Bất động sản miền Tây đang trở thành điểm nóng mới của dòng vốn đầu tư.
Khá nhiều doanh nghiệp địa ốc không ngần ngại đặt chân đến các thị trường hạng 2 như Long An, Kiên Giang, Cần Thơ hay Cà Mau, trải rộng trên các phân khúc như khu đô thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, văn phòng, giáo dục, các dự án resort, khách sạn cao cấp. Tất cả đang tạo nên một làn sóng đầu tư mới khá sôi động và giảm tải phần nào áp lực cho thị trường TP.HCM.
Nhưng mỗi địa phương miền Tây lại phù hợp với vài dòng sản phẩm nhất định. Đơn cử như ở Long An, nhờ lợi thế tiếp giáp với TP.HCM, sở hữu nhiều dự án giao thông quan trọng (vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành), Long An đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt ở mảng khu công nghiệp.
Trong bảng xếp hạng các địa phương tiềm năng ở phía Nam của Công ty JLL Việt Nam, Long An xếp vị trí thứ 4, chỉ sau Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt ở mảng khu công nghiệp, Long An được xem là một lựa chọn mới bên cạnh 2 khu vực đầu tư công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai, thậm chí còn ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê cao nhất trong quý II vừa qua (66% theo năm). Hiện giá thuê đất khu công nghiệp tại Long An đứng thứ 2 trong nhóm thủ phủ khu công nghiệp miền Nam, vượt qua ngưỡng 100 USD/m2/chu kỳ thuê (hơn 2,3 triệu đồng).
Đi kèm với tiềm năng công nghiệp, một lượng lớn nhân lực đã và đang đổ về Long An, nhưng tỉnh vẫn chưa có nguồn cung căn hộ nào, trong khi phân khúc nhà liền thổ ghi nhận tổng cộng 3.352 căn với giá bán trung bình 1.368 USD/m2 (31,7 triệu đồng/m2). “Thị trường dân cư còn thiếu hụt hứa hẹn sẽ là lĩnh vực hấp dẫn cho các nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội”, Công ty JLL Việt Nam nhận định. Bên cạnh Long An, một địa điểm khác đang nhận được nhiều dự án đầu tư là thành phố Cần Thơ - trung tâm kinh tế vùng. Từ khi cây cầu dây văng thứ 2 bắc qua sông Hậu là Vàm Cống khánh thành, bất động sản Cần Thơ có dấu hiệu tăng nhiệt với một loạt dự án được chào bán. Đơn cử như Đất Xanh phát triển dự án Cần Thơ Residence có quy mô gần 32ha.Dự án có vị trí ngay Quốc lộ 80, nằm gần kề tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và liền kề với cầu Vàm Cống.
Một doanh nghiệp khác ở TP.HCM là DRKS tham gia phát triển dự án Eco Villas, Tập đoàn Kita Group đầu tư Khu Đô thị Stella Mega City có giá trị hơn 8.000 tỉ đồng, hay Thuduc House dành hơn 1.600 tỉ đồng cho dự án Khu Đô thị mới - khu 3 tại Cần Thơ.
Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu danh tiếng góp phần gia tăng sức nóng của thị trường bất động sản khu vực. Theo ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới Bất động sản đồng bằng sông Cửu Long, điểm thuận lợi cho thị trường Cần Thơ là quỹ đất nền ở các dự án khu dân cư không còn và chỉ chờ các dự án mới đầu tư.
Giá bất động sản ở Cần Thơ vẫn còn thấp hơn so với các thành phố trực thuộc Trung ương. Sản phẩm bất động sản cũng thiếu sự đa dạng, còn thiếu các dự án chung cư, nhà ở xã hội, bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp, shophouse... “Điều này cho thấy sẽ không có nhiều lựa chọn cho khách hàng lẫn nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản, nhưng cũng đồng nghĩa với việc đây là dư địa có thể khai thác trong tương lai để có thể làm gia tăng thêm sức hút của thành phố với các nhà đầu tư từ nơi khác đến”, ông Đông chia sẻ.
Không kém cạnh 2 tên tuổi kể trên, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cũng trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 8 vừa qua, các nhà đầu tư đã đăng ký rót hàng ngàn tỉ đồng vào địa danh này với nhiều dự án có quy mô khủng.
Đó là dự án Khu Đô thị lấn biển Phú Cường Hoàng Gia trị giá 8.000 tỉ đồng của chủ đầu tư Phú Cường, Tập đoàn Thaco rót 80 triệu USD đầu tư khu phức hợp kèm khách sạn 5 sao tại Rạch Giá, hay CEO Group đầu tư Khu đô thị biển 83,5ha với giá trị hơn 2.600 tỉ đồng.
Bên cạnh các địa danh trên, sóng đầu tư vào miền Tây còn nhìn thấy ở các thị trường tiềm năng khác là Vĩnh Long, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, thông qua sự tham gia của các thương hiệu khá nổi như TNR, Hưng Thịnh, Vingroup hay FLC sắp tới đây.
Có một số nguyên nhân giải thích cho sự chuyển mình của bất động sản miền Tây. Đó là nhờ đòn bẩy hạ tầng, quỹ đất trống còn dư dả, đi kèm với sự chững lại của thị trường TP.HCM khiến các doanh nghiệp phải săn tìm các vùng đất tiềm năng mới. Sau sự kiện cầu Vàm Cống đi vào vận hành, dự kiến đến năm 2020-2021, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông xe toàn tuyến. Đó còn là dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, hay dự án nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu nối Cần Thơ với Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Một khi các dự án trọng điểm hoàn thành, thời gian luân chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây sẽ rút ngắn đáng kể, bổ sung động lực quan trọng cho vùng tăng tốc phát triển. Nhìn chung, do ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, đi kèm với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dòng sản phẩm nhà ở tầm trung, các khu đô thị hay du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn. Giá đất còn thấp so với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng là chất xúc tác khiến các nhà đầu tư quan tâm thị trường nơi đây.
“Mỗi vùng miền đều có đặc trưng riêng, miền Tây phát triển sau nhưng lại là thị trường được Công ty phát triển tốt. Do đó, đây sẽ là thị trường trọng tâm của Đất Xanh trong năm nay”, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đất Xanh, nhận định trong Đại hội cổ đông 2019.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư