Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng 2019 ước đạt 428 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 217 tỷ USD, tăng 7,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 211 tỷ USD tăng 8,8%.
Cán cân thương mại Việt Nam trong 10 tháng 2019 ước tính đạt 7 tỷ USD, cao hơn mức 6,4 tỷ USD trong cùng kỳ. Mức thặng dư thương mại kể trên tương đương 2,9% GDP danh nghĩa Việt Nam năm 2019. Điểm đáng chú ý trong số liệu thương mại năm nay gắn với kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước.
Tổng quy mô đạt 66,6 tỷ USD trong 10 tháng 2019 và tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ năm 2018, bỏ xa mức tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm trước của khu vực doanh nghiệp FDI, quy mô 150,4 tỷ USD.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu chậm dần kể từ giữa năm 2018 thì mức tăng trưởng 2 con số của khu vực trong nước liên tục duy trì kể từ đầu năm 2017.
Theo VDS, số liệu trên diễn tả hai thực tế đang tồn tại song song. Một mặt, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cung ứng hàng hóa cho nhà mua lớn. Tiêu biểu như ngành sản xuất đồ gỗ, dệt may, chất dẻo, điện thoại linh kiện, dây điện và sắt thép.
Mặt khác, VDS ghi nhận rủi ro pháp lý về xuất xứ hàng hóa gắn mác Việt Nam sang Mỹ có dấu hiệu gia tăng khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng khá đột biến, tăng 26,6% trong 10 tháng 2019. Điều này đã được VDS đề cập trước đó với doanh nghiệp ngành gỗ và đồ nội thất, đặc biệt tại tỉnh Bình Dương.
Mới đây, cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ đã phối hợp chặn đứng lô hàng xuất khẩu nhôm trị giá 4,3 tỷ USD, có xuất xứ từ Trung Quốc và chuẩn bị được xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ Công thương cũng cho biết một số nhóm ngành hàng bị xếp vào danh sách cảnh báo theo cấp độ nguy hiểm. Gỗ dán là mặt hàng bị ấn định cấp độ 4, cấp độ nguy hiểm cao nhất. Theo sau là các mặt hàng giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn thuộc nhóm cảnh báo 3.
Tuy nhiên, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Hồ Chí Minh, bà Marie Damour nhấn mạnh quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển. Và với những hành động gần đây từ phía lãnh đạo Việt Nam, thông qua Nghị quyết thu hút vốn FDI hay xây dựng quy chuẩn hàng hóa xuất xứ Việt Nam nhằm tránh tình trạng lách luật thương mại.
Gạt sang một bên vấn đề kể trên, tính đến hiện tại, kết quả sản xuất kinh doanh của lĩnh vực chế biến – chế tạo vẫn tốt hơn kỳ vọng và góp phần kéo dài chu kỳ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 9,2% cao hơn mức 7,7% cùng kỳ năm trước.
Điểm nổi bật gắn với hoạt động sản xuất thiết bị điện và điện tử khi lần lượt tăng trưởng 8,3% và 17,7% trong khi cùng kỳ tăng trưởng âm.
Diễn biến kể trên được minh họa cụ thể qua hoạt động sản xuất công nghiệp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hải Phòng. Theo báo cáo từ Cục thống kê Thái Nguyên, các mặt hàng điện thoại thông minh tăng 17,2% trong tháng 10/2019 và tăng 8,3% trong 10T/2019.
Tại Bắc Ninh, sự tăng trưởng vượt bậc của mặt hàng thiết bị đeo thông minh, gấp 11 lần tháng 10/2018, là điểm nhấn chính góp phần đưa tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh này hồi phục trong 2 tháng gần đây.
Tại Hải Phòng, tập đoàn LG ghi nhận doanh thu trong cả ba mảng điện thoại, linh kiện viễn thông và điện dân dụng, tăng 54,6% YoY. Mới đây, LD Display Hải Phòng đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.
"Theo đánh giá của chúng tôi, trong bối cảnh hoạt động sản xuất của các nước trong khu vực và trên thế giới đều gặp khó khăn do thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, việc duy trì tăng trưởng ổn định quanh ngưỡng 10% của Việt Nam chính là điểm tích cực", báo cáo của đơn vị này cho biết.
Theo CafeF