Sapa hiện có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành...
Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe đến nay, Sapa đã trở thành khu du lịch đại chúng, Chính phủ cho rằng, thành lập thị xã Sapa trên cơ sở huyện Sapa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Có thể nói những đột phá trong chính sách phát triển Sapa trong thời gian qua đã cho thấy Sapa đang được quan tâm, phát triển vượt bậc.
Khách du lịch đến Sapa đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu như năm 2013, lượng khách du lịch 720.000 lượt, doanh thu 576 tỷ đồng, thì đến năm 2018, tổng lượt khách 2,7 triệu, doanh thu 3.900 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Sa Pa đạt 1,65 triệu lượt, doanh thu xấp xỉ 5.200 tỷ đồng). Từ những con số này có thể thấy, Sapa đang phát triển mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
Theo CafeF