Việt Nam đang nhập khẩu thêm rất nhiều hàng hóa từ Mỹ. Trong các cuộc nói chuyện gần đây với các doanh nhân và nhà ngoại giao Hoa Kỳ, các quan chức Việt Nam đã nói về việc nhập khẩu số lượng lớn sản phẩm bao gồm than, khí đốt tự nhiên, thịt, trái cây và các loại nông sản khác.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt 39,5 tỷ USD vào năm ngoái và đang trên đường thiết lập kỷ lục mới trong năm nay. Đặc biệt, nhập khẩu năng lượng có thể sẽ tăng mạnh bởi Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, sẽ phải đối mặt với khủng hoảng cung cấp điện vào năm 2021.
Một số công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc khi thuế quan đối với hàng nhập từ Trung Quốc ngày một tăng cao hơn. Và đồng thời, vì bản thân họ cũng bị đánh thuế đáp trả từ ông Tập, nên họ cũng tìm đến Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác như những thị trường thay thế.
Theo Tổng cục Hải quan, hàng hóa từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt hơn 6,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ 2018.
Trong đó, có 14 nhóm hàng đạt kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Dẫn đầu là máy tính, điện tử, tăng 49% so với cùng kỳ 2018, đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 32% trong tổng kim ngạch. Ôtô nguyên chiếc tăng tới 107%, đạt trên 24 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ôtô tăng 95%, đạt 8,8 triệu USD.
Hàng rau quả từ Mỹ vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng tới 70%, đạt hơn 116 triệu USD; thủy sản tăng 67%, đạt 47 triệu USD. Các loại bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc nhập từ Mỹ cũng tăng hơn 66%, đạt hơn 5 triệu USD.
Nhìn chung, giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thời gian qua giảm khá mạnh, tập trung vào nông, thủy sản, linh kiện điện tử. Hiện tại, tôm hùm, cua huỳnh đế, thịt heo, đậu tương của Mỹ về Việt Nam giá giảm 15 - 50% so với năm ngoái.
Trong những tuần gần đây, các hàng hóa được cho là hàng xa xỉ trước đây ở Việt Nam, như anh đào và táo Mỹ, đã xuất hiện ngày một nhiều trong các cửa hàng. Ông Pete Ricketts - thống đốc đảng Cộng hòa của Nebraska, đã đến thăm Hà Nội trong tuần này, dẫn đầu một phái đoàn thương mại bao gồm Tyson Food, nhà sản xuất thịt, công ty làm hệ thống tưới tiêu, và các nông dân chăn nuôi bò và bê.
"Với việc Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu nông sản từ Mỹ, chúng tôi hiểu là chúng tôi cần đa dạng hóa thị trường của mình", ông Ricketts nói với Financial Times. "Chúng tôi muốn xem liệu chúng tôi có thể phát triển những nơi khác, để cho nông dân và chủ trang trại của mình bán sản phẩm của họ ở Đông Nam Á hay không".
Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi chính từ cuộc chiến thương mại, vì Việt Nam sản xuất nhiều hàng hóa tương tự với các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế mới của Mỹ.
Việt Nam cũng đã được hưởng lợi từ đầu tư mới, nhưng cũng phải giám sát chặt chẽ khâu vận chuyển hàng hóa để tránh việc hàng hóa từ Trung Quốc gắn nhãn Made in Vietnam để tránh thuế quan.
Theo CafeF