Bình Thuận đã xây dựng một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Trong đó, tỉnh coi trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến môi trường đầu tư nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông trên nhiều lĩnh vực và tạo sự thông thoáng trong thủ tục kêu gọi các nhà đầu tư.
Là tỉnh nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi. Vài năm trở lại đây, sự đột phá trong hạ tầng kết nối đã khiến vùng đất này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Hiện nay, hai dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng mặt bằng gần 50%. Dự án này dự kiến sẽ được khởi công vào quý 3 hoặc quý 4/2020.
Hai tuyến cao tốc nối TP. Phan Thiết - Dầu Dây và TP.Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa) đang mở thầu. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam.
Sân bay Phan Thiết cũng đang được các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm được thi công. Đồng thời, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 50.000 DWT, sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho tỉnh Bình Thuận.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Đứng trước những cơ hội lớn, Bình Thuận đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay, tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều tăng.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký 53.031 tỉ đồng. Các nhà đầu tư đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước tỉnh gần 759 tỉ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 2.881 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 36.814 tỉ đồng.
Các kết quả đạt được từ sau Hội nghị năm 2017 đã tác động tích cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2018 tăng 8,08%, cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 của tỉnh Bình Thuận đã tăng lên 64 điểm, đứng thứ 22 trên 63 tỉnh thành trên cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017.
Trong năm 2018, lượng du khách đến Bình Thuận đạt hơn 5,7 triệu lượt người, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 12.864 tỉ đồng, tăng 18,98% so với năm 2017.
Thông qua Hội nghị năm 2017, các định hướng về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đối ngoại và đối nội của tỉnh đã được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm và ghi nhận.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 diễn ra ngày 22/9 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong những năm qua, Bình Thuận luôn tận dụng tối đa các nguồn lực, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư. “Trong thời gian đến, cùng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chúng tôi cam kết xây dựng tỉnh Bình Thuận là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn với các dịch vụ hành chính công tiện ích, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và chất lượng môi trường sống”, ông Hai nói.
Tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào ba lĩnh vực chính gồm: du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn,Bình Thuận hướng đến xây dựng trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế gắn với mô hình phức hợp, bất động sản du lịch gắn với các khu thể thao khai thác địa hình, cảnh quan khu vực đa dạng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi – giải trí cao cấp, các dự án thương mại, đô thị, khu dân cư. Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia. Xây dựng gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch.
Bình Thuận cũng lên kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ tham gia, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để có cơ sở tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch đến tỉnh.
Theo Cafe Land