Sự phát triển của du lịch khiến thị trường khách sạn và khu nghỉ mát Việt Nam trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong khu vực.
Ảnh: thuongtruong.vn
Lượng khách du lịch ngày càng tăng của Việt Nam và nền kinh tế tăng trưởng khiến cho thị trường khách sạn và khu nghỉ mát hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong khu vực quan tâm đến Việt Nam và biến nơi đây thành một trong những thị trường được nhắc đến nhiều nhất ở châu Á Thái Bình Dương.
Sự phát triển của du lịch đã Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, vào đầu tháng 7, Tập đoàn điều hành khách sạn lớn của Thái Lan Centara Hotels & Resorts cho biết, công ty sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu mở ít nhất 20 khách sạn trong 5 năm tới. Chia sẻ lý do chọn thị trường Việt Nam, ông Thirayuth Chirathivat - Giám đốc điều hành công ty này cho biết, nhờ vào sự bùng nổ khách du lịch ở thị trường châu Á, chính sách thị thực linh hoạt và cơ sở hạ tầng giao thông cải thiện, Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón lượng du khách kỷ lục vào năm 2019.
Không chỉ Centara Hotels & Resorts mà rất nhiều các doanh nghiệp, chủ đầu tư trong nước cũng đầu tư cho lĩnh vực khách sạn ở Việt Nam, trong đó 3 thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng được đánh giá là tập trung đông đảo nhất.
Nguồn cung khách sạn mới và hiện có tại TP.HCM. Ảnh: JLL
Tại TP.HCM, 1.114 phòng đã được thêm vào nguồn cung khách sạn hiện tại của TP.HCM, tính đến tháng 9 năm 2019, nâng tổng nguồn cung lên khoảng 20.200 phòng. Vào 2020, nguồn cung mới được dự đoán sẽ chậm lại do chính phủ siết chặt quá trình phê duyệt dự án. Đến cuối năm 2021, nguồn cung toàn thành phố dự kiến sẽ đạt 22,000 phòng, trong đó 55.4% sẽ nằm ở phân khúc cao cấp.
Về hiệu suất giao dịch, tính đến tháng 8/2019, hiệu suất giao dịch khách sạn vẫn tốt với sự tăng trưởng tích cực là 5.8%, giá bán phòng trung bình hàng ngày (ADR) đạt 118USD. Mức doanh thu trên số phòng hiện có (RevPAR) đạt 81 USD, tăng 0,7%. Tỷ lệ lấp đầy đạt 68,8%, giảm 4,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Với nguồn cung tuơng lai năm 2020 được dự đoán sẽ hạn chế, hiệu suất toàn ngành được dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, nguồn cung khách sạn cao cấp sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Ảnh: JLL
Trong khi đó, tại khu vực Hà Nội, ngành khách sạn hưởng lợi từ lượng khách quốc tế tăng trưởng. Tính đến tháng 8/2019, chỉ số RevPAR cho thấy sự tăng trưởng đáng kể là 8.4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2019, sẽ có 1.008 phòng sẽ được thêm vào nguồn cung khách sạn Hà Nội, nâng tổng nguồn cung lên 18,699 phòng. Trong đó, 97% nguồn cung mới nằm ở phân khúc trung và cao cấp. Đến năm 2021, Hà Nội sẽ có hơn 20,400 phòng, với 59,8% trong số đó nằm trong phân khúc cao cấp.
Với nỗ lực chủ động quảng bá du lịch, thị trường mục tiêu mới (ví dụ: Bắc Mỹ và Úc) và sự tăng trưởng tốt của nguồn cung khách sạn, Hà Nội được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng về lượng khách du lịch và hiệu suất giao dịch khách sạn ổn định trong ba năm tới.
Tính đến tháng 8/2019, giá bán phòng trung bình hàng ngày đạt 116 USD, tăng 2,9%. Mức doanh thu trên số phòng hiện có đạt 94 USD, tăng 8.4%. Tỷ lệ lấp đầy tăng 5.3pp, tăng trưởng 81.2% so với cùng kỳ.
Tại thị trường Đà Nẵng, nguồn cung khách sạn trong tương lai, giai đoạn 2019-2021, dự kiến sẽ bổ sung khoảng 9.379 phòng vào nguồn cung hiện tại, trong đó 81,8% dự kiến sẽ nằm trong phân khúc cao và trung cấp. Tuy nhiên, khoảng 38% nguồn cung sắp tới sẽ được quản lý bởi các nhà vận hành khách sạn quốc tế.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư