Lượng vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở đô thị lên tới hàng chục tỷ USD, chiếm 20% tổng GDP của Việt Nam.
Đô thị hóa ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế cũng góp phần đáng kể cho sự phát triển đô thị, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, thu hút nguồn lực phát triển đô thị, nhất là hạ tầng vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Các chuyên gia nhận định ngoài chương trình đầu tư hệ thống hạ tầng khung quốc gia, việc nghiên cứu xây dựng phát triển đô thị cần tập trung 3 phần trọng tâm như xác định nhu cầu xây dựng cải tạo đô thị theo xu hướng đô thị hóa Việt Nam, xác định nguồn lực và giải pháp thực hiện.
Việc xác định vốn đầu tư phát triển đô thị có thể chia làm 2 thành phần gồm cải tạo nâng cấp khu vực hiện hữu và đầu tư xây dựng khu phát triển mới.
Bộ Xây dựng cho biết về cải tạo nâng cấp đô thị, hiện nay Bộ đã phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu Chương trình nâng cấp đô thị Quốc gia; trong đó, tập trung nghiên cứu cho gần 100 đô thị từ đô thị loại IV trở lên và chỉ quan tâm đến khu nghèo đô thị hiện hữu.
Đến năm 2020, tổng chi phí dự toán cho nâng cấp đô thị từ loại IV trở lên ước khoảng 174.143 tỷ đồng.
Để đáp ứng các mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đối với phát triển hạ tầng đô thị từ năm 2006 đến 2020, các tổ chức tài trợ quốc tế tính toán lượng vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở đô thị đã lên tới hàng chục tỷ USD, chiếm khoảng 15 đến 20% tổng GDP của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2010 cần đầu tư khoảng 18 tỷ USD, năm 2020 khoảng 46 tỷ USD.
Đây là những khoản đầu tư rất lớn, đòi hỏi phải được huy động từ nhiều nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
Bởi trên thực tế, ngân sách nhà nước chi cho hạ tầng đô thị giai đoạn 1996-2000 mới đạt khoảng trên 5 tỷ USD.
Trong khi đó, nhu cầu vốn hàng năm cho đầu tư phát triển đô thị để đạt được các mục tiêu quy hoạch trong 20 năm tới cao hơn rất nhiều so với mức đầu tư trung bình những năm qua.
Do vậy, các chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư đóng vai trò quyết định khả năng thực thi các mục tiêu quy hoạch.
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng việc hình thành phát triển đô thị là do thị trường quyết định.
Nhà nước chỉ cần hỗ trợ thực hiện thêm 3 nhiệm vụ là xây dựng hạ tầng, quy hoạch đất, thu thuế và sử dụng đất. Hiện nay, các thành phố phát triển đô thị theo hiện trạng chính sách một đường và thị trường đi một nẻo khiến đô thị phát triển mất cân đối.
Từ bối cảnh đó, nguồn lực cơ sở địa phương chính là một trong những yếu tố cần phát huy. Muốn vậy, cần có chính sách tạo điều kiện cho các địa phương huy động được nhiều vốn hơn từ các nguồn như hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu và vốn từ các ngân hàng thương mại... hay cơ chế khai thác từ quy hoạch phát triển quỹ đất, vốn đóng góp từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn cần có kế hoạch ngân sách và cơ chế quỹ phát triển quốc gia hỗ trợ các dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển đô thị.
Ông Huỳnh Thế Du dẫn chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tồn tại bất cập trong việc phát triển đô thị là chưa xây dựng được tối thiểu hệ thống giao thông công cộng.
Trong khi đó, ở các thành phố như Seoul của Hàn Quốc hay Thượng Hải của Trung Quốc không có bản đồ quy hoạch tốt, nhưng hạ tầng giao thông công cộng lại rất tốt.
Còn tại Việt Nam, các thành phố quy hoạch đất nhưng khi làm dự án lại không tuân thủ khiến các dự án “treo” nhiều năm.
Bởi vậy, chính sách nên đơn giản để thị trường quyết định và Nhà nước chỉ cần "nắn dòng" theo thị trường để tạo ra đô thị như mong muốn - ông Du phân tích.
Thêm một nguồn lực đầu tư cần tận dụng có thể kể tới là từ các tổ chức, cá nhân nên việc tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư đặc biệt cần thiết. Đó chính là môi trường mở, thân thiện với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Việt Nam cần xúc tiến các quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương nhằm thu hút nguồn vốn ODA cho phát triển đô thị với các cơ chế ưu đãi hợp lý.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản và đất đai là nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của các đô thị vệ tinh cũng như toàn vùng đô thị.
Việc phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai; tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc…, từ đó tạo chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường này phát triển sẽ làm tăng khối lượng giao dịch hàng hóa bất động sản.
Đây là điều kiện cơ bản tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua thu các loại thuế liên quan đến bất động sản.
Tuy nhiên, khả năng huy động vốn (gián tiếp lẫn trực tiếp) qua thị trường bất động sản hiện vẫn còn hạn chế.
Ngoài hình thức góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các dự án liên doanh, bất động sản hầu như chưa được chuyển hóa thành tài sản tài chính dành cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho rằng, khi đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như làm đường mới chỉ tính đến đơn giá xây dựng con đường chứ chưa nghĩ đến việc tận dụng các quỹ đất xung quanh để có thể bù đắp một phần hoặc toàn bộ cho chi phí đó, thậm chí có thể sinh lãi nếu làm tốt.
Trên thực tế khi nâng cấp hạ tầng khung, hay mở ra những con đường mới đi qua làng xóm hoặc đồng ruộng thường có đơn giá bồi thường thấp.
Thế nhưng, khi có đường mới thì giá đất hai bên đường sẽ tăng rất cao. Nếu lấy dải đất hai bên đường cho đấu thầu thì có thể có lãi và lãi đủ bù chi cho đầu tư công.
Đặc biệt, cảnh quan hai bên đường cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ và không còn hiện tượng trục lợi cá nhân gây méo mó quy hoạch, thất thoát tài sản nhà nước - ông Hùng phân tích.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguồn lực đất đai và bất động sản là con dao hai lưỡi. Nếu quản lý tốt nguồn lực này thì đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị và đặc biệt là các đô thị vệ tinh.
Ngược lại làm không tốt, thiếu kiểm soát sẽ rất dễ tạo ra bong bóng bất động sản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
Theo Tạp Chí Tài Chính