Doanh thu của Zara năm 2018 đạt gần 1.700 tỷ đồng, gấp gần 6 lần năm 2016 nhờ tâm lý chuộng hàng hiệu bình dân của người tiêu dùng Việt.
Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Diễm Trang
Sau thời gian nhiều người Việt phải ra nước ngoài mua hàng hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới, hàng hiệu tự tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều. Sau Zara, H&M, đến lượt hãng thời trang Uniqlo đã đặt chân đến Việt Nam.
Các hãng thời trang ngoại vào thị trường Việt Nam không phải là điều lạ
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may lớn ở Việt Nam, người Việt đã khá nổi tiếng tại một số nước Đông Nam Á với khả năng mua sắm hàng hiệu, nhất là tại Singapore. Vì vậy, không có lý gì những "ông lớn" đứng ngoài cuộc.
Xuất hiện trên thị trường chỉ hơn ba năm, những thương hiệu ngoại có mức giá bình dân như Zara và H&M nhanh chóng chứng minh sức hấp dẫn với người tiêu dùng Việt khi doanh thu từ hai thương hiệu này bỏ xa những chuỗi thời trang nội như Blue Exchange, Ivy Moda hay Kowil.
Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp như Tam Sơn Fashion hay Mai Sơn International Retail.
Trong khi đó, với việc mở mới 4 cửa hàng, H&M nâng doanh thu lên hơn 653 tỷ đồng trong năm tài chính 2018, gấp 4,3 lần năm 2017.
Sở hữu 7 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội, H&M Việt Nam được cho là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu. Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á từng chia sẻ với truyền thông, "là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á".
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là “miếng bánh ngon” của nhiều thương hiệu thời trang nhanh quốc tế. Dù đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, Topshop và Gap vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, Topshop, Topman được vận hành bởi Công ty CP Maison Retail Management International, ngôi nhà chung của hơn 20 thương hiệu đình đám khác trên thế giới như Charles & Keith, Coach, Karen Millen, Puma…
“Miếng bánh” ngon có còn nhiều cho Uniqlo?
Như vậy, với việc đặt chân đến Việt Nam, Uniqlo sẽ phải đối mặt với 10 thương hiệu thời trang nhanh quốc tế uy tín và hàng chục tên tuổi nội địa có mức giá bình dân hơn. Trước đó, kết thúc năm tài chính 2019 vào ngày 31/8 vừa qua, Fast Retailing công bố doanh thu 21,2 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Với kết quả kinh doanh này, Fast Retailing có 3 năm liên tiếp đạt kỷ lục doanh thu và là ông lớn thời trang thứ 2 toàn cầu, sau Inditex (đơn vị sở hữu thương hiệu Zara).
Trong đó, hoạt động kinh doanh của Uniqlo trên toàn cầu là động lực tăng trưởng chính của Fast Retailing. Lần đầu tiên doanh thu từ Uniqlo chạm mốc 9,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2018. Thị trường lớn nhất của Uniqlo trong nhiều năm qua là Trung Quốc, nơi thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên năm 2002. Lợi nhuận của Uniqlo tại đây tăng 21% lên 819 triệu USD. Hãng kỳ vọng đạt doanh thu 9,2 tỷ USD tại thị trường này vào năm 2022 từ 4,6 tỷ USD năm nay.
Chia sẻ với truyền thông, ông Trịnh Đình Long, chuyên gia về phát triển thương hiệu hàng tiêu dùng, cho biết trong bối cảnh các hãng thời trang như Zara, H&M, Mango, Topshop... đang liên tục nhảy vào Việt Nam thì việc Uniqlo tuyên bố mở chuỗi là để nhanh chóng nắm lấy miếng bánh thị phần.
Đặc biệt khi Uniqlo có lợi thế cạnh tranh rất lớn về chi phí bởi đã chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, việc mở cửa hàng là để sớm hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.
Theo thông báo mới nhất từ Uniqlo, cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Chiếm tổng diện tích 3.000 m2 khắp 3 tầng, Uniqlo Đồng Khởi được quảng cáo là một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của hãng này.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư