Tỉnh Bình Thuận có thế mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại như tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 677.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa, thanh long, rau màu... Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bình Thuận đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Theo đề án, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dự kiến quy hoạch tại huyện Bắc Bình. Quy mô diện tích toàn vùng là 2.155 ha. Giai đoạn triển khai ban đầu từ nay đến năm 2020. Khi đi vào hoạt động, đây s4 là vùng sản xuất, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa ở các đô thị lớn theo nhóm sản phẩm tươi và chế biến đóng hộp.
Thanh long là một trong những đặc sản nông nghiệp của Bình Thuận.
Mục tiêu của dự án là xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Từ đó nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt 6-7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năng suất cây trồng tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống.
Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt các tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP. Quy trình công nghệ sản xuất phải tiên tiến nhất tại thời điểm đầu tư... Trong đó, hàng năm bố trí các cây trồng chủ lực như dưa lưới, măng tây, hành, tỏi, ớt, nấm ăn và khuyến khích trồng thêm khoai lang Nhật. Riêng cây dược liệu, phục vụ công nghiệp chế biến như đinh lăng, lô hội, bạc hà, nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây bụp giấm, hồng trà...
Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm có lợi thế như tôm giống, thanh long, sản xuất cây giống, con giống quy mô công nghiệp, chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô công nghiệp, nuôi thâm canh thủy sản...
Cùng với đó, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung thanh long an toàn với quy mô 10.000ha tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Qua đó, địa phương kêu gọi nhà đầu tư sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao, thông qua việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để tăng giá trị xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã kiến nghị xem xét quy hoạch, chính sách và nguồn lực tạo động lực đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, Bình Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Nỗ lực trên góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng và hình thành các nhóm sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung như thanh long, cao su... cùng sản phẩm đặc thù là tôm giống. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011-2017 tăng 5,03% mỗi năm, góp phần quan trọng trong cơ cấu GRDP.
Theo VnExpress