Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh
Thời gian gần đây, giao thương tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài (giáp với Campuchia) tăng mạnh, trong khi đó, quốc lộ 22 nối TP.HCM với Tây Ninh lại đang quá tải.
Xét theo đề xuất của UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh, Bộ Giao thông vận tải vừa qua đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao thẩm quyền tổ chức triển khai dự án (chủ đầu tư) cho TP.HCM nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, thay vì Bộ Giao thông vận tải như trước đó.
Theo đó, TP.HCM sẽ phối hợp với Tây Ninh bỏ tiền giải phóng mặt bằng gồm phía TP HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ; phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu..
Khi có đất sạch, TP.HCM sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao).
Theo thiết kế, cao tốc TP HCM – Mộc Bài có chiều dài 53,5 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài thuộc Tây Ninh.
Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước) và chia làm hai giai đoạn.
Ở giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP.HCM - Trảng Bàng (Tây Ninh) với chiều dài 33 km, quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, tốc độ thiết kế 120km/h và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với chiều dài 20,5 km, quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế 80km/h).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn tham gia của nhà đầu tư chiếm khoảng 51%.
Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), xây dựng đoạn TP.HCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe.
Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được kỳ vọng không chỉ giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và kết nối hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia mà còn tháo nút thắt giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, để tạo thêm nguồn thu cho dự án, trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải vào tháng 9, UBND TP.HCM đã đề xuất cho phép mở rộng phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tại các nút giao giữa đường cao tốc với đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ…
Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị gần với khu vực các nút giao liên thông để khai thác các quỹ đất, tạo nguồn thu cho các địa phương.
Theo The Leader